Hải chiến Gạc Ma: Đau đáu hài cốt đồng đội còn nằm giữa trùng khơi

(PLO) -Hải chiến Gạc Ma đã qua 29 năm nhưng với những cựu binh, họ sẽ không bao giờ quên những đồng đội của đã nằm xuống trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Điều những người còn sống đau đáu, xót xa nhất là hài cốt của đồng đội mình vẫn còn nằm lại giữa trùng khơi nắng gió.
Cựu binh Thi đau đáu về hài cốt của đồng đội.
Cựu binh Thi đau đáu về hài cốt của đồng đội.

Nỗi lòng từ đáy tim

Nhắc về trận hải chiến Gạc Ma, cựu binh Đào Thái Thi (SN 1968, ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, Trưởng Ban liên lạc Hội cựu binh Trường Sa tại Phú Yên) xúc động: “Chúng tôi không bao giờ quên những đồng đội đã ngã xuống trong trận chiến giữ đảo Gạc Ma hôm ấy. Thân xác đồng chí đồng đội còn ngoài biển khơi nhưng tinh thần, ngọn lửa Gạc Ma đã và đang cháy mãi trong tim những người lính Trường Sa”.

Nói rồi anh Thi lấy sắp giấy tờ hình ảnh cho tôi xem. Anh bảo đây là hình ảnh những năm trước, anh em cựu binh Gạc Ma gặp mặt nhau vào ngày 14/3. “Mỗi lần gặp mặt, tôi luôn nói với tất cả những cựu chiến binh Trường Sa rằng hãy luôn sống xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội mình, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân”, anh Thi nghẹn ngào.

Trong sắp giấy anh Thi đang để trên bàn có bài phát biểu của anh nhân gặp mặt 28 năm cựu binh Gạc Ma tại Phú Yên (1988 - 2016). Ở đó, có tên 2 liệt sĩ Trương Văn Thịnh và Phan Tấn Dư. 

Nhắc đến 2 người đồng chí đồng đội này, anh bảo: “Tôi còn sống và có được như hôm nay là quá đủ rồi! Đồng đội tôi đã hy sinh và ngay cả hài cốt cũng không tìm thấy nên lúc nào tôi cũng đau đáu. Tôi muốn đóng góp, làm một thứ gì đó cho mẹ của những đồng đội tôi. Thế nên hàng năm, ngoài tổ chức họp mặt, tưởng niệm những đồng chí đã hy sinh. Tôi còn vận động anh em đồng đội góp những phần quà để phụng dưỡng các mẹ.

Đồng thời, cùng với đồng đội huy động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trao sổ tiết kiệm cho mẹ Nguyễn Thị Đảo (mẹ liệt sĩ Trương Văn Thịnh), mẹ Lê Thị Niệm (mẹ liệt sĩ Phan Tấn Dư). Bên cạnh đó, các anh em đồng đội còn san sẻ nhau những khó khăn để giúp nhau vươn lên trong cuộc sống”.

Bài phát biểu của anh Thi nhân gặp mặt 28 năm cựu binh Gạc Ma tại Phú Yên.
Bài phát biểu của anh Thi nhân gặp mặt 28 năm cựu binh Gạc Ma tại Phú Yên.

“Muốn làm thứ gì đó cho con em những đồng đội”

Những người mẹ như cụ Đảo, cụ Niệm sẽ không quên hình ảnh hàng tháng cựu binh Nguyễn Văn Dũng (SN 1966, ở TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) lặn lội ra thăm các cụ. Riêng ngày 14/3, dù công việc bận rộn đến đâu, cựu binh Dũng cũng sắp xếp để ra thăm và gửi các cụ những phần quà để cùng Nhà nước phụng dưỡng các cụ.

Cụ Lê Thị Niệm tâm sự: “Dù là thương binh nhưng thằng Dũng nó giỏi lắm. Nó chăm chú làm ăn và luôn nghĩ về đồng chí đồng đội, nghĩ về cụ. Mỗi lần ra thăm cụ nó đều gửi cụ tiền, rồi quà cáp. Nó nói đó chỉ là thứ ít ỏi so với những gì thằng Dư đã vĩnh viễn ở lại nơi hải đảo xa xôi kia. Nghe nó nói vậy, cụ thấy xúc động và thương nó lắm”.

Theo tìm hiểu, không chỉ là cựu binh Trường Sa, anh Dũng còn được biết đến là người làm ăn kinh doanh giỏi, có nhiều đóng góp cho địa phương cũng như gia đình một số đồng đội đã hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa. Anh Dũng dù không tham gia vào trận hải chiến Gạc Ma, nhưng sau đó anh tham gia bảo vệ Tổ quốc ở Trường Sa và bị thương. Vết thương làm tổn thương toàn bộ xương chậu, mất khả năng chân trái đã khiến cựu binh Dũng mất sức khỏe 61%, thương binh hạng 2/4.

Cựu binh Dũng cho biết: “Xuất ngũ trở về địa phương, thể trạng của tôi chỉ nặng 36kg, cùng nhiều bệnh tật khiến cuộc sống khá chật vật. Để có thể nuôi sống bản thân, tôi đã xắn tay vào lao động. Tôi đi làm khắp nơi, làm nhiều nghề, ai thuê gì làm nấy chỉ để kiếm cơm ăn là đủ. Rồi ông trời cũng thương người thương binh như tôi, cho tôi ăn nên làm ra, có cuộc sống đầy đủ. Bây giờ tôi mở nhà hàng, tạo công ăn việc làm cho gần 50 lao động, nhưng phần lớn nhân viên của tôi là con em đồng đội, con thương binh liệt sĩ”.

