Ký ức một thời hoa lửa của người cựu binh

(PLVN) - Vào một ngày đầu tháng Tám lịch sử, chúng tôi về khối 9, phường Trường Thi (TP Vinh, Nghệ An) gặp cụ Nguyễn Văn Tứ, người tham gia giành chính quyền ở Sài Gòn - Gia Định cách đây 75 năm để lắng nghe những câu chuyện hào hùng.
Cụ Nguyễn Văn Tứ vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng.
Cụ Nguyễn Văn Tứ vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng.

Năm nay, người cựu binh ấy đã ngoài 101 tuổi, có trên 70 năm tuổi Đảng nhưng vẫn còn minh mẫn, đi lại nhanh nhẹn, có trí nhớ tuyệt vời lắm. Pha bát chè xanh còn bốc hơi nghi ngút mời khách, cụ ngồi nhớ lại những tháng ngày của 75 năm trước.

Cụ chậm rãi nói: “Mỗi năm đến mùa Thu tháng 8, trong tôi cứ bồi hồi, thương nhớ mảnh đất, đồng bào Sài Gòn - Gia Định đã cưu mang anh em chúng tôi lúc gian khổ nhất để hoạt động Cách mạng, bảo vệ tính mạng cho từng người, lúc ngàn cân treo sợi tóc. Tôi nhớ anh em đồng đội vô cùng, họ lần lượt ra đi về với ông bà, tổ tiên cả rồi, nay chỉ còn một mình tôi. 

Xuất thân trong một gia đình nông dân ở xã Đức Yên (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) thuở thanh niên Nguyễn Văn Tứ với dáng người cao ráo, khôi ngô tuấn tú, học giỏi. Năm 1937, do hoàn cảnh gia đình nên Tứ nghỉ học, sau đó vào hoạt động công tác Đoàn thanh niên, cùng với một số bạn bè được học hành đi dạy xóa mù chữ cho bà con trong xã và các xã lân cận. 

Năm 1939, phong trào dân chủ ở Pháp giành thắng lợi lớn, ở ta quân Pháp nhượng bộ cho thành lập trường học. Tứ cùng thanh niên trong xã vận động bà con xây dựng Trường tiểu học ở thôn Khổng Yên, và là một trong những giáo viên đầu tiên dạy ở trường này.

Sau hai năm dạy học, Nguyễn Văn Tứ theo người thân vào Đà Lạt mưu sinh, ban đầu làm đồn điền cho Pháp, đêm tranh thủ dạy chữ cho đồng hương. Nhờ thế mà nhiều người biết chữ, viết được thư về cho gia đình. Một thời gian Nguyễn Văn Tứ xin sang đầu bếp ở khách sạn Langbiang Palace, có khiếu pha cà phê nên được cho làm pha chế. Rồi một lần Nguyễn Văn Tứ bị đuổi việc do bị phát hiện cho người Việt Nam uống cà phê.

Sau đó, chàng trai Tứ lúc đó xuống Nha Trang tìm việc làm thì bị bắt đi lính thủy cho Pháp. Không cam chịu bị bọn lính Pháp khinh rẻ, nhiều lần Nguyễn Văn Tứ không tuân lệnh chỉ huy, có lần còn đánh cho một tên lính Pháp nhừ tử ở trong hầm tàu nên bị chúng bỏ tù 1 tháng.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp cụ bị bắt đi lao động khổ sai, Nguyễn Văn Tứ rủ một số người nữa bỏ trốn, chạy về vùng Hòa Hưng, Sài Gòn - Chợ Lớn. Tại đây, Nguyễn Văn Tứ gặp một số người đồng hương vào Sài Gòn - Chợ Lớn, sớm giác ngộ Cách mạng tham gia Việt Minh và được hướng dẫn vào gia nhập lực lượng Thanh niên Tiền phong.

Hàng ngày Nguyễn Văn Tứ cùng anh em đi truyền bá chữ quốc ngữ, tranh thủ giác ngộ quần chúng nhân dân. Rồi cùng anh em xây dựng làng Gò Dưa, quận Thủ Đức thành một địa điểm giác ngộ Cách mạng. Ngoài vận động quần chúng nhân dân còn được huấn luyện quân sự. Vào lúc 18 giờ ngày 24/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa Nam bộ phát lệnh khởi nghĩa, chính quyền phường xã, quận lần lượt về tay đội Thanh niên xung kích.

