Nhắn gửi của Đức Pháp chủ GHPGVN mùa Phật đản

(PLO) - “Tôi đặc biệt mong muốn toàn thể tăng ni, phật tử Việt Nam với tâm nguyện và trách nhiệm tri ân của những người con Phật, mỗi người bằng những hành động thiết thực nhất hãy bảo vệ môi trường bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu đang đe dọa đời sống của chính chúng ta", Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ nhấn mạnh trong thông điệp gửi tăng ni, cư sĩ, phật tử.
Nhắn gửi của Đức Pháp chủ GHPGVN mùa Phật đản

Đại lễ Phật đản năm 2016 diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu từng ngày đang đe dọa tính mạng hàng tỷ người trên hành tinh, trong đó Việt Nam là một trong 5 nước đang và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề khi trung bình mỗi năm có 457 người bị thương vong, thiệt hại 1,9 tỷ USD, tương đương 1,3% GDP. Chính vì thế, các hoạt động mừng Đại lễ Phật đản năm nay của Giáo hội Phật giáo Nam từ Trung ương tới địa phương đều truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường.

Đức Pháp chủ kêu gọi bảo vệ môi trường

Năm dương lịch 2016 — Phật lịch 2560 là năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tổ chức nhiều sự kiện lớn như Kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN (1981 - 2016); tổ chức diễn đàn Phật giáo quốc tế chào mừng một năm cộng đồng Asean; chào mừng bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, tiến hành Đại hội Đại biểu GHPGVN cấp huyện nhiệm kỳ 2016 — 2021.

Nhân Đại lễ Phật đản năm 2016, Đức Pháp chủ GHPGVN Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã có thông điệp gửi tăng ni, cư sĩ, phật tử. Trong đó, Đức Pháp chủ nhấn mạnh: “Tôi đặc biệt mong muốn toàn thể tăng ni, phật tử Việt Nam với tâm nguyện và trách nhiệm tri ân của những người con Phật, mỗi người bằng những hành động thiết thực nhất hãy bảo vệ môi trường bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu đang đe dọa đời sống của chính chúng ta.

Thực hành lời dạy của Đức Phật trong kinh A Hàm, phẩm Kinh Lâm: “Tỷ kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ rằng: Ta nương vào khu rừng này để ở, chưa có chính niệm sẽ được chính niệm; tâm chưa định sẽ được  định; nếu chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu hoặc chưa diệt tận sẽ được diệt tận; chưa chứng đắc Niết bàn an ổn vô thượng thì sẽ chứng đắc Niết bàn… Này các Tỷ kheo phải bảo vệ môi trường tự nhiên trong sạch”. Hãy cùng nhau làm cho môi trường xung quanh chúng ta xanh hơn, sạch hơn, và đẹp hơn!”.

Bên cạnh việc truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường trong dịp Đại lễ Phật đản năm nay, GHPGVN từ Trung ương tới địa phương còn chỉ đạo tới tăng ni, phật tử các địa phương thể hiện sự chăm lo cho các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng, những người già cả, neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn. Các cơ sở tự viện trong tăng cường tổ chức các khóa tu mùa hè, tạo không gian văn hóa lành mạnh cho các đối tượng sinh hoạt những ngày hè bổ ích…

Không đốt vàng mã sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường

Hưởng ứng thông điệp của Đức Pháp chủ, tại TP HCM, Ban Văn hóa GHPGVN TP HCM đã tổ chức triển lãm  tranh, tượng điêu khắc cổ Phật chủ đề “Phật giáo và môi trường” kéo dài đến ngày 29/5. Hơn 100 tác phẩm mỹ thuật khắc họa đời sống con người gần gũi thiên nhiên trù phú, môi trường xanh, đặc biệt các tác phẩm mô tả đời sống tâm linh, triết lý Phật giáo qua nét cọ của 12 họa sỹ trong và ngoài nước được giới thiệu đến người xem.

Thượng tọa Thích Nhật Từ - Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP HCM cho biết các hoạt động mừng Đại lễ Phật đản năm nay  đều truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường đến mọi ngóc ngách của cuộc sống, kêu gọi mọi người yêu cuộc sống  hơn, nêu cao ý thức bảo vệ môi trường mà chúng ta đang sống.

Trước đó, ngày 15/4/2106, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam trong đó có GHPGVN đã cùng ký vào cam  kết chung phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia bảo vệ môi trường và  ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020. 

Nói về kế hoạch hành động, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội  đồng trị sự GHPGVN cho biết sẽ đề cao và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức về môi trường và biến đổi khi hậu tới tăng ni, phật tử và mọi người dân để người dân nói chung và chức sắc, tín đồ nói riêng có những hiểu biết về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và những hành vi nào trong sản xuất, tổ chức cuộc sống hàng ngày sẽ góp phần làm cho ô nhiễm môi trường tăng cao, là những tác nhân gây nên biến đổi khí hậu cần phải  tránh và có các giải pháp giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở các địa bàn dân cư.

Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, cần xây dựng những mô hình riêng cho đô thị và nông thôn. Chẳng hạn, ở đô thị cần tuyên truyền cho người dân bài trừ các hủ tục lạc hậu, không đốt vàng mã sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Ở khu vực Đồng bằng song Cửu Long thì xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng với hạn hán và tình trạng nhiễm mặn…

Phật giáo phát triển minh chứng cho tự do tôn giáo ở Việt Nam

Sáng qua (17/5), tại Hà Nội, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp Đại lễ Phật đản 2016. Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, góp phần làm nên truyền thống yêu nước, thương nòi của Việt Nam. Trong quá trình dựng nước, giữ nước và hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Hiện cả nước có trên 48.000 tăng ni cống hiến Phật pháp tại hơn 17.000 cơ sở thừa tự. Trong thời gian qua, có nhiều Hòa thượng tham gia Quốc hội, góp phần đưa tiếng nói của tăng ni, phật tử cả nước đến với Quốc hội. Sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo là minh chứng rõ nét cho sự tự do tôn giáo của Việt Nam. Trong đời sống hàng ngày, các tăng ni, phật tử luôn đồng hành cùng đất nước, hưởng ứng các phong trào thi đua các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động như các phong trào từ thiện xã hội, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, bão lũ, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…

Đọc thêm