Mứt Tết – Sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ miền Tây

(PLO) - Hằng năm, cứ vào đầu tháng Chạp, không khí Tết bắt đầu nao nức, chộn rộn khắp nơi, cũng là lúc nhà nhà chuẩn bị đón Tết. Cùng với dưa hấu, mai vàng thì khay mứt là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Nó mang đậm hương vị dân dã và thể hiện ý nghĩa tốt lành, cầu mong điều viên mãn. Ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các món mứt rất phong phú, đa dạng và thể hiện nét đặc thù riêng.
Khay mứt thể hiện sự đủ đầy, ấp áp và sự may mắn, sum họp và đoàn viên giữa các thành viên trong gia đình
Khay mứt thể hiện sự đủ đầy, ấp áp và sự may mắn, sum họp và đoàn viên giữa các thành viên trong gia đình

Khay mứt ấm tình quê

Là một trong những vùng trọng điểm sản xuất cây ăn trái của cả nước, ĐBSCL được “trời phú” cho nhiều điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, sông ngòi để sản sinh ra nhiều cây thơm, trái ngọt. Tận dụng lợi thế đặc thù đó, những người phụ nữ đảm đang miền sông nước miệt vườn đã sáng tạo, làm nên sự đa dạng phong phú cho các món mứt Tết. Bất cứ loại trái cây, hoa quả nào qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ miền Tây cũng trở thành những món ăn đậm đà hương vị đặc trưng.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà nhà lại bận rộn quét dọn, sửa sang, nấu những món ăn truyền thống. Đàn ông thì sửa sang, sơn phết lại nhà cửa còn phụ nữ lại bắt đầu chuẩn bị các món ăn của ngày Tết như: dưa cải, kiệu, bánh tét...và đặc biệt món mứt là không thể thiếu. Khay mứt tròn, chia nhiều ngăn, bày biện nhiều loại mứt, hấp dẫn, đẹp mắt. Mỗi ngăn một loại mang hương vị, màu sắc khác nhau được để đầy trong khay mứt thể hiện sự đủ đầy, ấp áp và sự may mắn, sum họp và đoàn viên giữa các thành viên trong gia đình. Đồng thời, các loại mứt cũng mang đủ hương vị mặn, ngọt, chua, cay đặc trưng cho hương vị cuộc sống cũng như là hương vị của đất trời bốn mùa trong năm.

Đã gọi là mứt quê thì đảm bảo rất dân dã, đời thường, có gì làm đó. Từ sự bình dị đó đã làm cho món mứt trở nên phong phú và nét đặc trưng riêng. Các bà các mẹ đã cho ra đời nào là mứt chuối, mứt dừa, mứt gừng, mứt bí đao, mứt mãng cầu, mứt me... mang nét riêng đặc thù của miệt ĐBSCL nói riêng và Nam Bộ nói chung. 

Mứt quê giản dị nhưng rất kỳ công

Truyền thống làm mứt Tết được những người phụ nữ trong gia đình truyền từ đời này sang đời khác, không ai bảo ai, cứ đến gần Tết là tranh thủ chút thời gian về quê nhà cùng bà, mẹ và các chị làm ra thứ mứt Tết thơm thảo
Truyền thống làm mứt Tết được những người phụ nữ trong gia đình truyền từ đời này sang đời khác, không ai bảo ai, cứ đến gần Tết là tranh thủ chút thời gian về quê nhà cùng bà, mẹ và các chị làm ra thứ mứt Tết thơm thảo

Hình ảnh những giàn phơi chuối khô vàng óng và những loại trái cây đã trở nên rất quen thuộc trong mùa này. Những loại trái cây đó, sau khi được phơi khô sẽ tiến hành sên thành mứt. 

Món mứt mang nét dân dã, chân quê nhưng công đoạn làm mứt cũng khá cầu kỳ, tốn nhiều thời gian, đồng thời đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ Đầu tiên phải nói đến dừa, loại cây ăn quả trù phú vùng phương Nam, người ta trộn cơm dừa với đường, để cho ngấm, sau đó bắt lên bếp, sên cho tới khi đường khô là được. Trong đó, công việc sên mứt là khâu quan trọng và cực nhất, người sên mứt phải là người có tay nghề và sự dẻo dai. Bên cạnh lò lửa nóng rực, các mẹ phải sên mứt với hai chiếc đũa lớn, khấy đều và liên tục trong vài giờ thì miếng mứt dừa mới trắng phau, đẹp mắt và không bị vàng vì quá lửa. Món mứt dừa ngon là miếng dừa phải dẻo, vừa đủ ngọt để ăn không quá ngán. Theo đó là món mứt chuối. Từ quả chuối người ta có thể làm ra rất nhiều loại món như chuối khô ép mỏng để nhâm nhi cùng với trà nóng, chuối xanh thái lát chiên lên rồi phủ một lớp đường hay trộn chuối khô với đậu phộng, gừng, dừa rồi sên lên để làm thành thứ kẹo chuối vừa ngọt vừa cay cay, gói trong giấy xanh đỏ vô cùng đẹp mắt.

