Kiếm củi để... “bắt chồng”

(PLVN) - Theo phong tục của người Giẻ Triêng ở Kon Tum, các thiếu nữ muốn “bắt chồng” phải biết đốn củi. Họ gọi đó là củi hứa hôn. Những bó củi là “bằng chứng” cho sức khỏe, sự giỏi giang, tháo vát, chịu thương chịu khó, đảm đang.
Khi bước qua tuổi 15, thiếu nữ người Giẻ Triêng phải đi chặt củi để “bắt chồng”
Khi bước qua tuổi 15, thiếu nữ người Giẻ Triêng phải đi chặt củi để “bắt chồng”

Củi… tình yêu

Đến các buôn làng của người Giẻ Triêng ở 2 huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei, hình ảnh dễ bắt gặp với mọi người là những đống củi to, được xẻ, cắt ngắn, che chắn cẩn thận ở quanh nhà sàn của người dân. Đó có thể là củi của gia đình có con gái đã bước qua tuổi 15, hoặc là củi của gia đình có con trai được một cô gái “bắt” làm chồng.

Theo phong tục của người Giẻ Triêng, khi các cô gái đến tuổi trưởng thành, họ có quyền để ý để chọn cho mình một đối tượng trở thành chồng mình sau này. Vậy nên, khi đã bước qua tuổi 15, ngoài những buổi lên nương rẫy hái măng, hái nấm, các cô gái còn phải đi chặt củi để “bắt chồng”.

Việc chọn củi và thao tác làm củi rất cẩn thận như lúc tra lúa, tỉa bắp. Họ chọn một chỗ đẹp trong nhà để làm nơi cất giữ củi. Động thái này báo hiệu cho cha mẹ, người thân biết rằng cô gái đã lo “bắt chồng” được rồi. Mọi người đều rất tôn trọng và vui vẻ với dấu hiệu đó. Hàng ngày, cô gái đều dành thời gian để kiếm thêm củi, các thanh củi được cưa ra từng khúc, dùng rìu bửa ra để gùi về. 

Thông thường, mỗi thanh củi dài khoảng 90cm, vì theo tục lễ xưa thì trai 7, gái 9. Bó củi phải đều đẹp và bằng nhau, một thanh củi phải được chẻ thật tỉ mỉ thành 5 rãnh nhưng tuyệt đối không được rời nhau. Ngày trước, các cô gái lên rừng đốn củi hứa hôn thường chọn củi dẻ vì loại củi này cháy lâu, than đượm ít tro. Nhưng hiện nay, họ thay bằng cây bời lời để bảo vệ rừng.

Khi củi trong nhà nhiều lên và cô gái đã để ý được chàng trai nào đó thì đi lựa chọn những khúc mía đẹp, hoặc những trái bắp nướng to đều, rồi nhân một dịp nào đó sẽ chủ động mời chàng trai ăn. Nếu như chàng trai đồng ý ăn thì có nghĩa chàng trai đã đồng ý để 2 người tìm hiểu nhau.

Sau khi được chàng trai đồng ý tìm hiểu, cô gái chủ động nói với cha mẹ về ước muốn “bắt chồng”. Gia đình cô gái chọn thời điểm thích hợp để báo với già làng, tìm người mai mối. Lúc này, người mai mối đi gặp chàng trai để khẳng định chắc rằng đôi trẻ đang tìm hiểu nhau.

Trước khi về sống chung một nhà, đôi trai gái phải trải qua 2 lễ chính. Lễ hỏi được tổ chức ở cả hai nhà trai gái. Đầu tiên, nhà gái đến nhà trai để làm lễ, cô gái là người đảm nhận việc cắt cổ gà. Sau khi tiến hành xong đám hỏi ở nhà trai, nhà gái đón nhà trai đến nhà mình để tiếp tục làm lễ. 

Sau đó, người mai mối sẽ chọn một ngày để cô gái cõng củi sang nhà chàng trai. Lúc này, chàng trai sẽ chuyển củi cho cha mẹ để họ xếp lượt đầu tiên. Công việc này giống như việc mở móng, động thổ xây nhà ở. Sau đó, đến lượt chàng trai xếp.

Đến ngày lành tháng tốt, đám cưới sẽ được tổ chức. Lúc này, nhà trai tặng cho nhà gái một đùi lợn, ít gạo, muối, ớt và một bầu rượu. Ngay sau đám cưới, theo hướng dẫn của nhà trai, cô gái cõng một ít bó củi đi cho các gia đình thân thiết bên nhà trai. Việc này là để trả nghĩa vì họ đã giúp nhiều rượu, thịt trong đám cưới.

Người Giẻ Triêng quan niệm rằng, chỉ cần quan sát củi thì có thể đoán biết được phẩm chất, tài khéo léo của người con gái đó giỏi giang hay vụng về. Nếu như bó củi của một người con gái được chặt bằng, đều và không rời nhau nghĩa là cô gái này rất khéo tay và ngược lại. 

