Ngọn đuốc sáng xóa hủ tục đại ngàn

(PLO) - Gắn bó gần trọn cuộc đời mình ở thung lũng Cù Bai, hơn ai hết già Hồ Xuân Trường (70 tuổi, ở bản Cà Tiêng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) hiểu sâu sắc một điều rằng, muốn đồng bào Vân Kiều tin, nghe và làm theo mình thì lời nói phải đi đôi với làm.
Người Vân Kiều thu hoạch cà phê
Người Vân Kiều thu hoạch cà phê

Đi khắp thung lũng Cù Bai thuộc 2 xã Hướng Lập và Hướng Việt, hỏi từ đứa trẻ tiểu học đến cụ già móm mém răng đen về già Trường – Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt, ai cũng vanh vách trả lời được. Và già được xem là ngọn đuốc sáng soi rọi các bản làng giữa đại ngàn xứ này đi theo con đường đổi mới, văn minh.

Dai dẳng những hủ tục lạc hậu  

Chúng tôi tìm được già Trường khi ông đang cùng một cán bộ UBND xã Hướng Việt xuống một hộ gia đình trong bản để vận động giải quyết mâu thuẩn giữa bố chồng và con dâu. Ở thung lũng này, việc nào khó cán bộ cứ đến tìm già để cùng đi là giải quyết xong.

Già Trường nắm tay chúng tôi mà kể: “Cho đến những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, những bản làng của đồng bào Vân Kiều ở thung lũng Cù Bai nằm heo hút dưới những ngọn đồi hoang xơ xác của Trường Sơn. Giao thông đi lại, trao đổi thông tin với bên ngoài khó khăn lắm. Bởi vậy, những hủ tục rườm rà, những quan điểm về đời sống lạc hậu vẫn đeo bám dai dẳng trên những nóc nhà tranh úa bạc”.

Theo già, việc chữa trị ốm đau của bà con thời ấy là đáng lo nhất. Dù ốm nặng hay nhẹ, cứ nghe có bệnh là bà con chạy đi tìm thầy mo về cúng ngay. Bởi đồng bào nghĩ, người có bệnh là người bị Giàng, ma rừng, ma núi quở trách, chỉ có thầy mo mới cúng hóa giải được thôi. Gia đình có người sinh đẻ, cũng gọi thầy mo về cúng để cho mẹ con vuông tròn. Lễ vật cúng Giàng, cúng ma thì đủ các kiểu, ít nhất cũng vài con gà; nhiều còn phải mổ dâng lên cả trâu, bò, dê, lợn…

Trong sản xuất kinh tế, bà con gieo lúa trên rẫy hay dưới ruộng nước thì chẳng bao giờ chịu bón phân. Ăn sâu trong tiềm thức của đồng bào, lúa gạo là “hạt ngọc” của Giàng, Giàng cho sao nhận vậy. Nếu bón phân, chăm bẵm sẽ khiến Giàng sẽ quở phạt cho đau ốm, bệnh tật vì bón phân sẽ “làm bẩn” hạt ngọc của Giàng. Đến khi cần dựng cái nhà sàn để ở, đồng bào cứ vô tư vào rừng đốn gỗ kéo về làm nhà chứ chẳng ai biết suy nghĩ đến việc trồng rừng. Bởi thế nên rừng cứ ngày càng đi xa các bản làng hơn. 

Đối với cộng đồng người dân tộc miền Tây Quảng Trị ngày xưa, việc tổ chức cưới hỏi phải trải qua rất nhiều nghi lễ và tốn kém nhiều của cải theo tục lệ. Nghi lễ cưới hỏi trong truyền thống của đồng bào bắt đầu là lễ Lan-gơp (tìm hiểu) rồi đến Cho’q van (bỏ của), Ta-beng (cưới lần 1) rồi đến cuối cùng là Tap-kôl (cưới lần 2).

Để lấy vợ cho con, gia đình chàng trai phải mang rất nhiều lễ vật đến nhà gái gồm: trâu, bò, gà, lợn, nồi đồng, mâm đồng, gươm, vòng bạc, hạt đá quý và bạc trắng… Nếu không đủ lễ vật thì có thể khất nợ và trả dần. Trai gái đồng bào dân tộc Vân Kiều phải lòng nhau có thể về chung sống với nhau, nhưng phải đến khi có đủ điều kiện thì mới tổ chức lễ cưới và được cộng đồng công nhận vợ chồng chính thức.

Trong tang lễ truyền thống, người Vân Kiều có sự phân biệt rất rõ ràng. Đối với những người chết do tai nạn, hay chết vì nguyên nhân xấu, gia đình thường không được mang thi thể người chết vào bản và không mai táng trong nghĩa địa của bản.