Đến 22 giờ đêm cùng ngày, ta chiếm Dinh Khâm Sai, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc. Nguyễn Văn Tứ cùng anh em trong đội thanh niên Tiền phong bắt nhiều tên làm tay sai cho Pháp. Đúng 5 giờ sáng 25/8/1945, hàng vạn đồng bào Sài Gòn – Gia Định và vùng phụ cận đổ xuống các ngả đường về tập trung ở Nhà hát lớn, Vườn Ông Thượng (nay là Công viên Tao Đàn) hô vang khẩu hiệu “Mặt trận Việt Minh muôn năm”; “Độc lập hay là chết”; “Tất cả chính quyền về tay nhân dân”. Ủy ban hành chính Lâm thời tổ chức mít tinh trước Dinh Đốc Lý (nay là trụ sở UBND TP HCM). 

Ngày 23/9/1945, Nam Bộ kháng chiến, Nguyễn Văn Tứ cùng đồng đội đánh địch ở Cầu Kiệu, Chùa Bà Đầm, Bà Chiểu ngăn cản quân địch chiếm Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau đó, cùng anh em rút về Biên Hòa huấn luyện du kích ở Trại Vĩnh Cửu. Đây là lực lượng du kích đầu tiên ở Biên Hòa.

Đến nay gần bước sang tuổi 102 hàng ngày cụ Tứ vẫn miệt mài ghi chép các sự kiện.
 Đến nay gần bước sang tuổi 102 hàng ngày cụ Tứ vẫn miệt mài ghi chép các sự kiện.

Tháng 11/1945, Trại Vĩnh Cửu đã chuyển một số du kích ra Bắc công tác trong đó có Nguyễn Văn Tứ. Về quê, Nguyễn Văn Tứ tiếp tục hoạt động ở địa phương năm 1950 được điều lên làm Phó văn phòng Hội nông dân cứu quốc tỉnh Hà Tĩnh, được 2 năm chuyển sang Chi sở mậu dịch Hà Tĩnh; năm 1955, cụ ở Công ty xuất nhập khẩu Nghệ An, năm 1980 về nghỉ hưu. 

Trong lần gia đình đi sơ tán, vợ và một đứa con bị thương, một đứa chết do bom đạn của giặc Mỹ, nuốt nước mắt cụ vẫn kiên cường chiến đấu khiến đồng đội ai cũng nể phục. Có lần cụ viết thư cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm sự về vận mệnh đất nước, nhân tình thế thái, tình cảm giữa 2 vị lão thành Cách mạng. Trong thư cụ  gửi Đại tướng có vần thơ: 

“Võ lược, văn tài, bậc tướng lừng danh thời đại 

Đức cao, nghĩa rộng, đấng hiền tài, sử sách ghi tên”                                        

 Một vinh dự lớn, vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 24/8/2007 cụ Nguyễn Văn Tứ được Đại tướng mời gặp tại nhà riêng. Tết Nhâm Thìn năm 2010 cụ viết thơ chúc Đại tướng tròn 100 tuổi, bài thơ có đoạn: 

…“ Trăm tuổi càng sáng ngời 

Ngôi sao Điện Biên Phủ

Vị tướng tài lịch sử  

Thời đại Hồ Chí Minh    

Cùng non sông sáng mãi tên anh                       

Như một vị sao mai    

Chẳng bao giờ tắt lặn”. 

Từ năm 1957 đến nay, cụ Tứ có một thói quen đặc biệt ghi chép toàn bộ các sự kiện diễn ra trong nước và trên thế giới. Sự kiện nào cụ ghi chép cũng tỉ mỉ. Các lần Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam từ lần thứ nhất đến lần thứ 12 cụ ghi có đánh dấu những nội dung quan trọng, nội dung cần học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân…

Đến nay cụ đã ghi chép được gần 60 quyển sổ được ghi thứ tự từ 1 đến 60. Cụ dặn con cháu “Sau khi cụ mất những tài liệu cụ ghi chép và sưu tầm đem tặng cho các cơ quan nghiên cứu”. Đến nay, đã ở tuổi xưa nay hiếm, ngày ngày cụ vẫn cặm cụi bên bàn ghi chép sự kiện diễn ra trong nước và thế giới để lại mai sau, làm thơ đọc cho con cháu, bạn hữu cùng nghe. 

Đọc thêm