Trong tiết trời se lạnh, có một dĩa mứt gừng để nhâm nhi ly trà nóng thật sự  là một thú vui tao nhã tạo sự an nhiên, lắng đọng trong tâm hồn. Món mứt gừng ngon phải đảm bảo tiêu chuẩn cay nhưng không đắng, các bà, các mẹ phải chọn nguyên liệu thật kĩ sao cho miếng gừng không bị già, không có nhiều sợi xơ, đến khâu sên đường cũng phải đều tay sao cho lớp đường trên bề mặt thật mỏng, vị ngọt thấm nồng vào bên trong. Mứt gừng gồm hai loại, loại khô được người có tuổi yêu thích bởi vị cay nồng còn mứt gừng dẻo lại là món khoái khẩu của trẻ con vì vị ngọt dịu mà không quá cay.

Mứt mãng cầu là một loại mứt tương đối dễ làm, dường như chỉ có ở miền Nam, hương vị của loại mứt này vừa chua vừa ngọt, dễ ăn, đỡ ngán. Người ta chọn loại mãng cầu xiêm để làm mứt vì giống mãng cầu này có vị ngọt thanh vừa phải. Các mẹ phải chọn những trái còn tươi và to, dày cơm, sau đó tách bỏ hạt rồi đem trộn với đường, đem sên lên thành mứt. Sau khi sên lên, những miếng mãng cầu tươi ngấm đường nên thành phần dinh dưỡng có sự thay đổi, lượng đường tăng lên khá cao tùy thuộc vào số lượng đường đã thêm vào mứt và độ ngọt của mãng cầu.

Trên thị trường bán rất nhiều loại mứt bí đao, nhưng vị ngọt của loại mứt này không thể sánh bằng loại mứt mà các mẹ làm. Mứt bí đao làm tuy đơn giản nhưng phải có bí quyết riêng để bí được trắng và không bị chua. Đầu tiên phải gọt vỏ thật kĩ, bỏ hết ruột sau đó ngâm với vôi và đường phèn đem đi phơi nắng. Cái nắng xuân sẽ làm cho miếng bí trong và khô lại, sau đó đem đi sên với đường, miếng bí phủ một lớp đường, ngọt nhẹ thanh tao là mẻ mứt đã thành công.

 “Giữ hồn” món mứt miền quê

Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thời gian trôi chảy nhanh chóng, cuộc sống ngày càng bận rộn, còn người tất bật mưu sinh nên muốn giữ được truyền thống tốt đẹp này thật không dễ, các món ăn quê lại càng khó giữ được hương vị vốn có của nó. 

Mứt Tết được bày bán đa dạng trên thị trường...nhưng món mứt quê do bà, do mẹ làm vẫn “níu lòng” những đứa con xa quê
Mứt Tết được bày bán đa dạng trên thị trường...nhưng món mứt quê do bà, do mẹ làm vẫn “níu lòng” những đứa con xa quê

Những đứa con xa nhà mỗi khi về thường bảo: “Má làm chi cho cực, ra ngoài chợ mua một  cho nhanh”, rồi bà mẹ quê lắc đầu: “Làm cực chút xíu mà vui cửa vui nhà, để cho mấy đứa con cháu biết làm mứt Tết và hương vị Tết truyền thống là như thế nào”. Mấy đứa con nói thì nói vậy thôi nhưng mỗi khi về quê chúng lại thích thú với những món mứt do má làm hơn là mua ngoài chợ và bỏ quên biết bao món ngon vật lạ nơi chốn thị thành.

 Dần dần cứ thế, truyền thống làm mứt Tết được những người phụ nữ trong gia đình truyền từ đời này sang đời khác, không ai bảo ai, cứ đến gần Tết là tranh thủ chút thời gian về quê nhà cùng bà, mẹ và các chị làm ra thứ mứt Tết thơm thảo.

Đêm giao thừa, cả gia đình nhiều thế hệ ngồi quây quần bên nhau, ăn miếng mứt Tết cũng đủ ấm lòng, chờ đợi thời khắc chuyển sang năm mới, cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với các thành viên. Để ai đi đâu, làm gì cũng nôn nao trở về quê nhà, đoàn viên và sum họp với gia đình.

Đọc thêm