Mê tín và cuồng tín

(PLO) - Ngày vía Thần tài, báo chí liên tục đưa tin và cổ vũ cho thứ tín ngưỡng này. Người ta bế con đi từ sáng sớm và chen chúc mua vàng, hy vọng cho một năm tiền tài đổ vào nhà. Ngày trước, cách đây vài năm thôi, Hà Nội làm gì có chuyện này, Thần tài từ Trung Quốc, đổ bộ vào Chợ Lớn và giờ đây ngự trị trong tâm thức giới kinh doanh ở Thủ đô, rồi hẳn là sẽ còn bành trướng ra nhiều địa phương khác.
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

Ngày trước, đâu có chuyện hàng nghìn người nêm cứng sân chùa dâng sao giải hạn. Giờ thì đã trở thành một tập tục đầu năm, rất nhiều người thành tâm sắm lễ, cúng vái cầu cho tai qua, nạn khỏi và tin rằng vận xui sẽ không chạm đến mình nữa. Đáng nói, giáo lý nhà Phật chẳng hề có cái tập tục này, thế mà các chùa ra sức dâng sao cho chúng sinh. Bây giờ, sư phải làm nhiều việc quá, từ cắt duyên âm đến nhận trẻ sơ sinh “bán cho nhà chùa”, từ viết sớ đến cúng tân gia, từ lập đàn tràng cho người chết đến rước “nhân linh” vào nhà thờ họ. Và, chưa bao giờ giới tu hành lại “nhập thế” mà là thế tục như hiện tại, xài điện thoại sang, đồng hồ đắt tiền, đeo vàng, lái xe hơi và... ăn mặn đủ kiểu!

Xưa, làm gì có chuyện phát ấn để rồi cướp ấn, mua bán ấn, đánh nhau ví ấn như bây giờ. Phong trào phát ấn lan rộng ra Quảng Ninh, vào Nghệ An, xuống Hải Phòng, mượn danh Hoàng đế Quang Trung hay ông vua Tao Đàn Lê Thánh Tông để mà sáng tạo ra các loại ấn quan chức hay văn chương mà chính tả trên ấn sai bét nhè, cái thứ hàng chợ ấy mà lại là vật thiêng của khối người, rất lạ. Đành rằng, mê tín dị đoan phản ảnh tình trạng xã hội khi mất niềm tin, song mù quáng đến nỗi tin vào sự bịa đặt nhảm nhí, không hề có căn nguyên như từ cái Lễ khai ấn để mở đầu cho một năm hành chính thành ra chuyện mua quan, bán chức, hanh thông trên đường hoạn lộ thì quả thực mức độ mê tín đã lên đến độ cuồng tín. Có nơi phát ấn lại buộc người ta phải chui qua cửa hậu cung để tái hiện cảnh muốn làm quan phải “vào luồn, ra cúi” mà các “quan” đương kim hoặc tương lai răm rắp làm theo thì đủ hiểu tư cách và phẩm giá làm quan thời hiện đại ra sao!

Triết lý nhà Phật khuyên người ta chớ nên “tham, sân, si”, tu tại tâm, làm việc thiện, thế mà, cái sự “tham, sân, si” ấy lại đang được thể hiện một cách công khai tại cửa thiền, đi lễ Phật chỉ để cầu may, cầu tiền tài, cầu danh lợi,... dúi một đồng tiền lẻ vào tay tượng mong tượng trả lại cho gấp vạn lần. Triết lý dân gian khuyên bảo: “Dẫu xây chín bậc phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người” nhưng ít ai nghe theo điều này mà chỉ chú trọng xây “phù đồ” cho thật hoành tráng để lưu danh tên tuổi và sự giàu có của chính mình!

Trong những người đã đánh cụ già ở ngoài đường, giật gậy làm bà già ngã ngất trong đất Phật Hương Sơn, nện dép vào mặt em nhỏ trong trường mẫu giáo hoặc đẩy bà mẹ liệt sỹ ra khỏi nhà, tống người vô tội vào tù,... có bao kẻ từng “ăn mày cửa Phật”, từng thành kính “dâng sao giải hạn”, từng hớn hở cầm “ấn” trong tay?

Thực sự, nếu là người tử tế, sống bằng sức lao động và trí tuệ của mình, làm việc thiện, trung thực, hiếu nghĩa, trong sạch... thì có cần phải nhờ đến các lực lượng siêu nhiên phò trợ không? Hẳn là không vì quỷ thần còn kinh sợ họ, họ đi lễ chùa chỉ để di dưỡng tinh thần, hiểu thêm lẽ đời, thư thái tâm hồn và trau dồi cái thiện mà thôi. Nếu có nhiều người như thế thì hẳn sự nhảm nhí lợi dụng tâm linh, thần thánh sẽ không còn đất sống.

Đọc thêm