Đối với người chết vì nguyên nhân bình thường, thì thi thể được đặt giữa nhà. Trong lúc chưa mai táng, con cháu đi vòng quanh người chết, vừa đi vừa khóc lóc, vừa dùng gậy chọc xuống sàn nhà. Cũng trong thời gian đó, bà con còn có tục lệ cho thức ăn vào miệng người chết.  Tang lễ thường tổ chức kéo dài nhiều ngày và trải qua nhiều nghi lễ phải giết mổ nhiều trâu, bò, lợn… để cho bà con trong bản ăn.

Già Hồ Xuân Trường (trái) đi vận động một hộ dân không được cho con bỏ học để đi làm rẫy
Già Hồ Xuân Trường (trái) đi vận động một hộ dân không được cho con bỏ học để đi làm rẫy

Cái lý của già Trường 

Ở tuổi 70 nhưng giọng nói của già Hồ Xuân Trường vẫn còn sang sảng, như vang vọng được giữa chốn núi rừng Cù Bai và già gắn bó trọn đời mình với thung lũng Cù Bai. Năm 1966, chàng thanh niên 20 tuổi Hồ Xuân Trường đã biết đi theo cách mạng, vào bộ đội địa phương huyện Hướng Hóa cầm súng chống giặc Mỹ xâm lược. Năm 1977, sau khi hòa bình lập lại, già xuất ngũ trở về quê hương Cù Bai.

Là một trong những người con ưu tú nhất của bản làng, từ năm 1981 - 1989, già được người dân xã Hướng Lập Bắc tín nhiệm giao phó các chức vụ từ Phó trưởng Công an xã rồi Trưởng Công an xã, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND xã Hướng Lập Bắc (nay tách thành 2 xã Hướng Lập và Hướng Việt).

Tiếp bước những người đi trước già trong việc tiên phong vận động bà con dân tộc Vân Kiều trồng lúa nước như bà Hồ Thị Oi, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Đào Xuân Hướng…, già Trường cùng các cán bộ UBND xã Hướng Lập Bắc và Bộ đội Biên phòng tiếp tục hoàn thiện công việc mà những người đi trước còn dở dang.

Năm 2004, xã Hướng Lập Bắc được tách thành 2 xã là Hướng Việt và Hướng Lập, già Hồ Xuân Trường được tín nhiệm tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt cho đến năm 2009 mới nghỉ hưu. Dù ở cương vị nào, già cũng luôn là người gần dân, thương yêu và chăm lo cho đời sống đồng bào.

Lúc bấy giờ, già xác định để người dân Cù Bai ổn định cuộc sống, trước hết phải tự túc được nguồn lương thực. Nghĩ là làm, già Trường bắt tay ngay với Bộ đội Biên phòng vận động, hướng dẫn người dân khai hoang những thung lũng nhỏ có mặt bằng để trồng lúa nước. Chỉ sau vài năm ứng dụng giống lúa mới, người dân đã từng bước thoát khỏi cái đói và thiếu lương thực.

Đến bây giờ, già Trường đã có thể tự hào vì bà con Vân Kiều nơi đây không chỉ biết trồng lúa nước mà còn biết trồng cây bời lời, cà phê cho giá trị kinh tế cao, từng bước làm giàu. Mặc dù đã nghỉ hưu gần 8 năm nay, nhưng già Trường vẫn ngày ngày lặn lội đến từng thôn bản để tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ các cán bộ biên phòng bảo vệ sự bình yên cho bản làng, quê hương.

Khi nhắc đến những đóng góp của già Trường, nhiều người dân nơi đây tấm tắc với chúng tôi rằng, đối với người Vân Kiều thuộc hai xã Hướng Lập và Hướng Việt, già Trường là vị cán bộ xã gần dân và biết lo cho cuộc sống của bà con. Không chỉ vậy, già là hình mẫu trong việc phối hợp với Bộ đội Biên phòng Đồn Cù Bai bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc chủ quyền, an ninh biên giới.

“Mình phải gương mẫu làm trước cho bà con thấy để tin. Gia đình tôi cưới chồng cho con gái rất đơn giản, chỉ cần một mâm rượu cúng tổ tiên và mời bà con họ hàng thôi mà các con vẫn rất hạnh phúc, chẳng có ma rừng, ma núi, thầy mo mà nào trách phạt nổi cả! Thế là bà con bắt đầu tin theo. Vợ tôi sốt, tôi đưa lên trạm y tế xã cho bác sĩ thăm khám, mất có vài chục tiền thuốc về uống 2 ngày khỏi hẳn ngay” – già Trường kể lại. Và theo già, bà con dần dần tin già từ những việc nhỏ như vậy. Bây giờ, đến cả việc tảo hôn cũng không còn. Người chết vì lý do gì cũng đều được đưa vào nghĩa địa của bản, không phân biệt.

Chiều về trên thung lũng Cù Bai sẫm vàng những vệt nắng như vẫn tha thiết còn muốn ở lại bên chân những rặng núi, bóng già Trường in dài trên con đường bê tông nhỏ giữa bản Cà Tiêng về nhà. Hôm nay, già vừa vận động xong 2 gia đình bản bên không được cho con bỏ học để đi làm rẫy… 

Đọc thêm