Lâm Đồng: Gian nan cuộc chiến chống lâm tặc

(PLO) - Thời gian qua, mặc dù tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành giao đất giao rừng về cho các tổ chức, hộ gia đình quản lý bảo vệ, mỗi năm địa phương trích ngân sách hàng trăm tỷ đồng để chi trả cho công tác này, nhưng hiện nay “máu rừng” vẫn chảy, lâm tặc vẫn tiếp tục lộng hành. 
Lực lượng Kiểm lâm kiểm tra số gỗ bị lâm tặc chặt hạ tại xã Phi Liêng
Lực lượng Kiểm lâm kiểm tra số gỗ bị lâm tặc chặt hạ tại xã Phi Liêng

595 vụ phá rừng trong 8 tháng đầu năm

Năm 2017, tỉnh Lâm Đồng đã giao khoán, quản lý bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) hơn 426.222ha cho 16.674 hộ gia đình và 34 đơn vị tập thể (tăng 7,7% so với năm 2016); chi trả hàng trăm tỷ đồng cho công tác này. Năm 2018, UBND tỉnh phê duyệt tổng dự toán chi gần 272 tỷ đồng cho công tác QLBV&PTR. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình hành động về QLBV&PTR. Tuy nhiên, một thực tế nhức nhối là rừng vẫn tiếp tục “chảy máu”. 

Theo số liệu thống kê, trong năm 2017, lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện, lập biên bản 1.035 vụ vi phạm Luật BV&PTR, diện tích rừng bị lâm tặc ra tay “làm thịt” là 89,6 ha, lâm sản thiệt hại 3.777,4 m3. Tổng số vụ vi phạm đã xử lý 942 vụ (xử phạt hành chính 908 vụ, xử lý hình sự 34 vụ). Những trọng điểm phá rừng phải kể đến là huyện Đam Rông 24 vụ,  huyện Di Linh 50 vụ, huyện Bảo Lâm 81 vụ…

Báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng cho thấy, 8 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 595 vụ phá rừng, diện tích rừng bị lâm tặc tàn phá là 43,4ha, lâm sản bị thiệt hại là 576,4m3. Tổng số vụ phá rừng đến nay đã xử lý là 492 vụ (xử phạt hành chính 465 vụ, xử lý hình sự 27 vụ). Theo cơ quan chức năng, số vụ phá rừng và diện tích rừng đều giảm so với cùng kỳ năm trước. 

Thế nhưng, trên thực tế mà ai cũng nhìn thấy là tình trạng phá rừng vẫn diễn biến phức tạp, lâm tặc vẫn tiếp tục lộng hành. Cụ thể, tháng 6/2017, gần 7ha rừng tự nhiên ở tiểu khu (TK) 543 tại thôn Tôn K’Long, xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đạ Tẻh quản lý, hàng ngàn cây gỗ có cây đường kính cả mét bị lâm tặc triệt hạ, 3 quả đồi rừng tự nhiên bị “cạo trọc”. Vị trí rừng bị lâm tặc tàn phá chỉ nằm cách chốt QLBVR khoảng 1,5 km. 

Tháng 4/2018  hàng trăm cây thông 3 lá cổ thụ tại khoảnh 2, TK 267C do Công ty Hồng Thuận quản lý bảo vệ tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng bị lâm tặc ra tay “tàn sát” ngay giữa “thanh thiên bạch nhật”. Ngoài ra, tại khoảnh 8, TK 268 có thêm 75 cây thông 3 lá, thuộc rừng trồng năm 1986 do BQL rừng Phòng hộ Đại Ninh trồng bằng vốn ngân sách Nhà nước giao cho một hộ dân QLBV cũng bị lâm tặc “xẻ thịt”, hiện trường còn để lại 294 lóng gỗ có tổng khối lượng là 43,554m3. Tại TK 267C và 268, hàng chục cây thông cổ thụ có đường kính gốc từ 50 – 80cm, cao tới 20m bị lâm tặc triệt hạ nằm ngổn ngang cùng với dấu vết cưa xẻ còn khá mới. Sau khi đốn hạ, lâm tặc đã xếp gỗ thành đống và những gốc cây đã cưa được đốt cháy với mục đích xóa dấu vết.

Tháng 8/2018 hàng trăm cây thông có đường kính từ 20 - 60cm tại lô d, khoảnh 6, TK 216 xã Phi Liêng, huyện Đam Rông do BQLR phòng hộ Phi Liêng quản lý cũng bị lâm tặc ngang nhiên chặt hạ, hàng trăm cây thông còn trơ gốc, một số còn rỉ nhựa. Tại hiện trường nhiều gốc thông cũng bị đốt cháy để phi tang và hàng trăm cây thông khác bị đầu độc bằng cách khoan gốc, vạt gốc, bơm chất độc vào để cây chết dần.

