Déjà vu, có thể nhìn trước tương lai từ quá khứ?

(PLO) -Khi đang nói chuyện hay nhìn ngắm, khám phá một nơi chưa từng đặt chân đến hoặc khi đơn giản là sinh hoạt bình thường, đột nhiên một cảm giác lướt qua rằng bản thân đã trải qua chính xác thời khắc này trước đây. Cảm giác đó đột ngột mạnh mẽ rồi giảm dần, sau đó hoàn toàn biến mất, tất cả chỉ trong một vài giây. Đó chính là Déjà vu - hiện tượng gây tranh cãi hàng trăm năm qua.
Hình minh họa
Hình minh họa

Déjà vu là gì?

Déjà vu là một từ tiếng Pháp có nghĩa là “đã từng nhìn thấy” hoặc “ký ức ảo giác”. Hiện tượng này phổ biến ở khoảng 60-70% dân số, thường ở độ tuổi từ 15 đến 25. Vì Déjà vu diễn ra rất bất thường và nằm ở phạm trù tinh thần, cảm giác - bởi vậy nó rất khó để các nhà khoa học nắm bắt một cách tường tận.

Nhưng các nhà phân tích tâm lý lại xem nó là đặc trưng cho cách suy nghĩ có tính ao ước. Một số nhà tâm lý lại cho rằng đó là sự kết nối nhầm lẫn của bộ não làm cho ta lầm tưởng hiện tại là quá khứ. Còn những nhà hỗ trợ tâm lý thậm chí tin rằng hiện tượng này có liên quan đến trải nghiệm của tiền kiếp. 

Déjà vu là hội chứng chỉ cảm giác đối mặt với một sự kiện, một khung cảnh mà dường như mình đã từng thấy mặc dù không biết chắc sự kiện, khung cảnh này mình đã gặp lúc nào.

Hội chứng này chỉ áp dụng cho các cảm giác mà con người chưa thực sự trải qua bao giờ nhưng lại có cảm giác mình đã từng trải qua ở đâu đó. Đây là hội chứng tâm lý thú vị mà có khá nhiều người từng gặp phải ít nhất một lần trong đời.

Thuật ngữ Déjà vu được đặt ra bởi một nhà nghiên cứu về tâm linh học người Pháp có tên Émile Boirac (1851–1917). Hiện tượng này xảy ra rất phổ biến cả người lớn lẫn trẻ em. Déjà vu đã được miêu tả trong văn học từ rất lâu và tới nay có tới 40 cách giải thích khác nhau đang cùng tồn tại, từ mê tín như sự đầu thai cho đến những lí giải khoa học như trục trặc trong quá trình ghi nhớ của não bộ con người.

Giả định phù hợp nhất cho rằng Déjà vu xảy ra là do tiềm thức - hoạt động tâm lí mà bản thân con người không có ý thức, hoạt động song song với suy nghĩ. Tiềm thức kiến tạo nên các hình ảnh, tình huống mà vô tình, nó sẽ trùng hợp với sự kiện xảy ra trong cuộc sống.

Để chốt lại vấn đề về khái niệm, các nhà khoa học đã kết luận: Déjà vu là cảm giác xuất hiện khi sự kiện đó diễn ra và bạn cho rằng nó đã xảy ra trong quá khứ. Điều được cho là khó nhất trong việc nghiên cứu Déjà vu là việc không thể tái tạo lại cảm giác này theo ý muốn, hay nói rõ hơn thì đây là một hiện tượng xảy ra rất ngẫu nhiên nhưng lại có ấn tượng khá mạnh mặc dù chỉ xảy ra với các sự việc kéo dài tối đa 30 giây.

“Đi tìm” Déjà vu 

Một số nhà nghiên cứu suy đoán rằng khi ký ức chỉ cần một chút thông tin của các giác quan (như mùi hương, hình ảnh,… quen thuộc) để đem đến một sự gợi nhớ rất chi tiết thì Déjà vu lại là một dạng xáo trộn giữa thông tin đầu vào của các giác quan và kết quả đầu ra của quá trình gọi lại ký ức.

Tuy nhiên, lý thuyết mơ hồ này vẫn không giải thích được tại sao khoảnh khắc trải nghiệm trong Déjà vu không nhất thiết phải là một sự kiện trong quá khứ thật sự.

Hay một học thuyết khác dựa trên cơ chế não xử lý và lưu trữ các thông tin cho rằng một sự trì hoãn trong quá trình xử lý thông tin của não tạo ra Déjà vu. Thông tin đi vào não qua nhiều con đường khác nhau. Trong quá trình này, sự đồng bộ các thông tin không được xử lý tốt sẽ tạo ra Déjà vu.

Một quan điểm đáng lưu ý khác đó là, trong quá trình sinh hoạt, giao tiếp hằng ngày, bộ não con người có khả năng tự sắp xếp, liên kết các sự kiện và phân tích một cách lôgic, từ đó tạo ra những hình ảnh, âm thanh, sự kiện có khả năng xảy ra trong tương lai và ghi vào vùng trí nhớ, điều này gần giống với phương pháp tiên tri.

