Những ngày cuối của quân đội Việt Nam Cộng hòa (Bài 1): Đại họa ở mặt trận Huế vì chỉ đạo mập mờ

(PLO) - “Chúng ta đã bị phản bội rồi”, đó là lời than thở và cũng là lời mở đầu đưa tới sự tan rã của sư đoàn 1 Bộ Binh Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Sư đoàn từng được nhiều quan sát viên quốc tế coi là sư đoàn chiến đấu giỏi nhất của VNCH đến nỗi không có sư đoàn nào của Mỹ hoặc của Đại Hàn có thể sánh kịp.
Đoàn quân xa VNCH vượt đèo Hải Vân tháo chạy vào Huế
Đoàn quân xa VNCH vượt đèo Hải Vân tháo chạy vào Huế

Lời than thở trên đây do chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm, tư lệnh sư đoàn I thốt ra khi ông ta họp các sĩ quan cao cấp của ông tại bản doanh của sư đoàn 1 buổi sáng ngày 25/3/1975. Sau lời than thở nói trên, tướng Điềm nói: “Chúng ta phải bỏ Huế”.

Ông ta nhận được lệnh từ cấp trên ở Đà Nẵng là phải bỏ thành Huế để bảo toàn các binh sĩ của sư đoàn, bỏ mà không giao tranh, bỏ Huế là nơi mà thân nhân và gia đình của các quân nhân sư đoàn 1 đang sống tại đó. Trong khi tiếng đại bác vọng về từ phía xa thì tướng Điềm ra lệnh: “Bây giờ thì mạnh ai người ấy lo cho chính mình”.

Hệ thống phòng thủ “vững chắc nhất”

Lệnh tổng quát nói rằng các binh sĩ phải gắng sức từ các vị trí hiện tại đi về phía bờ biển, rồi từ bờ biển xuôi về phía nam. Các tàu của hải quân VNCH sẽ đón các thương bệnh binh, còn các binh sĩ khỏe mạnh thì phải đi tới điểm tập trung ở phía nam đèo Hải Vân, tại ngoại ô hải cảng Đà Nẵng. Tướng Điềm chấm dứt buổi họp ảm đạm này bằng chỉ thị “giữ im lặng vô tuyến” và ông ta chúc mọi người “may mắn”.

Hành quân triệt thoái là hình thức hành quân khó khăn vào bậc nhất, nhưng ở đây, chỉ có cái mệnh lệnh và chỉ thị mơ hồ, chẳng có kế hoạch gì hết, đó là nét tiêu biểu cho lệnh hành quân của quân lực VNCH tại Vùng I để rút khỏi các tỉnh phía bắc của VNCH vào cuối tháng 3/1975.

Chỉ mới trước đó có một tháng, hệ thống phòng thủ Vùng I được coi là hệ thống vững chắc nhất. Tư lệnh Vùng I và cũng là viên tướng được kính nể nhất của VNCH, Ngô Quang Trưởng, đã mất thật nhiều công sức và tâm huyết để huấn luyện, tăng cường và chuẩn bị cho quân đoàn của ông ta sau những trận đánh ác liệt của năm 1974. Quả thật là trước khi có cuộc rút lui bi thảm ở cao nguyên thì các đơn vị của Vùng I được kể là tinh nhuệ nhất của VNCH.

Lúc ấy, tại Vùng I có sư đoàn Dù và sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Cả hai đều là những bộ phận được quân VNCH đánh giá là “đại đơn vị thật ưu tú, gồm toàn những quân nhân tình nguyện và tất cả đều đầy kinh nghiệm tác chiến. Những cuộc thanh tra của quân lực VNCH đều đi tới kết luận rằng sư đoàn 1 là sư đoàn giỏi nhất của các sư đoàn chính quy VNCH”.

Binh sĩ VNCH tập trung tại đại nội Huế
Binh sĩ VNCH tập trung tại đại nội Huế

Sư đoàn 3 Bộ Binh tuy có bị chê bai nhiều sau kết quả tồi tệ của mùa hè năm 1972 nay đã phục hồi được tinh thần và tăng uy tín sau khi được chỉnh đốn, được bổ sung đầy đủ về nhân lực và lại được điều khiển bởi một viên tư lệnh quả cảm và nhiều uy tín trong mắt quân VNCH, đó là tướng Nguyễn Duy Hinh.

Sư đoàn 2 Bộ Binh tuy bị lãnh đạo tồi và bị thiệt hại nhiều nhưng đã được hai liên đoàn Biệt Động Quân (BĐQ) tăng cường nên tinh thần đã bớt sa sút.

