Hoa vẫn nở trong nhọc nhằn, gian khó

(PLVN) - Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều đau thương, tổn thất. Và những lúc khó khăn như vậy, tấm lòng nhân ái trong mỗi con người không phân biệt quốc gia, giàu nghèo, ngành nghề, tuổi tác… là điều rất cần thiết để đưa nhân loại cùng vượt qua đại dịch bình yên và an toàn. Câu chuyện dưới đây đã phần nào cho thấy được điều đó…
Trẻ em DTTS rất cần sự hỗ trợ để không bị ảnh hưởng vì đại dịch
Trẻ em DTTS rất cần sự hỗ trợ để không bị ảnh hưởng vì đại dịch 

Niềm vui nhỏ ở xứ Huế

Từ ngày xảy ra đại dịch Covid-19, không đêm nào chị Hà Thị Ngờ, 27 tuổi ngủ yên giấc. Bao nỗi lo bủa vây quanh chị, từ chuyện cơm ăn, nước uống hàng ngày cho tới chuyện đi học của lũ trẻ.

Hai vợ chồng chị trước đây không nghề nghiệp, phải đi làm thuê, làm mướn, kể cả đi lượm ve chai ngoài đường để kiếm tiền sinh sống. Vất vả mà mỗi ngày thu nhập của hai vợ chồng khoảng 100-120 nghìn đồng, không đủ để nuôi 4 đứa con. 

Trong khi chưa biết làm gì để thay đổi hoàn cảnh sống thì chị Ngờ được dự án “Vì một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em và thanh, thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Thừa Thiên - Huế” do Plan International Việt Nam cùng đối tác Cycad và Codes triển khai thực hiện, chọn là một trong số những người được hỗ trợ vay vốn.

Dự án được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt theo Quyết định số 2390/QĐ- UBND và Quyết định số 2391/QĐ- UBND ngày 16/10/2017, với tổng ngân sách 7,5 tỷ đồng, thực hiện trên địa bàn 8 xã, phường bao gồm An Cựu, Hương Sơ, Kim Long, Lộc Bổn, Phú Hậu, Phú Hiệp, Phú Bình và Phước Vĩnh.

Nhờ vào nguồn vốn 10 triệu đồng mà dự án hỗ trợ, chị Ngờ quyết định không đi làm mướn hay nhặt ve chai nữa mà tự làm nem chả để bán. Nhờ đó, thu nhập của chị và tiền chạy xe thồ của chồng tăng lên được 200-220 nghìn đồng/ngày. 

Có được nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình của chị Ngờ dễ thở hơn rất nhiều. Tuy chưa dư dả nhưng tiền mua thức ăn, vật dụng hàng ngày không còn phải so đo như trước và vui nhất là các con chị cũng có cơ hội đến trường như bọn trẻ hàng xóm. 

Thế nhưng, mọi thứ đang yên bình thì bỗng dưng lại đảo lộn khi đại dịch Covid-19 hoành hành và giãn cách xã hội được thực thi nhằm khống chế sự lây lan của dịch. Cũng vì thế mà việc bán hàng của chị ở chợ và chạy xe thồ của chồng đều phải dừng lại. 

Dừng công việc là dừng thu nhập, gia đình chị Ngờ lại lâm vào hoàn cảnh khốn khó như trước. Suy tính mãi, chị buộc phải sử dụng nguồn vốn vay của dự án để mua lương thực cho gia đình. Để rồi, đêm nào cũng trằn trọc với bao mối âu lo trĩu nặng: “Không đi làm thì biết lấy gì mà trả tiền vay? Còn mấy đứa trẻ nữa, tương lai của chúng thế nào?”. Đã nhiều đêm chị Ngờ trằn trọc trước viễn cảnh 4 đứa con phải bỏ học để ra đường lượm ve chai kiếm sống như bố mẹ chúng trước đây.

Nắm được tình hình rằng trong đại dịch Covid-19, những người như chị Ngờ và gia đình, cùng các nhóm người yếu thế trong xã hội khác như người lao động có thu nhập thấp, hộ gia đình nghèo và cận nghèo sẽ phải chịu nhiều ảnh hưởng vô cùng nặng nề, đầu tháng 4/2020, Tổ chức Plan International Việt Nam cùng các đối tác dự án đã ủng hộ hơn 66 triệu đồng để cứu trợ cho 431 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc 8 phường dự án tỉnh Thừa Thiên - Huế. Những gói cứu trợ bao gồm lương thực, thực phẩm khô như gạo, mì ăn liền đã được trao tận tay cho các hộ gia đình.

“Ôi mừng quá, bất ngờ quá!” – chị Ngờ xúc động nói lắp bắp khi nhìn bốn đứa con reo mừng nhận gạo và mì từ tay của cán bộ Tổ chức Plan và đối tác. Tuy những món quà hỗ trợ từ Tổ chức Plan và các đối tác dự án không nhiều nhưng thực sự ý nghĩa với chị Ngờ và gia đình trong khoảng thời gian này. Gánh nặng cơm áo cho các con phần nào đã nhẹ bớt, chị Ngờ còn mừng hơn nữa khi biết rằng chị sẽ không phải lo lắng về lãi suất cho khoản tiền vay trong ít nhất 3 tháng tới.