Khả năng tự sắp xếp và liên kết này của não người được hình thành và rèn luyện trong quá trình con người suy nghĩ và suy đoán có chủ ý. Vì thế, khi bắt gặp một trong những sự việc mà bộ não đã phân tích đúng thì lúc đó sẽ có cảm giác "hình như" đã gặp hoặc đã từng ở vào tình huống đó trong quá khứ.

Có thể thấy rằng dù còn rất nhiều tranh cãi nhưng những giả thuyết đưa ra đều có chung một quan điểm đó là hiện tượng này vốn chỉ là một cơ chế mang tính sinh học của con người, hoàn toàn không có liên hệ gì đến những gì mà quan điểm nhiều người cho rằng đó là tiên tri, là du hành thời gian hay trải nghiệm tiền kiếp.

Và đặc điểm chung của tất cả những trải nghiệm Déjà vu là hoàn toàn ý thức được chúng đang diễn ra, có nghĩa là không cần toàn bộ não bộ để tạo ra hiện tượng này. 

Qua nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã xác định chính xác được những xáo động của vùng giữa thuỳ thái dương (medial temporal lobe) là “tác giả” của hiện tượng thú vị này.

Một vài nghiên cứu cho kết quả phân tích các mẫu tín hiệu điện não đồ từ các vùng vỏ não xung quanh khe Rhinal, hồi hải mã (có liên quan đến quá trình hình thành ký ức) và hồi hạnh nhân (liên quan đến cảm xúc) ở những tình nguyện viên được kích thích điện não để trải nghiệm Déjà vu. 

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các sự phát tín hiệu điện neuron một cách đồng bộ giữa vùng vỏ quanh khe Rhinal với hồi hải mã hoặc hồi hạnh nhân hay nói cách khách là một sự đồng kích thích trùng hợp nào đó ở các cấu trúc vùng giữa thuỳ thái dương sẽ có thể “châm ngòi” cho sự hoạt hoá hệ thống tìm gọi ký ức.

Trải nghiệm Déjà vu 

Trải nghiệm Déjà vu sẽ suy giảm theo tuổi tác. Mức độ thường xuyên trải nghiệm Déjà vu cũng sẽ nhiều hơn đối với những người có tinh thần khoẻ mạnh, hay đọc sách, nghiên cứu hay nhưng người có khả năng ghi nhớ tốt. Bên cạnh đó, những người thường trải qua Déjà vu cũng có xu hướng tưởng tượng phong phú và khả năng nhớ lại các giấc mơ. 

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Qua các công trình nghiên cứu, có thể phân loại Déjà vu thành 2 loại. Loại phổ biến nhất, thường gặp đối với những người khỏe mạnh bình thường là Déjà vu liên tưởng.

Các nhà khoa học cho rằng loại Déjà vu này là những trải nghiệm chủ yếu dựa trên ký ức, và họ cho rằng não bộ chịu trách nhiệm điều phối lượng ký ức này. Để có được những hiện tượng như đã từng nghe thấy, nhìn thấy, cảm thấy một hiện tượng nào đó.

Loại Déjà vu thứ hai được gọi là Déjà vu sinh học. Nó thường xuất hiện đối với những người động kinh thùy thái dương. Trước mỗi cơn động kinh họ thường có trải nghiệm Déjà vu rất rõ rệt.

Điều này giúp ích cho các nhà khoa học xác định nguồn gốc phát ra tín hiệu Déjà vu trên não bộ. Déjà vu sinh học cho phép trải nghiệm một cách chân thực và sinh động nhất về hiện tượng từng trải chứ không phải chỉ là cảm giác thoáng qua đơn thuần.

Déjà vu cũng xuất hiện như một triệu chứng báo hiệu trong nhiều bệnh rối loạn tâm thần, bao gồm trầm cảm, rối loạn tâm thần phân ly, tâm thần phân liệt... 

Mặc dù hiện tượng thú vị Déjà vu đã được nghiên cứu từ rất lâu và các nhà khoa học đã đưa ra hàng chục giả thuyết về hiện tượng này, song đến nay đây vẫn là hiện tượng chưa có lời giải thích rõ ràng. Nguồn gốc của Déjà vu là gì, ý nghĩa của nó ra sao vẫn còn bỏ ngỏ.

Và với những bước tiến trong tương lai ở lĩnh vực nghiên cứu về não bộ cũng như ý thức của con người, có lẽ một ngày nào đó không xa, con người sẽ tìm được lời giải cho bài toán này và có thể nó còn giúp tìm thấy thêm được những tính năng siêu việt mới của bộ não con người…

 Déjà vu là cảm giác xuất hiện khi sự kiện đó diễn ra và bạn cho rằng nó đã xảy ra trong quá khứ. 

Đọc thêm