Nhìn giấy khai sinh của con, mới biết 'chồng hờ' đã có vợ

(PLO) - Mới đây, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử vụ án dân sự về việc yêu cầu không công nhận quan vệ vợ chồng giữa nguyên đơn T.T.N. và bị đơn Tan Kek Wei (quốc tịch Malaysia).
Các đương sự tại phiên tòa.
Các đương sự tại phiên tòa.

Trong thời gian làm việc ở Malaysia N. quen biết với Wei, cả 2 nảy sinh tình cảm và không lâu sau chị N. có thai. Tuy nhiên, ở Malaysia Yuan đã có vợ là S.T.B.T., cũng là một cô gái Việt Nam. Đến 19/10/2012, N. sinh bé gái là Tan Kar Yuan. Khi làm giấy khai sinh cho bé, do Wei không có đăng ký kết hôn nên Wei đã đăng ký tên mẹ của bé là S.T.B.T. Riêng về phần N. sau khi sinh con N. về sống chung với vợ chồng Wei. Đến tháng 9/2015 N. cùng con gái trở về Việt Nam sống đến nay. 

Biết được Wei đã có vợ, không thể nào tiến tới được với nhau nên N. gửi đơn khởi kiện yêu cầu tòa không công nhận quan hệ vợ chồng giữa N. và Wei, giành quyền nuôi bé Yuan, đồng thời thay đổi tên mẹ bé Yuan trong khai sinh thành tên T.T.N.  Chị N. cho biết chị và Wei đến với nhau trong sự tự nguyện, có thời gian tìm hiểu, tuy nhiên khi quen nhau chị không hề biết Wei đã có vợ vì anh này cố tình giấu.

Chị chỉ biết được sự thật khi nhìn vào tờ giấy khai sinh của con gái. “Khi tôi hỏi tại sao tên mẹ bé trong khai sinh là người khác thì lúc đầu ảnh còn nói dối là passport tôi hết hạn nên nhờ người đứng tên hộ. Tôi không tin, truy hỏi mãi ảnh mới nói đó là vợ anh. Nghe vậy, tôi suy sụp nhưng đành cắn răng chịu đựng”, chị N. chia sẻ. 

Tại tòa Wei cũng thừa nhận bé Yuan là con chung của mình và chị N. Tuy nhiên Wei nói rằng, chị N. đã biết Wei có vợ ngay từ đầu. Riêng về phần giấy khai sinh do Wei không có đăng ký kết hôn với N. nên N. không thể đứng tên mẹ bé được.

Khi được hỏi về những quy định của pháp luật Malaysia về hôn nhân gia đình Wei cho biết: Tại Malaysia, những người theo Đạo Hồi được phép có 4 vợ với điều kiện chồng muốn cưới thêm vợ lẽ phải được sự đồng ý của vợ chính thức. Đồng thời Wei nói thêm, theo luật pháp Malaysia thì chỉ được đứng tên cha mẹ trong khai sinh của bé khi 2 người có đăng ký kết hôn. Vì vậy Wei cũng có yêu cầu tòa trao quyền nuôi dưỡng con lại cho vợ chồng Wei.

Tòa nhận định, Wei đã có vợ tại Malaysia nhưng lại có quan hệ “vợ chồng” với chị N. nên điều này là trái pháp luật Việt Nam về quy định hôn nhân một vợ một chồng. Theo lẽ, tòa không công nhận quan hệ vợ chồng giữa Wei và chị N.

Riêng về con chung là bé Yuan, tòa giải thích: Mặc dù cháu được sinh ra và sống ở Malaysia từ nhỏ, nhưng hiện nay cháu đang chung sống với mẹ tại Việt Nam đã quen, nếu lại thay đổi người chăm sóc sẽ làm xáo trộn cuộc sống của cháu lần nữa. Hơn nữa, cháu Yuan là bé gái và ngày càng lớn nên việc giao cháu cho mẹ chăm sóc sẽ hợp lý hơn. Vì thế, tòa quyết định giao quyền nuôi bé Yuan lại cho chị N., anh Wei có quyền thăm nuôi cháu không ai được ngăn cản. 

Ngoài ra, anh Wei có trách nhiệm cấp dưỡng cho bé Yuan 200 USD/tháng. Riêng về việc thay đổi tên mẹ bé trong khai sinh sẽ do chị N. tự liên hệ với cơ quan chức năng để điều chỉnh.

Đọc thêm