Nghiện mạng xã hội nguy hiểm thế nào?

(PLVN) - Mạng xã hội dần trở nên gần gũi và phổ biến, thậm chí đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hiện đại của giới trẻ . Thời lượng sử dụng mạng xã hội trong 1 ngày của giới trẻ Việt Nam trung bình là 7 giờ. Việc sử dụng mạng xã hội có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cũng như vấn đề sức khỏe. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nghiện mạng xã hội có thể dẫn tới tâm thần.

Mạng xã hội trói buộc cuộc sống giới trẻ

Mạng xã hội với cách gọi đầy đủ là “dịch vụ mạng xã hội” (tiếng Anh là “social network service”) hay “trang mạng xã hội”, là nền tảng trực tuyến nơi mọi người dùng để xây dựng các mối quan hệ với người khác có chung tính cách, nghề nghiệp, công việc, trình độ,... hay có mối quan hệ ngoài đời thực.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mạng xã hội cho phép người dùng chia sẻ câu chuyện, bài viết, ý tưởng cá nhân, đăng ảnh, video, đồng thời thông báo về hoạt động, sự kiện trên mạng hoặc trong thế giới thực. Nếu như trong mô hình mạng xã hội truyền thống, ví dụ như sự kiện hội chợ, đã tồn tại từ lâu trong lịch sử thì mạng xã hội trên web giúp người dùng kết nối với những người sống ở nhiều vùng đất khác nhau, ở thành phố khác hoặc trên toàn thế giới.

Đồng thời cho phép người dùng chia sẻ câu chuyện, bài viết, ý tưởng cá nhân, đăng ảnh, video, đồng thời thông báo về hoạt động, sự kiện trên mạng hoặc trong thế giới thực. Mạng xã hội có thể vận hành trên tất cả các nền tảng như máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, hay điện thoại thông minh.

Sự thành công của mạng xã hội có thể nhìn thấy được bằng mức độ phổ biến trong xã hội ngày nay, ví dụ như Facebook có hơn 2,3 tỷ người dùng hàng tháng theo số liệu mới nhất.

Từ khi bắt đầu xuất hiện, mạng xã hội giúp con người rất trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, trong liên hệ công việc, tuyển dụng, trao đổi, học hỏi, kinh doanh, mua bán, tương tác xã hội... thế nhưng, việc nghiện mạng xã hội đang khiến nhiều người trì trệ, thậm chí có nhiều vấn đề về thần kinh.

Bà Nguyễn Kim Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, con trai tôi 11 tuổi rồi, thế nhưng không thể ăn uống nghiêm túc nếu không cầm điện thoại xem youtube. Mỗi khi đến bữa ăn  đành để con vừa xem điện  thoại vừa ăn cơm, nếu không thì nó sẽ bỏ bữa, cáu gắt.

Có con trai đang học lớp 3 cũng quá nghiện dùng điện thoại lên mạng xã hội, chị Mai Trang (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Mới lớp 3 mà đã đeo kính 4 độ rồi. Vợ chồng tôi cũng vì bận công việc, cứ nghĩ đưa cho con điện thoại nó xem phim, chơi game là xong ai ngời mọi thứ ngày càng tệ. Mắt thì ngày càng cận nặng, tính tình trở nên ít hòa đồng, dễ cáu gắt. 

Theo một số sinh viên, hiện nay tình trạng các bạn trẻ nghiện mạng xã hội, sống ảo ngày một trở nên nghiêm trọng. Bạn Nguyễn Thị Vân, sinh viên Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội chia sẻ: “Bạn bè học hành ở Hà Nội đã ít, lâu lâu mới có buổi gặp nhau, đi ăn, đi chơi mà mấy người bạn của tôi ai cũng dí mắt vào điện thoại. Mọi người đi chơi với nhau mà chẳng nói với nhau được mấy câu, cứ dán mặt vào màn hình, nghĩ mà buồn”.

Nguy cơ tâm thần

Theo một báo cáo hồi tháng 3/2019, báo cáo này được thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế xã hội và công cộng Hoàng gia của nước Anh. Theo đó, mạng xã hội đang có những tác động xấu đến sức khỏe tâm thần của giới trẻ... 

Tranh biếm họa về nghiện điện thoại.
Tranh biếm họa về nghiện điện thoại.

Tờ The Guardian ngày 18/3/2019 đưa tin, nhiều nghị sĩ Anh cho rằng nghiện mạng xã hội nên bị xem là bệnh tâm thần, trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về tác động lên sức khỏe người dùng.

Trong báo cáo, các nghị sĩ kêu gọi chính phủ đưa ra hướng dẫn cách tránh sử dụng mạng xã hội quá mức dành cho những người từ 24 tuổi trở xuống. Bên cạnh đó, họ còn đề nghị chính phủ buộc các công ty công nghệ chia sẻ dữ liệu giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về tác động của mạng xã hội với người trẻ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ xem xét chứng rối loạn do chơi game vào bản hướng dẫn về phân loại bệnh lý sắp tới và xem đây là một bệnh về tâm thần.