Chị Ngờ và các con
Chị Ngờ và các con 

Dắt tay em vượt qua đại dịch

Những ngày gần đây, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh cậu bé 12 tuổi ở Hà Giang đang oằn mình cõng gạch lên bản. Mỗi viên gạch nặng khoảng 12kg, cậu được trả 2.000 đồng, quãng đường lên bản khá xa và dốc ngược, xe máy không lên được. Mỗi ngày cậu bé cõng được 3 chuyến, đồng nghĩa với việc kiếm được 18.000 đồng. Đây là một số tiền khá lớn đối với cậu và gia đình. 

Cậu bé trong bức ảnh là Sùng Mí Sò (12 tuổi) ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Cha của Sùng Mí Sò đã mất vì tai nạn, mẹ đi lấy chồng Trung Quốc để lại Sò cùng 2 em của mình cho ông bà nội. Hằng ngày, Sò cùng các em của mình lên nương với ông bà. Khi nào có người thuê đi cõng gạch thì các bé lại đi cõng để kiếm tiền về mua gạo. Từ tết tới nay, Sò với ông bà của mình phải ăn mèn mén (món ăn làm từ ngô) để sống qua ngày. Một em gái của Sò đã phải nghỉ học vì gia đình quá khó khăn.

Không nghi ngờ gì nữa khi nói, Covid-19 đã và đang mang lại ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống của trẻ em và đặc biệt là trẻ em gái. Đại dịch đã khiến 743 triệu trẻ em gái tại 188 quốc gia phải nghỉ học. Cùng với đó là các nguy cơ về sức khỏe tinh thần, tai nạn thương tích, bạo lực gia đình, xâm hại thân thể, tình dục và bị quấy rối trên mạng cũng gia tăng theo. Những câu chuyện như của anh em cậu bé Sùng Mí Sò nói trên không hiếm gặp ở vùng cao. Và khi hoạt động xã hội cũng như nền kinh tế cả nước và các địa phương bị gián đoạn, đình trệ do đại dịch thì cuộc sống các em càng khó khăn bội phần. 

Nhiều tổ chức toàn cầu đã và đang bày tỏ những mối lo ngại về tác động của đại dịch tới trẻ em. TS. Chang-Hee Lee – Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) nhận định rằng trẻ em thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong tình hình hiện nay.

“Trẻ em cũng có thể bị ảnh hưởng do bố mẹ mất việc làm hay bị cắt giảm thu nhập. Khi xảy ra khủng hoảng, tình trạng bỏ học, suy dinh dưỡng, bóc lột lao động và lao động trẻ em có thể gia tăng nghiêm trọng dẫn đến những hệ quả lâu dài và không thể đảo ngược được đối với công cuộc phát triển nguồn lực con người” - TS. Chang-Hee Lee nhấn mạnh.

Còn theo bà Henrietta Fore - Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) thì trẻ em trong các gia đình nghèo là những người chịu nhiều rủi ro nhất. Các vật tư y tế bị thiếu thốn và các chuỗi cung ứng bị gián đoạn do các phương tiện vận chuyển ngừng hoạt động. Các chuyến bay bị hủy, các hoạt động thương mại bị hạn chế đã gây ảnh hưởng tồi tệ tới việc tiếp cận các thuốc thiết yếu, trong đó có vắc xin… 

Trước tình hình này, Giám đốc điều hành Tổ chức Plan International toàn cầu, bà Anne-Birgitte Albrectsen cùng 20 lãnh đạo của các tổ chức từ thiện phát triển khác đã kêu gọi và cam kết: “Chúng ta phải hành động, ngay bây giờ. Hãy đoàn kết nỗ lực để trẻ em và đặc biệt là trẻ em gái được an toàn cả về thể chất lẫn tinh thần trong đại dịch Covid-19”.

Nhằm thực hiện cam kết trên, Tổ chức Plan International Việt Nam chính thức khởi động dự án “Bảo vệ trẻ em dân tộc thiểu số trước dịch bệnh Covid-19” bắt đầu từ ngày 1/4 đến 30/9/2020 tại tất cả các cộng đồng do Plan bảo trợ. 

Bằng việc hỗ trợ các trạm y tế, các trường học cả về trang thiết bị cơ sở vật chất lẫn tăng cường năng lực cho các cán bộ chuyên môn với tổng ngân sách là 625.000 Euros (khoảng 16 tỷ đồng), dự án hỗ trợ trực tiếp cho 32.000 trẻ bảo trợ và 250.000 người dân trong cộng đồng tại 66 xã thuộc 13 huyện 5 tỉnh, thành trên cả nước, gồm Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum.

Trẻ em ở các nơi này đều thuộc nhóm các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa với nhiều rào cản về ngôn ngữ, các phương tiện truyền thông số để có thể tiếp cận được các thông tin về Covid-19. Cuộc sống thường nhật vốn đã nhiều trở ngại nay càng trở nên thách thức hơn trước dịch bệnh.

Được biết, cộng đồng tại 66 xã thuộc 13 huyện 5 tỉnh, thành này trước đó đã và đang là đối tượng được Plan International hỗ trợ trực tiếp trong các dự án vì trẻ em của mình. 

… Nhớ đã từng đọc ở đâu đó mấy câu thơ rằng: “Đường quê hương hôm nay hoa vẫn nở/Triệu nụ thơm dẫu đất đã khô cằn/Dẫu hôm nay khó khăn tiếp nối vạn khó khăn/Hoa vẫn nở trong nhọc nhằn ươm mộng”. Đúng là như vậy, ở đời trong những lúc khó khăn, gian nan nhất, thì hoa vẫn nở. Những bông hoa đẹp từ lòng người… 

Đọc thêm