Hồi sinh thần kỳ từ chàng trai từng trộm ván quan bán lấy tiền hút chích

(PLO) -“Con trai tui không còn đứng bên bờ vực thẳm”, bà Trần Thị Mến (49 tuổi, ngụ xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đã nói như vậy, khi đứa con trai độc nhất của bà là Trần Bình (SN 1996) đã thoát khỏi ma túy, nhờ dự án “cai nghiện tự giác tại cộng đồng” trong năm 2015.
Nhiều người đã thoát khỏi ma túy nhờ dự án “cai nghiện tự giác tại cộng đồng”
Nhiều người đã thoát khỏi ma túy nhờ dự án “cai nghiện tự giác tại cộng đồng”

Lấy chồng nguyên là cán bộ ngành lâm nghiệp, bà Mến hưởng hạnh phúc được hơn ba năm thì một tai nạn khủng khiếp đã giáng xuống người chồng thân yêu của mình.

Vốn là cán bộ thuộc Chi cục bảo vệ rừng, một lần ông đi làm nhiệm vụ, đã bị gỗ đã đè lên người gây tử vong.

Bà mất chồng khi đứa con trai mới hơn hai tuổi. Gánh nặng cuộc đời bắt đầu từ đây khi bà phải gửi con cho cha mẹ đẻ của mình để bươn chải cuộc sống mưu sinh.

May mắn đến với bà Mến là có người cháu họ làm việc ở đội bảo vệ môi trường và cây xanh của thành phố xin cho bà vào làm việc. Công việc hàng ngày là quét dọn và thu gom rác thải của các gia đình rrong khu vực được phân công, tập trung về bãi để xe ô tô đến đón và chuyển đi.

Ván đóng áo quan cũng bị con trộm bán

Tuy đồng lương không cao, nhưng nhờ công việc ổn định nên cuộc sống của bà không còn vất vả như xưa. Con trai ngày càng khôn lớn, trưởng thành trong tình thương và sự chăm sóc của mẹ. Với số tiền nong, tài sản khi chồng mất để lại, cùng sự giúp đỡ của hai bên nội ngoại, bà làm được ngôi nhà cấp 4 trên thửa đất mà khi còn sống, chồng bà đã mua lại của một người trong cơ quan. 

Hạnh phúc của bà là đứa con tên Bình, học THCS và THPT năm nào Bình cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. “Tuy vậy, con trai tôi không thi lên đại học hay cao đẳng chuyên nghiệp. Nó nói với tôi rằng, khối người học lên cao, tốt nghiệp xong thì bị thất nghiệp. Ở nhà kiếm việc làm, nuôi mình, dưỡng mẹ còn hơn. Tôi cho rằng, đó là điều chí phải”, bà kể về con trai mình.

Không ai lường được chữ “ngờ” khi cơn lốc ma túy tràn qua một vùng quê hẻo lánh. Bình là một trong những nạn nhân của chất độc màu trắng này.

“Dạo đó, tôi thấy con trai tôi thường xuyên nghỉ việc, hỏi thì nó nói do xưởng không có xe đến chữa. Rồi có hôm, nó ngồi thừ ra ở bàn và ngáp vặt liên tục, mồ hôi vã ra. Tôi tưởng con mình bị cảm nên đưa dầu đến xoa nắn cho con. Nó liền bỏ đi đâu đó, chẳng nói chẳng rằng”, bà kể lại. 

Rồi bà nói tiếp: “Trước đó, tiền lương hàng tháng nó đưa cả cho tôi, chỉ xin lại vài trăm ngàn để ăn sáng, nhưng rồi sau đó nó chẳng đưa cho tôi đồng nào nữa cả. Rồi điều lạ lùng nữa là tiền lương của tôi giấu kỹ thế mà cũng bị mất cắp.

Ban đầu, tôi cứ tưởng do mình không cẩn thận, làm rơi đâu đó, sau này, tôi mới biết rõ, chính con trai mình là thủ phạm của việc tôi bị mất tiền. Cái xe máy Trung Quốc cũ mà tôi đã tích lũy tiền mua từ một người hàng xóm thay xe, cũng không còn. Hỏi, nó bảo vào tiệm cafe uống với bạn, để ngoài đường, quên khóa nên kẻ trộm đã trộm mất xe”.

Bà biết đích xác con trai mình nghiện ma túy khi vị trưởng thôn và chính quyền địa phương đến tận nhà thông báo. Bà như bị sét đánh bên tai khi nghe cái tin dữ đó.

