Gia đình “vác tù và” của nữ “Hiệp sĩ giao thông”

(PLO) - Ngã tư Kim Thành, đoạn qua xã Phúc Thành, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương từ lâu được mệnh danh là “ngã tư tử thần”, “điểm đen giao thông” vì thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Cũng ở ngã tư này, suốt hơn ba thập kỷ có một người phụ nữ chuyên cấp cứu miễn phí cho những người gặp tai nạn giao thông. 

Gia đình “vác tù và” của nữ “Hiệp sĩ giao thông”
Cả nhà trở thành “y tá đường phố”
Một ngày nắng tháng sáu, không khó để phóng viên tìm ra căn nhà nhỏ nằm bên quốc lộ 5, trước cửa nhà có treo tấm biển “Điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ”. Căn nhà cấp bốn đơn sơ đó là nơi bà Đào Thị Liên (64 tuổi, ở xã Phúc Thành, huyện Kim Thành, Hải Dương) tiến hành sơ cấp cứu người bị nạn khi đi qua ngã tư Kim Thành. 
Lúc phóng viên đến cũng là lúc bà Liên vừa đi thăm bệnh cho một người ở cách đó không xa. Rót nước mời khách, nữ “y tá đường phố” bắt đầu mở lời. Năm 1966, bà từng là dân quân du kích. Sau đó, bà học y tại Trường Trung cấp Y tế Hà Bắc rồi chuyển về công tác tại Bệnh viện Kim Thành, Hải Dương. 
Hàng ngày chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm trên địa bàn, lương tâm của người thầy thuốc khiến bà không thể làm ngơ trước những vụ tai nạn như vậy. Nghĩ là làm, năm 1971 bà Liên bắt đầu tự nguyện làm công việc cấp cứu người bị nạn. 
Chị Nguyễn Thị Minh Thu – một người dân sống bên quốc lộ 5 tấm tắc: “Bác Liên là người tốt tính, nhiệt tình, chịu khó. Có ai bị tai nạn là bác ấy cứu ngay. Có lần xe đang cháy mà bác vẫn lao vào cứu chứ không nề hà gì. Nhờ có bác Liên mà nhiều người đã được cứu sống. Người dân ở đây ai cũng hết sức tin tưởng và kính trọng bác ấy”. 
Nhiều lần chứng kiến cảnh mẹ, bà đưa người bị tai nạn giao thông về nhà sơ cứu, các con, cháu của bà Liên dần hiểu được ý nghĩa việc làm của bà. Từ đó cứ mỗi lần có tai nạn là hai con và các cháu nội, cháu ngoại của bà đều nhanh chóng giúp bà mang dụng cụ ra sơ cứu cho nạn nhân rồi đưa họ đến bệnh viện. 
Bà Liên có hai người con trai là Đoàn Ngọc Quyến (43 tuổi), Đoàn Ngọc Quý (37 tuổi) cùng các cháu giờ đây là thành viên thường xuyên tham gia hỗ trợ bà khi có người cần giúp đỡ. Không chỉ cứu người gần nơi mình sinh sống, anh Đoàn Ngọc Quý, con trai thứ 2 của bà Liên hiện làm nghề lái xe. Mỗi khi đi đâu gặp người bị nạn giữa đường, anh đều gác lại mọi công việc để sơ cứu và đưa họ đến bệnh viện để chữa trị. 
Chưa hết, cháu nội bà Liên là Đoàn Ngọc Quang và Đoàn Ngọc Ánh từ khi còn nhỏ đã theo bà ra quốc lộ cứu người. Ban đầu thấy những vụ tai nạn thảm khốc, hai đứa cũng sợ. Nhưng đi nhiều thành quen, giờ đây em Đoàn Ngọc Ánh (SN 1996) cũng đang theo học ngành y để nối nghiệp bà nội. 
“Cái Ánh lanh lẹ lắm, bây giờ cứ như phản ứng tự nhiên, gặp người bị nạn là lao ngay đến cứu giúp. Sau này bà già yếu đã có cháu gái thay bà làm việc thiện giúp đời” - bà Liên tự hào nói về cô cháu gái.
Mang tiếng oan vẫn không nản lòng
Cứ sau mỗi lần cứu được người bị nạn bà lại ghi chép cẩn thận vào một cuốn sổ tay, tính đến nay bà Liên đã giúp được hơn 900 trường hợp thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Nhiều câu chuyện mà đến nay khi nhắc lại bà vẫn còn nguyên cảm giác xúc động, thương cảm.
Bà Liên nhớ lại, năm 2013 chị Nguyễn Thị Thúy (26 tuổi, Kim Thành, Hải Dương) và con gái Đỗ Thị Ngọc Ánh (6 tuổi) đi xe máy bị ô tô đâm kéo lê trên đường. Người mẹ văng ra ngoài, còn đứa con chân vẫn mắc kẹt ở chiếc xe máy đang bốc cháy dữ dội. Mặc kệ lửa cháy, hai mẹ con bà vẫn lao ra kéo cháu bé ra ngoài. 
Mọi người xung quanh bảo sao bà dại thế, lúc đấy chiếc xe phát nổ thì sao, bà chỉ cười: “Thấy cháu nó như vậy, tôi chẳng còn nghĩ được gì hết, chỉ biết lúc đó cứu người là quan trọng nhất thôi”. 
Lại một lần khác, khoảng ba năm về trước, bà có cấp cứu cho anh Nguyễn Khắc Hùng (35 tuổi, thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, Hải Dương) bị nạn gãy xương đùi. Sau khi sơ cứu và đưa anh đến viện mới biết anh bị HIV. Biết anh Hùng mắc bệnh, mọi người đều xa lánh, duy chỉ có người y tá già vẫn chăm sóc đến khi anh có thể đi lại bình thường. Sau đó anh Hùng nhận bà Liên làm mẹ. 
“Từ dạo đó, nó thường xuyên qua thăm nom tôi. Nhưng đến năm ngoái vì bệnh nặng quá nên không qua khỏi. Tôi thương nó lắm”- bà Liên buồn rầu nói.
Trong khoảng thời gian mấy chục năm gieo mầm thiện, bà Liên đã không ít lần bị mang tiếng oan. Chẳng hạn, sau một lần cứu người năm 1976, bà bị chính thân nhân người bị nạn vu cho cái danh “ăn trộm vàng”. 
Gần đây là vụ người bị nạn tên Nguyễn Văn Tuấn (20 tuổi, ở huyện Kim Lương) nói rằng bị mất 30 triệu... Bỏ qua những lời đàm tiếu khó nghe, bà Liên vẫn quyết tâm theo đuổi công việc của mình với tâm niệm “còn sức thì vẫn cứu người”. Không kể đêm tối hay mưa bão, mỗi lần nghe tin có vụ tai nạn,  người ta thấy bà Liên có mặt ngay tại hiện trường. Đôi tay người y sĩ già tận tuỵ sơ cứu, băng bó vết thương cho nạn nhân rồi chuyển họ đến bệnh viện… 

Đọc thêm