Chia sẻ với tôi, cựu binh Dũng xúc động tâm sự, là một cựu binh Trường Sa, anh luôn muốn đóng góp một chút gì đó cho xã hội, nhất là với gia đình các liệt sĩ đã ngã xuống trong trận hải chiến Gạc Ma. Anh bảo: “Ngoài việc làm ăn kinh doanh, thì hoạt động từ thiện đã ăn vào máu tôi. Tôi muốn đóng góp, làm một thứ gì đó cho con em đồng đội của tôi”.

Anh Đào Thái Thi cho biết: “Cựu binh Dũng được mọi người cảm mến vì có nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng. Hàng năm anh đều hỗ trợ hàng trăm suất quà, học bổng cho học sinh nghèo vượt khó tại địa phương. Đồng thời giúp đỡ các mẹ liệt sĩ, giúp những đồng chí đồng đội của anh vươn lên trong cuộc sống. Những dịp tri ân anh hùng Gạc Ma, anh đều hỗ trợ hàng chục triệu đồng để làm từ thiện”.

Cựu binh Gạc Ma gặp mặt vào năm 2013.
Cựu binh Gạc Ma gặp mặt vào năm 2013.

“Đặt tên quán là Trường Sa”

Trong phòng khách của căn nhà chật hẹp, nồng nã mùi phở trên đường Tăng Bạt Hổ (phường Lê Lợi, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), anh chủ quán phở Trường Sa không ngăn được xúc động khi nhắc đến hai tiếng “Gạc Ma”.

Ký ức 29 năm trước như một thước phim quay chậm hiển hiện ngay trước mắt. Cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa (SN 1968) rưng rưng: “Đó là nơi 64 người lính, họ là đồng đội tôi đã vĩnh viễn nằm lại trong trận chiến không cân sức. Tôi còn sống là quá may mắn”.

Ngồi trò chuyện, cựu binh Thoa bảo, trong trận hải chiến Gạc Ma ấy, anh cùng 9 đồng đội bị tàu Trung Quốc bắt, bị bịt mắt, bị đánh đập dã man, chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. “Hồi đó, tôi bị cai ngục đánh đập dã man, tiêu chuẩn ăn mỗi ngày chỉ được phát 3 cái bánh mì tròn nhỏ như bánh bao, rỗng ruột và 1 bát nước cháo lạt. Tôi chỉ biết nén nỗi căm thù vào trong tim”, anh Thoa nhớ lại.

Theo tìm hiểu, thời gian cựu binh Thoa bị bắt, ở quê nhà, gia đình cứ nghĩ ông đã hy sinh nên lập bàn thờ cúng. Ba năm sau, anh Thoa được phóng thích. Sau khi trở về quê nhà, anh trở thành quân nhân chuyên nghiệp và phục vụ trong quân đội. Đến cuối năm 1996, anh Thoa xin xuất ngũ. 

Bây giờ, cựu binh Thoa ngày ngày sửa xe và bán phở tại nhà. Tên quán phở của anh cũng toát lên khí khái của người lính biển. Quán phở Trường Sa ngày ngày vẫn đón khách tìm đến ăn sáng và trò chuyện cùng người cựu binh trở về từ trận hải chiến không cân sức. 

Cựu binh Thoa tâm sự: “Tôi trở về đất liền mưu sinh nhưng vẫn nhớ Trường Sa nhiều lắm. Từ sau cuộc hải chiến đến nay, tôi chưa một lần được quay lại Gạc Ma, về lại Trường Sa thân yêu. Tôi nhớ Trường Sa, nhớ đồng đội đã ngã xuống. Tôi đặt tên quán là Trường Sa để luôn nhớ về cuộc hải chiến này... Nếu còn sức khỏe, tôi lại làm lính biển”. 

Cựu binh Thoa mở quán phở mang tên Trường Sa để luôn nhớ về cuộc hải chiến này.
Cựu binh Thoa mở quán phở mang tên Trường Sa để luôn nhớ về cuộc hải chiến này. 

Chợt nghĩ, người lính biển trở về sau những đắng cay, tủi uất của trận hải chiến không cân sức, trở về sau những đòn roi, tra tấn dã man vẫn không bị bẻ gãy ý chí chiến đấu. 

Ngày 14/3/1988, Trung Quốc tấn công đá Cô Lin, đá Len Đao và đá Gạc Ma. Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ các đảo đá. Trung úy Trần Văn Phương quyết giữ lá cờ trên đá Gạc Ma và để lại câu nói trước khi hy sinh: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”. 

Gạc Ma là bãi đá ngầm với diện tích khoảng 7,2km2. Gạc Ma có vị trí địa chiến lược rất quan trọng ở Trường Sa. Bãi đá ngầm này là nút thắt của cụm đảo Sinh Tồn và Song Tử; nằm ngay trên tuyến đường từ đất liền tới quần đảo Trường Sa, đặc biệt gần với bờ biển miền Trung Việt Nam, nơi có nhiều cơ sở kinh tế, quốc phòng và an ninh quan trọng.

Đọc thêm