Ban đầu là bà tỉ tê tâm sự với con trai, vẽ ra cảnh tăm tối nếu con cứ cắm chạy trên con đường nghiện ngập. Bình hứa với mẹ sẽ từ bỏ. Nhưng không bỏ được khi bạn bè xấu tiếp tục rủ rê, đặc biệt là thói quen phải dùng thuốc khi lên cơn nghiện.

Mấy lẻ đòn tay gỗ táu làm nhà còn sót lại, bà xếp lại phía sau nhà đã “không cánh mà bay”. Mấy lát gỗ huỵnh, khi còn sống, chồng bà đã mua lại của cơ quan để đóng cấp, lo cho hậu sự, mới dùng một nửa cho chồng, nửa còn lại bà để dành cho mình cũng bị mất mấy lá.

Bà đau đớn khôn nguôi khi con trai mình đã tự tàn phá kinh tế gia đình và bản thân vì quá nghiện ngập. Rồi bà thấy như con trai mình đang đứng trên bờ vực thẳm khi giám đốc xưởng sửa chữa ô tô đã không chấp nhận cho con bà làm việc.

Người mẹ hàng ngày làm công việc nhỏ nhoi thu dọn rác, nhưng lại có tình thương yêu con vô bờ bến.
Người mẹ hàng ngày làm công việc nhỏ nhoi thu dọn rác, nhưng lại có tình thương yêu con vô bờ bến.

Dự án giúp người nghiện dứt bỏ tội lỗi

Đầu năm 2015, dự án “cai nghiện ma túy tự giác trong cộng đồng” được đưa vào áp dụng nhiều nơi. Đồng Hới (Quảng Bình) là một trong những địa phương được áp dụng chính sách này.

Theo đó, các gia đình có người nghiện ma túy tự làm đơn nộp cho chính quyền địa phương, tình nguyện được hưởng chế độ này. “Tôi nghe cán bộ địa phương phổ biến chính sách mà lòng mừng như mở cờ. Tôi đã nói rất nhiều với con trai mình về hiểm họa nghiện ngập nếu không dứt bỏ. Nó nghe ra và gật đầu để tôi dắt đến nhà trưởng thôn nộp đơn xin tham gia cai nghiện ma túy tại cộng đồng”, bà nói.

Cùng với Bình, rất nhiều thanh niên được người nhà đưa đến chính quyền xin tự nguyện cai nghiện. Theo đó, một tuần 3 ngày, các con nghiện phải tự đến trạm xá của xã để được trực tiếp uống thuốc chống nghiện mà cán bộ phòng chống ma túy của thành phố phát tận tay, bắt uống tại chỗ.

“Ban đầu, tôi dẫn nó đi. Vài tuần sau, nó bảo, để con tự đi cũng được. Nó bảo: “Con cũng muốn đoạn tuyệt cái thứ thuốc ma quỷ đó””, bà kể lại.

Không phải những người tự cai nghiện tại cộng đồng ai cũng từ bỏ được nguy cơ từ cái chết trắng. Nhưng con trai bà tỏ ra một người có nghị lực trong số những người quyết tâm đoạn tuyệt ma túy.

“Sau 6 tháng, dự án tạm dừng, cũng là lúc con trai tôi không còn lưu luyến gì đến sự cám dỗ của cái thứ thuốc chết tiệt đó. Tôi mừng như được sinh lại đứa con trai thân yêu của mình”, bà tâm sự trong xúc động.

Phải kiếm việc làm không thì sẽ rơi vào lối cũ. Bà cho con đi học lái xe. Sau khi xong khóa học với bằng lái xe được cấp, cũng là lúc một công ty taxi trong thành phố tuyển người lái. Bình được nhận và giao xe. Người viết bài này đã từng thuê taxi do Bình lái đi công tác ở huyện Quảng Trạch. “Cháu dứt được cái thứ cám dỗ chết tiệt đó rồi”, Bình nói câu đó với một niềm tin và nỗi tự hào.

Mấy lẻ đòn tay gỗ táu làm nhà còn sót lại, bà xếp lại phía sau nhà đã “không cánh mà bay”. Mấy lát gỗ huỵnh, khi còn sống, chồng bà đã mua lại của cơ quan để đóng cấp, lo cho hậu sự, mới dùng một nửa cho chồng, nửa còn lại bà để dành cho mình cũng bị mất mấy lá.

Bà đau đớn khôn nguôi khi con trai mình đã tự tàn phá kinh tế gia đình và bản thân vì quá nghiện ngập. Rồi bà thấy như con trai mình đang đứng trên bờ vực thẳm khi giám đốc xưởng sửa chữa ô tô đã không chấp nhận cho con bà làm việc.

Đọc thêm