Trưởng BQLR phòng hộ Phi Liêng – ông Lê Văn Tân xác nhận, tại tiểu khu 216 có 459 cây thông 3 lá đường kính từ 20 - 60cm bị lâm tặc cưa hạ, 556 cây khác bị đổ hóa chất đang chết khô, đa phần là cây rừng trồng từ năm 1997. Điều đáng nói, TK 216 chỉ cách UBND xã Phi Liêng khoảng 800m và cách trụ sở BQLR phòng hộ Phi Liêng chỉ hơn 1 km, nhưng lãnh đạo các cơ quan chức năng không hề hay biết. 

Mới nhất, tháng 9/2018 vừa qua, tại Khu phố Bạch Đằng, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà có gần 40 cây thông, cao khoảng 20 mét có đường kính gốc từ 35- 40 cm cũng bị lâm tặc đốn hạ nằm la liệt trên mặt đất. Thậm chí, lâm tặc còn để cả xích cưa máy và dầu máy ngay tại các gốc thông vừa cưa xẻ tại hiện trường. Vị trí rừng thông bị lâm tặc ra tay “làm thịt” chỉ cách đường liên tỉnh ĐT 725 khoảng 150 mét, cách đường liên thôn 50 mét mà lực lượng chức năng cũng không phát hiện được. Tại TK 587, xã Madagui, huyện Đạ Huoai do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đạ Huoai quản lý, bảo vệ hàng trăm cây sao, dầu đường kính gốc từ 25 – 30 cm, chiều cao từ 10 – 20 m bị lâm tặc ra tay tàn sát, vẫn còn nằm la liệt, chưa được chuyển đi nơi khác mà đơn vị quản lý cũng không hề hay biết?!

Mới đây Sở TN&MT Lâm Đồng cho hay, qua kiểm tra các dự án giao đất giao rừng cho các doanh nghiệp QLBV, cơ quan chức năng đã phát hiện có 84 dự án với diện tích 1.157ha rừng cho bị lâm tặc tàn phá mà các chủ dự án không kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Tổng số tiền chính quyền địa phương phê duyệt yêu cầu các doanh nghiệp bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng nộp vào ngân sách Nhà nước  trên 219 tỷ đồng. 

Đâu là nguyên nhân

Một thực tế cho thấy, lãnh đạo một số địa phương và ngành liên quan khi triển khai nhiệm vụ thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ; BQLR, UBND xã, Kiểm lâm, chủ rừng dường như “lơ là” trước hiện tượng lâm tặc phá rừng. Mặt khác, chế tài xử lý vi phạm chưa nghiêm kể cả đối với người vi phạm, lực lượng BVR và chủ dự án đầu tư. Tại một cuộc họp mới đây, Ban chỉ đạo QLBV&PTR, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phải thốt lên: “Một số đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị 30. Khi chúng tôi đi kiểm tra thực tế, một số diện tích rừng cách Ủy ban xã không quá 2 cây số, trên đường nhựa, nhưng để mất rừng. Khi kiểm tra các đồng chí cho rằng phá rừng ban đêm nên không biết, hoặc biết đối tượng nhưng không có chứng cứ”. Ông Võ Danh Tuyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cũng thừa nhận rằng, chính quyền cấp xã, cấp huyện một số nơi chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo Kế hoạch số 25 và Chỉ thị số 30 của Tỉnh ủy… 

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ra văn bản chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các huyện và thành phố trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác QLBVR và đất lâm nghiệp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm; không để xảy ra điểm nóng vi phạm pháp luật về QLBVR; điều tra, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm, nhất là các vụ việc phức tạp, có yếu tố hình sự. Mặt khác, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về chính sách giao rừng, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách để sang nhượng trái phép. 

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng còn có văn bản giao UBND huyện Đam Rông chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ, xác định các đối tượng có liên quan trong vụ phá 3,98 ha rừng cuối tháng 8/2018; đình chỉ công tác đối với cán bộ, viên chức liên quan của đơn vị chủ rừng, kiểm lâm địa bàn, lãnh đạo UBND xã Phi Liêng để kiểm điểm trách nhiệm, sai phạm trong việc để xảy ra vụ phá rừng nói trên và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh, Sở NN&PTNT, UBND các huyện Lâm Hà, Đạ Huoai khẩn trương điều tra, củng cố chứng cứ và xử lý nghiêm các đối tượng khai thác trái phép 233 cây sao, dầu thuộc khu vực rừng trồng do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đạ Huoai quản lý và việc chống người thi hành công vụ bảo vệ rừng xảy ra vào ngày 21/8/2018 tại huyện Lâm Hà.  

Đọc thêm