Người đàn ông hơn 20 năm làm “bảo mẫu” chăm sóc trẻ tật nguyền, bại não

(PLO) -“Đơn giản như việc mặc quần áo, tôi phải chỉ dẫn suốt mấy tháng, tụi nhỏ mới quen và tự mặc được. Chúng cũng rất thích ăn quà vặt nhưng nếu mình không kiểm soát để ăn nhiều quá sẽ gây tiêu chảy. Tất cả những việc đó, tôi phải khuyên bảo chúng từ từ với tất cả tình thương của người làm cha, làm mẹ”, ông Xuân cho biết.
Hình ảnh ông  Xuân bên các con của mình
Hình ảnh ông Xuân bên các con của mình

Những đứa con tật nguyền

Chúng tôi tìm đến chùa Kỳ Quang 2 ở phường 17, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh. Nơi đây ngoài là địa điểm để các phật tử lui tới còn là cơ sở từ thiện xã hội nuôi dạy cô nhi và trẻ khuyết tật.

Ngoài những bảo mẫu là nữ còn có một người đàn ông âm thầm chăm sóc các em khuyết tật suốt 20 năm qua. Ông là Trần Trọng Xuân (62 tuổi).

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, ông Xuân là con út trong gia đình. Ông vào chùa từ năm 1995. “Lúc còn trẻ tôi đã rất thích làm từ thiện nên quyết định không lập gia đình. Năm 1995, qua lời giới thiệu của bạn bè tôi biết đến nơi đây và gắn bó với công việc này từ đó đến nay”. 

Ông Xuân cho biết chùa Kỳ Quang 2 có tất cả tất cả 30 phòng, mỗi phòng có trên 10 cháu bé. Các em mồ côi, bại não, tâm thần, mù được chia đều ra các phòng. Trong số 20 bảo mẫu ở đây thì chỉ duy nhất mình ông là đàn ông.

Với một người phụ nữ việc chăm sóc những đứa trẻ đã là công việc không dễ dàng nên đối với một người đàn ông lại càng khó khăn hơn trong khi những đứa trẻ còn mang khiếm khuyết trên cơ thể.

Chia sẻ về công việc, ông cho biết, khi chăm sóc một đứa trẻ bình thường đã rất vất vả rồi, việc chăm sóc những đứa trẻ thiểu năng, khuyết tật càng vất vả gấp bội. Hiện tại ông đang chăm sóc 12 em. Trong 12 em, mỗi em là một hoàn cảnh éo le khác nhau. 

“Những đứa trẻ này đều lớn hết rồi, đứa lớn nhất năm nay đã 36 tuổi nhưng tụi nó đều mắc chứng bại não có lớn mà không có khôn. Bại não có 2 loại nếu bại não nặng thì nằm một chỗ, còn nhẹ thì có thể đi lại được. Phòng tôi thì có 3 đứa bại não, có 2 đứa nói được và 1 đứa không nói được”, ông Xuân cho hay. 

Mỗi trường hợp khi vào đây, người thì bị bỏ rơi vào đây từ nhỏ, người thì được gia đình đưa vào, thỉnh thoảng cũng có người thân vào thăm. “Trong 20 năm qua tôi ở luôn với tụi nó 24/24h vì chúng nó không thể tự sinh hoạt mà không có sự giúp đỡ của tôi”, ông Xuân kể. 

Cần phải có tình yêu thật sự thì mới có thể chăm sóc được những đứa trẻ có số phận đặc biệt như vậy. Ông kể: “Vì tụi nó không bình thường nên mọi sinh hoạt phải phụ thuộc vào mình. Trong số 12 đứa chỉ có 1 đứa là có thể tự tắm được, còn lại tôi phải tắm rửa cho chúng.

Còn việc đi vệ sinh, khi nào tỉnh tụi nó có thể tự đi nhưng nhiều lúc, chúng không biết gì thì đi ra quần luôn.

Về ăn uống, đứa nào tự múc ăn được tôi cho lên bàn ngồi, đứa không múc được tôi phải đút. Tụi nhỏ chỉ biết nuốt chứ không biết nhai nên mỗi bữa tôi cắt thịt ra từng miếng nhỏ, còn cá thì phải nhặt xương ra để tụi nó nuốt phải thì rất nguy hiểm”. 

Trong số 12 người, có 1 em bị bại não và tâm thần phân liệt, cộng thêm thực quản hẹp, không biết gì hết nên ông Xuân lúc nào cũng phải canh chừng, việc uống nước cũng phải canh cho uống vừa đủ để em không tiểu tiện nhiều nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể.