Những đống củi ngay ngắn, chất cao được thiếu nữ Giẻ Triêng chuẩn bị để bắt chồng
Những đống củi ngay ngắn, chất cao được thiếu nữ Giẻ Triêng chuẩn bị để bắt chồng

Không chỉ minh chứng tình yêu mà cô gái dành cho chàng trai, những bó củi này cũng chính là tài sản hồi môn đặc biệt của cô gái dành để sưởi ấm cho cha mẹ chồng khi giá rét.

“Củi càng nhiều, càng thẳng, nhát chặt gãy gọn, bó đều nhau, đồng nghĩa với việc sau này tình yêu đôi lứa của cô gái và chàng trai trở nên sâu nặng, sau này sinh con đẹp và giỏi giang”, già A Nao (ngụ xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) cho biết.

Vừa giữ nét văn hóa vừa giữ rừng

Theo bà Y Hồng - Chủ tịch UBND xã Đăk Dục, củi hứa hôn được xem là một phong tục lành mạnh, mang nhiều ý nghĩa nhân văn thể hiện phẩm chất chịu thương chịu khó của người phụ nữ Giẻ Triêng, là một nét văn hóa đẹp tượng trưng cho tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên, nếu như trước đây các cô gái phải chặt đủ 100 bó củi thì bây giờ chặt ít hơn rất nhiều, chỉ thực hiện mang tính tượng trưng.

“Hiện nay, tục chặt củi hứa hôn đã được đưa vào nghị quyết của địa phương. Giờ, cô gái chỉ cần chuẩn bị 10 - 15 bó củi để cõng về nhà chồng thôi. Người dân được tuyên truyền không phá rừng nên các cô gái dùng cây bời lời thay thế củi dẻ. Cây bời lời được người Giẻ Triêng trồng rất nhiều, vỏ bán ra để làm nhang, thân thì bán làm củi”, bà Hồng cho biết.

Theo ông A Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Man (huyện Đăk Glei), phần lớn các hộ dân sinh sống trên địa bàn xã đều là người Giẻ Triêng. Ở đây, họ có phong tục cưới xin bằng củi, hay còn gọi là củi hứa hôn. Phong tục này đã có từ rất lâu và đây cũng là phong tục của cha ông để lại, lưu giữ được nét đẹp truyền thống từ xưa đến nay.

“Người Giẻ Triêng trên địa bàn xã lấy cây bời lời thay thế cây dẻ trong rừng để làm củi hứa hôn. Cây bời lời hiện được người dân trồng nhiều ở các sườn đồi, nương rẫy, quanh nhà. Cây bời lời khi đến ngày bóc vỏ khai thác thì thân có thể dùng làm củi hứa hôn rất thuận tiện cho người con gái. Việc trồng bời lời cũng giúp dân xóa đói giảm nghèo bền vững”, ông Quang cho biết.

Theo ông Huỳnh Dũng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi, trước đây tình trạng đốn cây rừng làm củi hứa hôn khá nhiều, gây áp lực cho lực lượng chức năng. Vậy nên, để phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng tốt, đồng thời giữ được phong tục tập quán văn hóa của người Giẻ Triêng, lực lượng chức năng đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng cây bời lời để làm củi hứa hôn thay thế cây rừng.

“Cây bời lời thường to đều, thẳng, sáng nên khi làm củi hứa hôn cũng rất đẹp”, ông Dũng cho biết.

Phong tục củi hứa hôn không chỉ là một tập tục, mà còn là một nét đẹp văn hoá, giáo dục độc đáo của người Giẻ Triêng ở tỉnh Kon Tum. Nó chính là thước đo bản chất và nhân cách của những cô gái Giẻ Triêng, không những đánh dấu sự trưởng thành của cô gái về tuổi đời, mà còn mang ý nghĩa về khả năng tự chủ trong cuộc sống. Nó đã nâng đỡ, củng cố giá trị đặc sắc về hôn nhân và gia đình, cũng như vẻ đẹp của lao động.

Hiện nay, cuộc sống có nhiều thay đổi, dân tộc Giẻ Triêng ở 2 huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei vẫn lưu giữ phong tục này như là bức thông điệp tình yêu vô giá trong lễ cưới mà không có sính lễ nào có thể thay thế được.

Điều đáng nói, với sự tuyên truyền vận động của chính quyền địa phương và ngành chức năng, người Giẻ Triêng có những linh hoạt trong việc chuẩn bị củi hứa hôn của các cô gái sắp về nhà chồng, nên vừa giữ được tập tục văn hóa của dân tộc mình, vừa bảo đảm không chặt củi phá rừng. 

Đọc thêm