Lao động nhập cư - cuộc chiến mưu sinh

(PLVN) - Có người đã ví von, người lao động nghèo nông thôn, tỉnh lẻ như những con thiêu thân bị hút về ánh đèn thành phố. Có con may mắn đến được với ánh sáng, có con kiệt sức trên chặng bay. Ví von ấy có phần nghiệt ngã nhưng nó phần nào phản ánh được hiện thực khắc nghiệt của lao động nhập cư đến thành phố lớn.
Nhiều lao động nhập cư đến thành phố với ước mơ đổi đời, có cuộc sống tốt đẹp hơn
Nhiều lao động nhập cư đến thành phố với ước mơ đổi đời, có cuộc sống tốt đẹp hơn

Từ nông thôn bị hút về thành phố

Đối với các thành phố lớn như TP HCM, lao động nhập cư chiếm một tỉ lệ khá cao. Đời sống phát triển, mức sống cao, dễ tìm việc làm, cơ hội đội đời… Đó là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến lao động nông thôn, tỉnh lẻ tập trung về các thành phố hàng đầu.

Có người đã ví von, người lao động nghèo nông thôn, tỉnh lẻ như những con thiêu thân bị hút về ánh đèn thành phố. Có con may mắn đến được với ánh sáng, có con kiệt sức trên chặng bay. Ví von ấy có phần nghiệt ngã nhưng nó phần nào phản ánh được hiện thực khắc nghiệt của lao động nhập cư đến với thành phố, đặc biệt là những người lao động nghèo, lao động phổ thông.

Từ làng quê nghèo tận tỉnh Thanh Hóa, anh Nguyễn Văn Tuấn (36 tuổi) “gia nhập” vào đội ngũ thợ hồ của một thầu xây dựng khu vực Hiệp Bình Phước, Thủ Đức. Năm 2006, anh Tuấn lặn lội vào Nam với ước mơ thoát nghèo, vì ở làng quê của anh việc ít, người đông, ngoài đồng áng mùa vụ ra chẳng có gì để làm.

Gia đình anh 6 người con, chạy ăn từng bữa, nghèo đến mức anh không lấy nổi vợ. Lớn lên, mạnh đứa nào đứa nấy tung cánh bay, đến các đô thị lớn để làm thuê. Hầu hết các em anh đi Hà Nội, Hải Phòng, chỉ có anh vào Sài Gòn.

Năm 2012, sau một thời gian làm cật lực, anh dành dụm được ít tiền, nghe lời bố về quê cưới vợ. Anh cũng định dùng số tiền để về quê an cư lạc nghiệp, vì đời sống thành phố quá vất vả, mệt mỏi. Thế nhưng, về quê cưới vợ được ít lâu, sinh con, với chút vốn còm, anh xoay xở làm ăn kiểu gì cũng khó. Hai vợ chồng mua mảnh ruộng trồng trọt mãi chẳng đủ no, lấy gì mà làm giàu. Thế là anh bàn với vợ, lại quay trở vào Nam.

Lần này anh không một thân một mình nữa mà đi cùng vợ. Con trai gửi ở quê bố mẹ trông hộ. Hai vợ chồng thuê một căn phòng trọ nhỏ lụp xụp, nhưng vẫn khang trang hơn căn phòng tạm bợ mà anh ở cùng gần chục bạn thợ hồ trước kia.

Thời gian đầu chưa có việc, chị Thu - vợ anh cũng vào làm thợ hồ chung với chồng. Sau rồi họ xin được cho chị chân giúp việc nhà theo ngày. Thế là cũng ổn. Đồng lương của cả hai “cày” cật lực gần 10 tiếng/ngày, cộng lại cũng hơn 15 triệu. Chi dùng, đóng tiền nhà hết tầm 7 triệu. Số còn lại là gửi về nuôi con và dành dụm, coi như cũng tạm ổn.

“Vẫn biết là mưu sinh xa quê, thành phố lớn đắt đỏ, công việc thì vất vả nhưng không ở không được. Tôi cũng đã thử về quê, rồi lại phải đi. Mà cả làng tôi người ta cũng đi, chứ chẳng riêng nhà tôi. Giờ đây vợ chồng tôi quyết tâm bám trụ luôn. Chỉ ngặt nỗi nhớ con nhỏ quá. Nhiều đêm vợ tôi nhớ cháu khóc ướt gối. Nhưng cũng đành vậy, cố gắng làm lo cho tương lai, vài năm nữa đón cháu vào, gia đình đoàn tụ”, anh Tuấn nói.

Những mảnh đời như anh Tuấn, chị Thu là không hiếm, nếu không muốn nói là rất nhiều giữa thành phố đông đúc này. Họ đều rời vùng quê nghèo của mình ra đi, mong muốn thoát khỏi cái nghèo. Đến thành phố, cái nghèo, sự vất vả vẫn đeo bám họ. Có khác chăng là giữa những giọt mồ hôi mặn đắng, họ thấy le lói niềm hy vọng của tương lai, dành cho đời con của mình. 

Khi người già cũng tha phương mưu sinh

Chiếm khá đông trong số những lao động nhập cư phổ thông ở Sài Gòn là những người bán vé số. Kể cũng lạ, dường như xuất thân của người lao động phần nào quyết định ngành nghề mà họ chọn. Như người lao động gốc Trung, đặc biệt Quảng Ngãi thường kinh doanh bằng cách bán hàng rong. Thấy xe ba gác chở rau củ đi bán khắp nơi thì hầu như là người miền Bắc. Còn đội ngũ bán vé số dạo, phần đông trong số họ là người miền Tây. 

