Dịch chuyển, chặt hạ 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng: Mới chỉ là đề xuất

- Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, tính đến nay (ngày 6.6.), nhu cầu, số liệu dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường Phạm Văn Đồng mới chỉ là phương án đề xuất của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư dự án.
Dịch chuyển, chặt hạ 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng: Mới chỉ là đề xuất

Theo thông tin do Sở Xây dựng cung cấp, việc cấp giấy phép dịch chuyển giải tỏa cây xanh là một thủ tục hành chính được UBND TP phê duyệt. Quan điểm nhất quán của lãnh đạo thành phố trong phương án quy hoạch đầu tư xây dựng là tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước.

Trong đó, trường hợp bắt buộc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án phải được tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu với ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di chuyển, dù có thể phát sinh chi phí, trong điều kiện không thể dịch chuyển mới thực hiện giải pháp giải tỏa, chặt hạ.

Đối với số cây phải xử lý trong dự án này (dự án Vành đai 3 - đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến chân cầu Thăng Long), thành phố giao các cơ quan, đơn vị liên quan lên danh sách, hồ sơ cây xanh, phương án cụ thể đối với từng cây, có sự giám sát chặt chẽ việc xử lý cây xanh khi di dời hay chặt hạ - phía Sở Xây dựng nêu rõ.

Dịch chuyển, chặt hạ 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng: Mới chỉ là đề xuất ảnh 1
Hai bên đường Phạm Văn Đồng nhiều ngày nay đã được tiến hành giải phóng mặt bằng, thi công mở rộng đường Vành đai 3. Ảnh Cao Nguyên
Cũng theo thông tin cung cấp cho báo chí, trong dự án này, thành phố yêu cầu cao hơn về quy hoạch cảnh quan kiến trúc, cây xanh được trồng mới trên tuyến đường phải tương đương hệ thống cây xanh đã được trồng trên đường Võ Chí Công.

Dự án xây dựng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long được thiết kế hệ thống cây xanh theo mô hình tuyến đường Võ Chí Công, cụ thể: Tầng cao tổng số 1.547 cây, gồm các loại như giáng hương, bàng Đài Loan; cọ dầu; ban Hoàng Hậu…; tầng cây bụi 4.649 cây các loại, gồm đại sứ, tường vi, ngọc bút, dâm bụt, hoa giấy…; tầng thảm cỏ, cây thảm lá màu 60.772 mét các loại, gồm dương xỉ, ngọc trai, muống Nhật, lan dẻ hạt….

Việc thiết kế cây xanh trồng mới tại dự án đường vành đai 3 bằng các loài cây đa dạng chủng loại, thành 3 - 4 tầng, góp phần cải thiện môi trường không khí, giảm tiếng ồn, giảm chi phí duy trì, giữ ẩm tạo màu xanh nhằm tạo nên một hệ thống cảnh quan đẹp, hiện đại, phù hợp và đồng bộ với các dự án trên trục giao thông có giá trị thẩm mỹ cao.

Hiện TP.Hà Nội đang tập trung trong việc trồng mới cây xanh, phấn đấu đến năm 2020 trồng mới 1 triệu cây xanh, đưa tỉ lệ cây xanh bình quân đầu người lên 10m2 (so với 7,18m2/người năm 2013).

Thực tế, trong năm 2016 và 5 tháng năm 2017, thành phố đã trồng gần 300.000 cây xanh, trong đó trên 35.000 cây xanh có đường kính lớn, thực hiện cắt tỉa để đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống mưa bão được trên 50.000 cây góp phần cải tạo cảnh quan cây xanh và bộ mặt đô thị của thành phố.

Ngoài ra, theo thông tin của Sở Xây dựng, thành phố khẳng định không có chủ trương về giải tỏa, thay thế 4.000 cây xà cừ như báo chí đưa ra.

Dự án mở rộng đường vành đai 3 (đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến chân cầu Thăng Long) là một trong 52 công trình trọng điểm của TP.Hà Nội được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020 có tổng đầu tư 3.113 tỉ đồng, sử dụng vốn ngân sách. Tổng tuyến đường dài 5,6km được mở rộng mặt cắt ngang từ 56m lên 93m, mỗi bên 6 làn xe cơ giới và 5 cầu vượt đi bộ. Với dự án này, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, việc chặt hạ, di dời cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng là bắt buộc.

Đọc thêm