Đề xuất thêm thời gian thống kê để hỗ trợ công bằng cho dân

(PLO) - Nhằm khắc phục sự cố môi trường biển gây ra sau việc xả thải của Formosa Hà Tĩnh, hôm qua (5/8), Đoàn công tác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) đã có buổi  làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh về tình hình lao động, việc làm, giải pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
Riêng tại Hà Tĩnh, sự cố môi trường Formosa  khiến hơn 42 ngàn lao động bị ảnh hưởng.
Riêng tại Hà Tĩnh, sự cố môi trường Formosa khiến hơn 42 ngàn lao động bị ảnh hưởng.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đã báo cáo tình hình ảnh hưởng do sự cố môi trường biển trên địa bàn Hà Tĩnh. Theo đó, sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới việc làm của hàng vạn lao động thuộc 56 xã của các huyện ven biển, bao gồm: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và thị xã Kỳ Anh. 

Các nhóm lao động tập trung chủ yếu trong lĩnh vực khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản, nghề muối và nhà hàng, khách sạn. Tổng số lao động bị mất việc, thất nghiệp hoặc giảm sút việc làm là 42.520 người, đồng thời ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của trên 30.000 hộ gia đình.

Để khắc phục những thiệt hại xảy ra, ngay sau sự cố môi trường biển, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB &XH phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các ngành chức năng bám sát địa bàn điều tra, khảo sát, thống kê, lập danh sách nhân khẩu các hộ gia đình có hoạt động đánh bắt hải sản, lao động dịch vụ hậu cần nghề cá để tham mưu cho UBND tỉnh trích ngân sách địa phương và đề nghị Chính phủ hỗ trợ. 

Đến nay, Hà Tĩnh đã hỗ trợ 3.748 tấn gạo trong 4 đợt cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng và dự kiến đợt 5 sẽ bắt đầu từ 15/9/2016. Hà Tĩnh cũng hỗ trợ 100% kinh phí ngân sách mua thẻ bảo hiểm y tế cho 9.210 thành viên thuộc hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển; có chính sách hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho hộ nghèo và cận nghèo chuyển đổi ngành nghề; hỗ trợ đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần có công suất trên 400CV…

Trong buổi làm việc, đại diện các Sở LĐ-TB&XH; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Y tế và đại diện 6 huyện bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển đã đóng góp, thảo luận nhiều vấn đề xung quanh công tác thống kê thiệt hại và thu thập thông tin. Những khó khăn trong đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân vùng biển cũng như quá trình rà soát thông tin được Sở LĐTB&XH phân tích cụ thể. 

Theo đó, lực lượng lao động đánh bắt hải sản trên địa bàn tỉnh có độ tuổi từ 35-40 nên không thể chuyển đổi vào hoạt động trong các doanh nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động do quá tuổi; quỹ đất của các địa phương vùng biển hạn chế nên việc chuyển đổi sang chăn nuôi, trồng trọt rất khó khăn; việc triển khai điều tra, khảo sát, thu nhập thông tin về hộ gia đình bị ảnh hưởng không cùng một đầu mối nên tạo áp lực cho cơ sở; điều tra viên ở cấp xã và cấp thôn chưa có kinh nghiệm về điều tra thông tin thu nhập…

Từ những bất cập này, đại diện các sở, ngành và 6 huyện đã đề xuất nhiều kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương để xác định chính xác thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Ông Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh đề nghị cần có phương pháp tính toán một cách chính xác thu nhập của các hộ bị ảnh hưởng để công tác hỗ trợ đảm bảo tính công bằng.

Về tình hình triển khai công tác thu thập thông tin hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc cho rằng công việc này đòi hỏi phải cẩn trọng và chính xác. Bởi vậy, Bộ LĐ-TB&XH nên kéo dài thời gian hoàn thành khảo sát đến 15/8; dự kiến đến ngày 20/8/2016 Sở LĐTB&XH sẽ báo cáo kết quả về Bộ. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đánh giá cao sự nỗ lực của Hà Tĩnh trong việc chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường; đồng thời khẳng định công tác khảo sát thu thập thông tin của người dân sau sự cố môi trường biển là cơ sở quan trọng trong xây dựng đề án việc làm cho 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng, trình Chính phủ xem xét.

Để Đề án phù hợp thực tiễn, Hà Tĩnh cần sớm khảo sát, thu nhập thông tin nhằm sớm có những kiến nghị, đề xuất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động vùng biển được chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống.

Khẳng định thông tin mà Hà Tĩnh cung cấp là rất hữu ích, thiết thực cho việc thiết kế Đề án xác định thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động, Thứ trưởng Diệp cũng đặc biệt lưu ý công tác khảo sát phải đảm bảo không bỏ sót nhưng cũng không tính trùng đối tượng.

Đọc thêm