Trước khi có cái lệnh rút lui lờ mờ nói trên đây thì các quân nhân của Quân đoàn I đã thi hành rất chính xác và nghiêm chỉnh kế hoạch phòng thủ của Trung tướng Ngô Quang Trưởng: Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) giữ Quảng Trị; sư đoàn 1 giữ một tuyến ở phía tây và phía nam gần vùng rừng núi để bảo vệ cố đô Huế; sư đoàn Dù giữ đèo Hải Vân và bảo vệ các tiền đồn ở phía tây Đà Nẵng; sư đoàn 3 chặn giữ các ngả vào Đà Nẵng từ phía nam; các đơn vị ở xa nhất về phía nam gồm cả các đơn vị thuộc sư đoàn 2, được bố trí quanh căn cứ Chu Lai.

Tướng Trưởng tin tưởng rằng 5 sư đoàn của ông ta có thể chặn bất cứ một cuộc tấn công nào của Quân Giải phóng (QGP) trong vùng gần khu phi chiến. Theo tính toán, dù cho QGP có tung các sư đoàn trừ bị chiến lược ra thì phía VNCH vẫn có thể tăng cường sự phòng thủ của mình bằng cách tập trung lực lượng dọc bờ biển.

Các cấp chỉ huy dưới quyền tướng Trưởng đã nhận được kế hoạch rút về 3 cứ điểm tại Đà Nẵng, Huế và Chu Lai nếu áp lực của QGP quá nặng. Tại 3 cứ điểm ấy, các đơn vị VNCH có thể cầm cự được cho tới khi được tiếp viện hoặc cho tới khi được triệt thoái bằng đường biển.

Lệnh lờ mờ, cấp thừa hành đành… suy đoán

Lúc QGP khởi đầu cuộc tấn công thì sự tin tưởng của tướng Trưởng vào các sư đoàn của VNCH có vẻ là sự tin tưởng đúng. Ngày 8 và 9/3, quân Dù và Địa Phương Quân đẩy lui được một cuộc tấn công của QGP ở phía đông quốc lộ 1 trong tỉnh Quảng Trị, trong khi Thủy Quân Lục Chiến bẻ gãy được một cuộc tấn công khác của QGP có cả xe tăng yểm trợ ở phía tây Huế. Vài ngày sau đó, sư đoàn 1 và sư đoàn 2 cùng đẩy lui được một số đợt xung phong của QGP định cắt đứt quốc lộ 1.  

Nhưng vào ngày 10 tháng 3, các kế hoạch có sẵn của tướng Trưởng đều chới với khi các trận đánh của QGP vào Ban Mê Thuột và vào phía tây Sài Gòn làm cho Nguyễn Văn Thiệu tin rằng mục tiêu của QGP là Sài Gòn.

Dựa theo ý kiến do Bộ Tổng Tham Mưu là nên tổ chức một lực lượng trừ bị để bảo vệ thủ đô Sài Gòn, Thiệu ra lệnh cho tướng Trưởng phải cho sư đoàn Dù sẵn sàng rời khỏi miền Trung trong vòng 3 tuần. Nhưng hai ngày sau, Thiệu đòi sư đoàn Dù phải trở về Sài Gòn ngay.

Binh lính và dân chúng chen chật cứng trên một tàu hải quân vào Nam
Binh lính và dân chúng chen chật cứng trên một tàu hải quân vào Nam

Khi tướng Trưởng yêu cầu tướng Cao Văn Viên can thiệp thì được biết là lệnh của Thiệu không thể thay đổi được nữa. Về sau, Cao Văn Viên cam đoan chắc với tướng Trưởng là sẽ thay thế sư đoàn Dù bằng một lữ đoàn TQLC mới được lập xong. Lúc ấy là ngày 12/3.

Lời hứa của tướng Viên không đủ mạnh nên tướng Trưởng vẫn còn lo ngại cho số phận của miền Trung. Ngày 13/3, ông ta về Sài Gòn gặp Thiệu để đích thân trình bày nhu cầu của Vùng I. Trong buổi họp này còn có mặt Cao Văn Viên, Đặng Văn Quang và một bộ mặt mới là tướng Nguyễn Văn Toàn (vừa được đổi từ một trung tâm huấn luyện về giữ chức tư lệnh Quân đoàn III).

Tướng Trưởng nói cho mọi người biết nguy cơ nếu rút sư đoàn Dù về Sài Gòn, không có sư đoàn Dù thì có thể sẽ mất Quảng Trị và Huế sẽ bị nguy.

Thiệu không muốn giải quyết các khó khăn của tướng Trưởng một cách trực tiếp. Thay vào đó, Thiệu lại giải thích kế hoạch “rút bỏ bớt lãnh thổ”. Tướng Trưởng rất ngạc nhiên khi nghe Thiệu nói rằng bây giờ, Thiệu sẵn sàng bỏ luôn cả các tỉnh phía bắc VNCH.