“Đừng cho rằng tụi nhỏ bị thiểu năng thì không biết gì, nhiều lúc tụi nhỏ cũng biết, cũng cảm nhận được. Khi chúng bướng, tôi giận, tôi lớn tiếng là tụi nhỏ tự ái, những lúc vậy, mình phải dỗ ngọt chúng”, “bảo mẫu” Xuân chia sẻ.

Chân dung người cha bảo mẫu
Chân dung  người cha bảo mẫu

“Khi nào không còn đủ sức khỏe nữa thì nghỉ”

Trong lúc ông Xuân trò chuyện với chúng tôi thì những “đứa con” của ông, đứa thì gào khóc, đứa thì leo trèo.... Thời gian vừa qua, nhiều báo đài đưa tin về những cô bảo mẫu đánh đập, ngược đãi trẻ em khiến dư luận phẫn nộ.

Thậm chí có những người làm cha làm mẹ trong quá trình nuôi con không làm chủ được bản thân đã đánh đập, hành hạ chính những đứa con mà họ sinh ra. 

Chính vì vậy khi tận mắt chứng kiến cảnh ông Xuân tận tâm, tận tụy chăm sóc những đứa trẻ không máu mủ với mình, chúng tôi mới hiểu được tấm lòng và sự vất vả của ông.

Khi được hỏi động lực nào giúp ông có thể gắn bó với các em lâu đến vậy, ông Xuân tâm sự ông không đòi hỏi bất cứ điều gì, chỉ đơn giản mong muốn mang lại sự hạnh phúc cho “các con” thiếu may mắn.

Ông cho biết những đứa trẻ này không được bình thường nhưng cũng không phải là hoàn toàn không biết gì: “Mình chỉ dạy tụi nhỏ phải chỉ từ từ và cần thời gian dài thì tụi nó mới có thể làm theo được chứ mình có nói nhiều thì tụi nó cũng không nhớ”.

Mặc dù là những đứa trẻ không bình thường nhưng ông Xuân cho biết sau thời gian dài chăm sóc, chúng cũng nhận biết được ông là “người thân”. 

“Hạnh phúc lớn nhất của tôi là khi thấy tụi nhỏ vui cười, ngày một lớn lên, bệnh tình được cải thiện. Tôi xem tụi nhỏ như những đứa con của mình vậy.

Tụi nó khỏe thì tôi vui, bệnh thì tôi buồn, tôi lo lắng. Dù không sinh ra những đứa trẻ ấy, dù không chút máu mủ, ruột thịt nhưng với tôi những đứa trẻ nơi đây là gia đình, hạnh phúc, niềm vui, máu thịt của tôi, ông Xuân tâm sự.

Người đàn ông hy sinh đời mình, hy sinh cả hạnh phúc riêng tư của bản thân cho những số phận, những cảnh đời kém may mắn thành thật chia sẻ rằng, trong hơn 20 năm làm công việc không công này, đôi khi ông cũng bị áp lực dẫn đến stress.

Nhưng cuối cùng, vì tình yêu với những đứa trẻ, ông luôn cố gắng kiềm chế bản thân, không nỡ đánh chúng dù cho chỉ là cái nhẹ vào mông. 

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, ông Xuân hào hứng bảo rằng, bây giờ chỉ cần những đứa con của ông ngày ngày lớn lên, khỏe mạnh với ông vậy là đủ. Cuộc sống của ông sẽ không còn ý nghĩa, niềm vui nếu phải xa nơi này, xa những đứa con đã gắn bó với ông.

Ánh mắt ông Xuân đượm buồn khi nhìn qua những đứa trẻ ngây ngô cười nói, ông kể: “Bình thường, tuổi của tụi nó giờ người ta có gia đình hết rồi, nếu không cũng được học hành tới nơi tới chốn chứ đâu phải nằm ra 1 chỗ như vậy.

Nhiều khi ngồi nhìn tụi nó mà tôi thấy sao đau lòng quá. Tụi nó khi sinh ra đời đã không may mắn rồi, không gia đình, không lành lặn, nếu bù đắp được phần nào cho tụi nó để bớt đi những thiệt thòi thì tôi cố gắng làm. Tôi sẽ chỉ nghỉ việc nơi đây khi nào không còn đủ sức khỏe nữa mà thôi”.

Đọc thêm