Người trồng hoa Quảng Ngãi 'thấp thỏm' chờ Tết

(PLVN) - Hàng trăm hộ dân trồng hoa ở Quảng Ngãi đang chung một nỗi lo “sợ không bán được hoa chơi Tết”...
Người trồng hoa Quảng Ngãi 'thấp thỏm' chờ Tết

Những ngày cuối năm nay, không khí tại làng hoa rộng hơn 10ha thuộc phường Chánh Lộ (Thành Phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) không còn rộn rã, sôi động như những năm trước mà thay vào đó là khung cảnh khá đìu hiu, nhà vườn và khách dạo mua hoa ít hẳn.

Lo lắng không bán được hoa

Để có một chậu hoa bông nở to, dáng chuẩn, một người chăm sóc hoa ở đây cho biết, ngoài tưới phân, nước, châm thuốc đúng cách, phải tỉa bớt những nụ nhỏ, phần lá dưới chân phải đều, đẹp.

Ông Nguyễn Tấn Toàn (56 tuổi), một chủ vườn không khỏi lo lắng khi hoa giấy chưa ra hoa. Ông chia sẻ: "Năm nay thời tiết khắc nghiệt, mưa bão, chăm sóc hoa rất cực, từ khâu chọn giống đến chăm sóc. Thêm dịch bệnh COVID -19, đời sống khó khăn. Tôi sợ người dân không mua hoa chơi tết mà để dành tiền chi dùng trong gia đình”.

Ông Nguyễn Tấn Toàn (56 tuổi) ở TP Quảng Ngãi nhìn những chậu ớt kiểng với vẻ mặt lo lắng.
 Ông Nguyễn Tấn Toàn (56 tuổi) ở TP Quảng Ngãi nhìn những chậu ớt kiểng với vẻ mặt lo lắng.

Ông Nguyễn Dũng (60 tuổi) ở huyện Tư Nghĩa, chăm sóc hơn 200 chậu hoa hồng đang ra nụ cũng bồn chồn khi hoa chưa nở, quá trình chăm hoa như cách nhiều người ví von, đó là “canh, me” vì vừa phải chống sâu bệnh, vừa phải chăm sóc cho cây có sức vươn lên rồi bung nở đúng "độ" đảm bảo đẹp thì khách mới chọn mua. Tất cả những công đoạn đoạn đó khiến người nông dân mất ăn, mất ngủ.

Chủ vườn tỉ mỉ chăm sóc hoa hồng để kịp bán Tết
Chủ vườn tỉ mỉ chăm sóc  hoa hồng để kịp bán Tết

Từng có một chủ nhà vườn tưới phân quá nhiều cho hoa, đến khi xuất bán thì hoa cúc bị cháy vàng cây, đứt rễ mà thất bại, phải mang nợ.

Kiếm thêm thu nhập từ các vườn hoa bán Tết

Lom khom dùng chổi quét màu đỏ cho từng chậu hoa, bà Hoa (54 tuổi) ở xã Nghĩa Hoà huyện Tư Nghĩa tâm sự, cơn bão số 9 vừa qua khiến nhà cửa bà bị hư hỏng nặng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, bà đi làm công để kiếm ít tiền tiêu trong dịp Tết. Sau khi sạ lúa xong, bà lên đây để làm công, ngày được 180 ngàn đồng, trừ đi chi phí cơm nước, bà còn được hơn 100 ngàn đồng một ngày. 

Những nụ hoa Cúc thi nhau đua nở để đón năm mới
 Những nụ hoa Cúc thi nhau đua nở để đón năm mới

Đồng cảnh ngộ, bà Lê Thị Hồng (45 tuổi) ngụ ở xã Nghĩa Thương huyện Tư Nghĩa cũng lên làng hoa này làm công. Vì năm 2020 dịch bệnh COVID-19 hoành hành, gia đình bà lâm vào cảnh khốn khó. Vì vậy, Tết này bà chỉ mong muốn có tiền mua được ít bánh trái...

Bà Lê Thị Hồng (45 tuổi) ngụ ở xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa vui vẻ khi có thêm thu nhập với việc làm thuê tại vườn hoa Tết.
 Bà Lê Thị Hồng (45 tuổi) ngụ ở xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa vui vẻ khi có thêm thu nhập với việc làm thuê tại vườn hoa Tết.

Người trồng hoa ở khu vực này đa số là những hộ gia đình khó khăn, sau Tết họ lại bươn chải mưu sinh thêm bằng những nghề khác như chạy xe ba gác, làm ruộng, làm thợ hồ, nuôi trâu, nuôi bò.

Đọc thêm