Giải pháp phòng chống tệ nạn xã hội tại vũ trường, quán karaoke

(PLVN) - Dịch vụ karaoke, vũ trường luôn tồn tại nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, trong đó có việc nhiều cơ sở để cho khách hàng sử dụng ma túy, hoạt động mại dâm. Sự ra đời của Nghị định 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định (có hiệu lực từ tháng 9/2019) về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường hứa hẹn mang đến những chuyển biến tích cực, lành mạnh hóa dịch vụ này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều vi phạm

Giữa tháng 5/2019, tại quán Karaoke Hong Kong, thuộc xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh do Nguyễn Văn Hồng quản lý, lực lượng Công an bắt quả tang tại phòng hát có 8 đối tượng đang sử dụng ma túy trái phép, thu giữ 02 gói nhỏ Ketamin. Qua kiểm tra nhanh, 8 đối tượng trên đều dương tính với chất ma túy. Tiếp tục kiểm tra 2 phòng nghỉ của quán hát, lực lượng Công an bắt quả tang 2 đôi nam nữ đang có hành vi mua bán dâm.

Tại Quảng Nam, những ngày cuối tháng 9/2019, đột kích quán karaoke tại huyện Thăng Bình lực lượng chức năng phát hiện 28 thanh niên dương tính với ma túy. Cũng trong tháng 9, lực lượng chức năng TP HCM kiểm tra quán karaoke K Night trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, phát hiện quản lý quán gạ khách mua dâm tiếp viên với giá 4 triệu đồng. Làm việc với Công an quận 1, đại diện karaoke K Night không xuất trình được giấy phép kinh doanh, nhiều phòng VIP còn khách ăn nhậu, ca hát quá giờ quy định. Cảnh sát cũng thu giữ nhiều thùng rượu ngoại, các bình bơm bóng cười...

Cùng thời điểm, tổ trinh sát khác ập vào khách sạn trên đường Đề Thám, phường Phạm Ngũ Lão, bắt quả tang 2 đôi nam nữ mua bán dâm. Các cô gái nhận là tiếp viên quán K Night, được quản lý Nguyễn Thuỵ Hoàng Hạnh (30 tuổi) điều đi tiếp khách với giá 4 triệu đồng một lần. Hạnh khai, khi khách đến K Night vui chơi sẽ được cô ta và các nữ tiếp viên gợi ý đi “vui vẻ” ở chỗ khác. Nếu khách đồng ý “đào” nào sẽ báo cho Hạnh để cô ta điều đến khách sạn gần đó phục vụ. “Má mì” Hạnh được hưởng một triệu đồng cho mỗi lần môi giới…

Bổ sung chế tài xử lý

Trước đây, Nghị định số 103/2009/NĐ-CP về Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng của Chính phủ đã có quy định về hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường. Tuy nhiên, do sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường phát triển mạnh, dẫn đến những những vụ cháy nổ, mất an ninh trật tự, sử dụng ma túy, hoạt động mại dâm… Quy định về mức xử phạt vi phạm còn thấp so với lợi nhuận mang lại nên nhiều chủ cơ sở cố tình tổ chức hoạt động quá giờ quy định hoặc làm ngơ cho các đối tượng sử dụng ma túy. Có trường hợp chủ cơ sở tìm cách đối phó với lực lượng chức năng bằng việc tổ chức cho nhân viên canh gác, lắp đặt camera, hệ thống báo động, chốt cửa bên trong...

Theo Nghị định mới ban hành, hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường phải tuân thủ chặt chẽ các quy định như chỉ sử dụng các bài hát được phép phổ biến, lưu hành; bảo đảm đủ điều kiện cách âm và âm thanh thoát ra ngoài phòng hát hoặc phòng vũ trường phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn. Tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh rượu; phòng, chống tác hại của thuốc lá. 

Đặc biệt, doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke phải bảo đảm hình ảnh phù hợp lời bài hát thể hiện trên màn hình và văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; không được hoạt động từ 0 đến 8 giờ sáng. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ vũ trường không được hoạt động từ 02 đến 8 giờ sáng. Không cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp có chương trình biểu diễn nghệ thuật phải thực hiện theo quy định của pháp luật về biểu diễn nghệ thuật.

Khi kinh doanh dịch vụ karaoke, doanh nghiệp phải bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự. Phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20 m2 trở lên. Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ). Tương tự, điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường phải bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự; không được đặt chốt cửa bên trong phòng vũ trường hoặc đặt thiết bị báo động. Phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80 m2 trở lên. Địa điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa từ 200 m trở lên.

Theo các nhà quản lý, Nghị định 54 đã quy định các biện pháp, chế tài đủ mạnh để quản lý như yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh để khắc phục vi phạm hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh.

Trước đây khi bị phát hiện sai phạm, các chủ cơ sở sẵn sàng viết cam kết, nộp phạt, sau đó đâu lại vào đấy. Nghị định 54 quy định về tạm dừng kinh doanh, thu hồi giấy phép đối với cơ sở vi phạm sẽ góp phần tăng cường hiệu quả cho công tác quản lý. Bởi, việc này có tác động trực tiếp tới trách nhiệm của chủ cơ sở trong việc giữ gìn an ninh trật tự.

Văn bản yêu cầu tạm dừng kinh doanh phải nêu rõ hành vi vi phạm, thời điểm và thời hạn tạm dừng. Việc xác định thời hạn tạm dừng căn cứ vào mức độ vi phạm, thời hạn khắc phục do cơ quan cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh quyết định. Thời hạn tạm dừng không quá 03 tháng. Doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh phải dừng kinh doanh theo yêu cầu và khắc phục vi phạm.

Nghị định cũng quy định tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra với hình thức thanh tra, kiểm tra liên ngành; kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh, nhằm bảo đảm việc thực hiện các quy định về điều kiện, trách nhiệm khi kinh doanh của tổ chức, cá nhân…

Đọc thêm