Nan giải chấm dứt du lịch “chặt chém”

(PLVN) - Những ngày Tết Kỷ Hợi, dư luận vô cùng bức xúc khi những hóa đơn ăn uống giá “cắt cổ” lần lượt được đăng tải trên mạng xã hội từ các nhóm du khách nước ngoài tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). 
Hình minh họa
Hình minh họa

Như một hóa đơn được ghi tại nhà hàng Hưng Phát (số 86/5 Trần Phú, TP Nha Trang) tính giá 9 triệu đồng cho một đoàn khách người Malaysia, trong đó chỉ riêng 3 phần trứng xào cà chua đã có giá 1,5 triệu đồng hay một nhà hàng gần bãi biển Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) rằng “250 nghìn đồng một đĩa tôm tươi, vừa bắt từ biển lên”; nhưng khi mang lên bàn ăn chỉ có vỏn vẹn 6 con tôm nhỏ xíu, cũng không phải tôm tươi như lời người bán tiếp thị, cá thu sốt 350 nghìn đồng/đĩa chỉ với 2 miếng nhỏ. Các sự việc được phản ánh lên cơ quan chức năng, ngay sau đó, Đội quản lí thị trường rà soát và tiến hành xử phạt nặng đối với các nhà hàng, quán ăn vi phạm về cân đo, an toàn vệ sinh thực phẩm và niêm yết giá…

Trong năm 2018, dư luận đã không biết bao lần bức xúc về vấn nạn “chặt chém”, tự ý nâng giá bừa bãi của một bộ phận các cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ ăn uống, vận tải, tham quan… Ví dụ, một khách du lịch Malaysia bắt xe taxi của hãng Tiến Thành từ Bờ Hồ đi Nội Bài bị “chém đẹp” với giá 800.000 đồng; ngay sau khi du khách phản ánh, các cơ quan chức năng đã phải “vào cuộc” và cuối cùng hãng Tiến Thành phải gửi lời xin lỗi tới vị khách này. 

Lí giải cho sự việc “chặt chém” của hai nhà hàng ở TP Nha Trang, nhiều ý kiến cho rằng có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà hàng, trên địa bàn TP ghi nhận nhiều trường hợp tài xế dẫn mối cho khách địa điểm ăn và nhận hoa hồng. Do lượng khách có hạn, mà quá nhiều nhà hàng, dù được “dắt mối” tới vẫn phải trả hoa hồng cho tài xế, rồi giá thuê mặt bằng, nhân công, nhập nguyên liệu đắt đỏ, mở bán mà chẳng có người mua, nhiều chủ nhà hàng mới “khôn vặt” khống tiền hóa đơn của khách lên để tăng thêm thu nhập.

Tuy vậy, lời lãi đâu không thấy, rõ ràng những nhà hàng như vậy chỉ đem lại ấn tượng xấu với du khách quốc tế và trở thành “địa chỉ đen” cho người dân địa phương về thái độ phục vụ gian lận, khôn lỏi. Khi bị phát hiện, họ đều phải gánh mức phạt nặng.

Trong nhiều năm nay, Việt Nam được miêu tả là “thiên đường giá rẻ” trong mắt cộng đồng quốc tế. Bởi hạ tầng dịch vụ còn nhiều hạn chế, đối tượng khách du lịch thượng lưu đến Việt Nam nghỉ dưỡng chưa cao, mà lượng khách tập trung chủ yếu ở tầng lớp bình dân, trung lưu. Nhưng chỉ nói riêng về ý thức giữ gìn môi trường du lịch trong sạch, uy tín, văn minh của mỗi cá nhân, du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều thiếu sót. 

Trước tình trạng “chặt chém” tràn lan, TP Nha Trang mới đưa ra phương án lập đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch; song biện pháp này vẫn mới trên bề mặt, có giải quyết triệt để vấn nạn trên hay không còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Dư luận cho rằng, những trường hợp “chặt chém” du khách nói trên chỉ là số ít trong các trường hợp được phát hiện. Do vậy, cơ quan chức năng cần có những can thiệp mạnh hơn để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những sai phạm tương tự.  

Đọc thêm