Bán vé số là nghề không quá nhọc nhằn, bưng vác nặng nề nhưng thu nhập thì không cao, thiếu ổn định. Thế nên, chọn bán vé số thường là người có sức khỏe kém, trẻ em hoặc các cụ già. Cụ ông Lê Văn Bình (68 tuổi), quê Hậu Giang gắn bó với nghề bán vé số đã hơn 5 năm nay. Trước đó, khi còn đủ sức khỏe, cụ làm nghề “thợ đụng”, nghĩa là đụng đâu làm đó, từ điện, nước, xây dựng, khuân vác...

Lên Sài Gòn đã hơn 20 năm nhưng không “khá” nổi, cũng vì vợ cụ bị xơ gan, thuốc thang tốn kém nhiều. Các con đã dựng vợ, gả chồng nhưng đều nghèo, không giúp gì được cho cha mẹ. Cuối đời, cụ vẫn phải đi bán vé số, kiếm ăn từng bữa, không dám nghỉ ngày nào. Hỏi tại sao không về quê an hưởng tuổi già, cụ bảo chỉ có ít tiền dành dụm, ở Sài Gòn mỗi ngày còn kiếm được đồng lo bữa ăn, lúc đau ốm lấy tiền dự trữ ra mà dùng. Còn về quê không có gì làm, ăn dần ăn mòn vào tiền tiết kiệm thì… chết đói.

Đầu mùa dịch Covid-19, cụ Bình lo ngay ngáy, may mà sau đó có chính sách hỗ trợ 50 ngàn/ngày nên cụ cũng chắt chiu vượt qua được. Thi thoảng hết tiền lại đến ATM gạo hoặc những nơi cấp phát thực phẩm rồi cũng qua.

TP HCM có đến gần 15 ngàn người bán vé số như thế. Với họ, bán vé số là cái nghề “sống tạm qua ngày”, chứ bảo đổi đời thì xa vời lắm. Có chăng là một vài người ít ỏi trong số họ, may mắn trúng được tờ vé số do mình bán ra không được, thay đổi vận mệnh. Nhưng số ấy mới ít ỏi, hiếm hoi làm sao, hoặc thảng là một mơ ước nhỏ nhoi mà người bán vé số dạo dệt lên cho mình để an ủi lúc… ế vé.

Người bán vé số trên đường phố Sài Gòn
 Người bán vé số trên đường phố Sài Gòn

Giấc mơ xa vời?

Bước chân vào thành phố lớn, những người lao động nghèo chẳng mang theo gì ngoài hành trang là… những giấc mơ. Có người đơn giản chỉ mơ thoát nghèo, có bữa no. Có người mơ ước được thay đổi cuộc sống, tìm tia hy vọng mới. Có người vì ham niềm vui đô thành, hay có người mơ ước đổi đời, vươn xa. 

Sài Gòn ồn ã, đông đúc nhưng khá rộng lòng, nó dung chứa hết trong nó bao nhiêu phận đời, bao nhiêu là ước mơ. Ước mơ thoát nghèo, có bữa ăn no có lẽ là giấc mơ dễ thành hiện thực nhất. Bởi Sài Gòn, chỉ cần có sức thì bao việc để làm. Thế mà, vào mùa dịch vừa qua, hóa ra giấc mơ ấy cũng khó khăn đến vậy.

Chị Nguyễn Thị Nữ, quê Quảng Ngãi, bán hàng rong ở khu vực quận 1 chia sẻ, chị chậm chân, không về quê kịp, thế là phải ở lại thành phố trong mùa giãn cách. Tiền bạc vơi dần, cho đến lúc trong túi không còn đồng nào, chị mới thấm thía cái đói lần đầu sau suốt 10 năm đến với thành phố này. May mà có người bạn tốt cho mượn vài trăm ngàn, sống chắt chiu rồi đi xin gạo, xin thực phẩm từ thiện. “May mà qua được cái đợt khó khăn kinh khủng đó, tui tưởng đói luôn chớ”, chị Nữ cười.

Còn mơ ước được sống ổn định, đổi đời thì khá xa vời với những lao động nhập cư. Có người vào Sài Gòn hàng chục năm, vẫn là “chạy gạo từng bữa”. Có những đôi vợ chồng gửi con ở quê, vào Sài Gòn mưu sinh, mà đến khi con lớn vẫn chưa thể đón con vào đoàn tụ. Có người, ở cả đời, vẫn phải sống trong những căn nhà thuê lụp xụp. Một căn nhà nhỏ do chính mình mua được để “an cư lạc nghiệp” vẫn là mộng ước quá xa xỉ. 

Thiếu việc làm, thu nhập thấp, thiếu thông tin về tuyển dụng, đào tạo, chỉ chú trọng đến đồng lương hàng ngày hơn là các vấn đề an sinh, không quan tâm hoặc không có điều kiện tiếp cận các công việc bền vững, có hợp đồng… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc sống khó khăn dai dẳng, khó có thể thay đổi của người lao động nghèo nhập cư. Với họ, đổi đời chỉ nhờ vào nỗ lực và cơ may. Còn, để thay đổi ở chiều sâu, thay đổi một cách bền vững số phận của người lao động nhập cư, có lẽ phải trông chờ nhiều vào các chính sách nhân văn của thành phố.

Đọc thêm