Ở Việt Nam những năm gần đây tình trạng giới trẻ nhập viện điều trị các vấn đề về tâm lý dần trở nên phổ biến.

Tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, mỗi tháng, riêng tại Khoa Điều trị tâm thần nhi tiếp nhận trung bình hơn 10 trường hợp nhập viện khám và điều trị các vấn đề về thần kinh.

Điển hình trường hợp trường hợp Nguyễn Thanh B. (SN 1996, Hà Nội) vốn là một học sinh chăm ngoan, đạt nhiều thành tích trong học tập, những tưởng tương lai sau này của B sẽ xán lạn. Tuy nhiên, thay vì chuyên tâm vào học hành, B. bắt đầu lao vào chơi game bất kể đêm ngày. Để có tiền chơi, B. bắt đầu tìm đủ cách để lấy trộm tiền của bố mẹ. Các biểu hiện nghiện game của B. ngày càng gia tăng, cậu sẵn sàng tuyệt thực nếu bố mẹ không đồng ý cho chơi game, số môn nợ tại trường học càng trở nên chồng chất… Lúc này, gia đình buộc phải đưa B. tới Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) để thăm khám.

Tại BV Tâm thần T.Ư I, bệnh nhân Nguyễn Thu H. (SN 2004, quê Yên Bái) nhập viện vì nghiện facebook. Theo con nhập viện để tiện chăm sóc, chị Nguyễn Thị Hoa (mẹ của H.) cho biết: “Trước khi đưa con nhập viện, cháu cứ nằm lỳ ở trong phòng, không dậy, không giúp mẹ được việc gì, học hành kém. Suốt ngày, H. chỉ ôm lấy cái điện thoại. Thậm chí, còn liên tục đòi mẹ mua quần áo mới, chỉ để chụp đưa lên Facebook lấy “lai” gì đó. Mà gia đình thì không đủ điều kiện đáp ứng. Mỗi lúc như vậy cháu dằn dỗi, cáu kỉnh. Đỉnh điểm là khi tôi cấm, tịch thu điện thoại thì cháu có thái độ nổi khùng, cáu gắt, đập phá đồ xung quanh. Lúc này đành đưa đến viện”. Tại đây, H. được chẩn đoán có dấu hiệu bệnh tâm thần, cần ở lại viện để theo dõi và điều trị.

Thoát nghiện mạng xã hội

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều người trẻ phải nhập viện vì nghiện mạng xã hội. Chính vì thế chúng ta cần làm gì để “cứu” trẻ thoát nghiện mạng xã hội khi người Việt dùng đến 7 giờ để sử dụng mạng xã hội.

Theo các chuyên gia y tế, rất nhiều trẻ vị thành niên mạng xã hội, nghiện game có nền tảng mắc bệnh sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn cảm xúc, chống đối… Việc chơi Facebook hay game giống như “cứu cánh” để các bệnh nhân này có cảm giác giải tỏa được các vấn đề tâm lý của mình. Và việc đắm chìm trong các trò chơi điện tử dần dần sẽ ảnh hưởng tới tính cách của trẻ. “Chuỗi tương tác sức khỏe tâm thần - mạng xã hội - tính cách sẽ khiến các bạn trẻ rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn không có lối thoát. Do đó, khi thấy trẻ có biểu hiện nghiện mạng xã hội, game online, gia đình cần quan tâm và đưa trẻ tới BV thăm khám, xác định các bệnh lý nền nếu có để có liệu pháp can thiệp phù hợp, kịp thời. Điều quan trọng nhất là trẻ cần sự quan tâm từ chính gia đình, cha mẹ cần tạo môi trường sinh hoạt cộng đồng phù hợp để trẻ không có điều kiện sa đà thái quá vào mạng xã hội.

 Việc sử dụng mạng xã hội là xu hướng không thể cưỡng lại nên người trẻ cần có kỹ năng sử dụng; đồng thời cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ trẻ trên môi trường mạng. Đặc biệt, gia đình và nhà trường cần dạy các em kiến thức, kỹ năng và thái độ để các em không chỉ có tư duy logic mà còn phải thấu cảm trong xử lý thông tin.

Tại cuộc giao lưu trực tuyến “Bàn về văn hoá ứng xử của giới trẻ trên không gian mạng” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức ngày 5/11/2019, ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - cho biết, với hơn 60 triệu người sử dụng, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 trên thế giới về tỉ lệ người dân sử dụng Internet và là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Facebook, YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh, thiếu niên chiếm tỷ lệ lớn. 

Một kết quả khảo sát gần đây cho thấy, thời lượng sử dụng mạng xã hội trong một ngày của giới trẻ Việt Nam trung bình là 7 giờ, khá cao so với khu vực và thế giới. Một bộ phận giới trẻ dành quỹ thời gian cho mạng xã hội rất lớn, gây nên tình trạng “nghiện” mạng xã hội ngày càng phổ biến.

Đọc thêm