Thiệu giải thích rằng vì ngoại viện giảm và Mỹ sẽ không can thiệp cho nên phải rút các lực lượng về để bảo vệ Sài Gòn và tổ chức một lực lượng trừ bị chiến lược. Thiệu bảo tướng Trưởng rằng thà mất Vùng I và Vùng II còn hơn.

Tướng Trưởng không lay chuyển được Thiệu và Thiệu chỉ cho tướng Trưởng thêm 4 ngày nữa để bố trí lại các lực lượng trước khi sư đoàn Dù rút đi. Thiệu nói thêm rằng Đà Nẵng có thể cần phải được bảo vệ nhưng phần còn lại của Vùng I có thể sẽ phải bỏ trong cơn khủng hoảng này.

Mấy viên tướng có mặt trong buổi họp không muốn nói cho tướng Trưởng biết một tin xấu khác nữa là sau sư đoàn Dù thì đến lượt sư đoàn TQLC cũng sẽ rút đi. Cho nên khi trở về Vùng I, tướng Trưởng vẫn còn yên chí là vẫn còn có trong tay 4 sư đoàn.

Trở về Đà Nẵng, tướng Trưởng rất tức giận vì kế hoạch phòng thủ của ông ta đã bị phá vỡ. Khi họp với bộ tham mưu của Quân Đoàn I, tướng Trưởng chỉ trích quyết định của Thiệu và dọa sẽ từ chức. Nhưng sau đó ông ta lại suy tính xem còn có thể giữ được bao nhiêu lãnh thổ của Vùng I khi lực lượng bị chặt bớt như vậy.

Tướng Trưởng có thể đã chỉ trích các quyết định của Thiệu nhưng ông ta sẽ không trái lệnh của Thiệu. Vì lệnh của Thiệu về việc rút bỏ lãnh thổ rất lờ mờ và lệnh “tái phối trí” các đơn vị quân đội cũng lờ mờ cho nên tướng Trưởng không hiểu rõ Thiệu muốn gì. Do đó, ông ta ráng làm những gì mà ông ta cho là đúng, theo sự suy đoán của ông ta từ cái lệnh lờ mờ của Thiệu.

Chỉ vài ngày, dân số Đà Nẵng tăng… gấp đôi

Tướng Trưởng nói với tham mưu trưởng của ông ta là đại tá Hoàng Mạnh Đăng rằng ông ta được lệnh “rút bỏ phần lớn của Vùng I”, chỉ giữ lại Đà Nẵng, hải cảng và vùng phụ cận của Đà Nẵng. Tướng Trưởng ra lệnh tái phối trí tức khắc. Các sư đoàn mạnh là 1, 3 và TQLC thì dàn ra thành một vòng cung ở quanh hải cảng, trong khi sư đoàn 2 yếu hơn thì được giữ làm trừ bị.

Bước đầu tiên của tướng Trưởng là thay thế hầu hết các đơn vị của sư đoàn TQLC bằng lực lượng Địa Phương Quân. Trong nhiều ngày sau đó khi tướng Trưởng gặp Thiệu trong ngày 13/3, Địa Phương Quân được dùng làm lực lượng nghi binh mục đích làm cho QGP không đoán được sự triệt thoái của quân lực VNCH.

Cảnh tượng trên đèo Hải Vân cuối tháng 3/1975
Cảnh tượng trên đèo Hải Vân cuối tháng 3/1975

Cả 3 lữ đoàn của sư đoàn TQLC tới các vị trí mới. Lữ đoàn 369 TQLC chiếm đóng vị trí dọc con sông Bồ, ở ngay ranh giới bắc thành phố Huế, lữ đoàn 258 TQLC thay thế lữ đoàn Dù ở phía bắc đèo Hải Vân, và lữ đoàn 147 TQLC thay thế các đơn vị Dù ở các vị trí phía tây Đà Nẵng.

Hai liên đoàn Biệt Động Quân, mỗi liên đoàn 1.200 người, giữ khoảng trống lớn nhất ở tuyến phòng thủ phía bắc của Vùng I. Tướng Trưởng cũng ra lệnh chuyển đại pháo 175 ly (loại này rất nặng nề), xe tăng M-48 của Trung đoàn chiến xa số 20 và kho đạn từ Huế về Đà Nẵng.

Khi các đơn vị bắt đầu đổi vị trí thì một vấn đề làm cho tướng Trưởng nhức óc từ khi ông ta trở lại Vùng I là vấn đề gia đình binh sĩ. Binh sĩ rất quyến luyến với gia đình và trại gia binh được lập ở gần ngay các đơn vị. Khi chưa có chiến sự thì sự gần gũi gia đình có lợi cho tinh thần binh sĩ. Nhưng nếu chiến sự xảy ra thì có thể nguy hại cho các gia đình ấy.

Do đó, tướng Trưởng rất hài lòng về sư đoàn Dù và sư đoàn TQLC vì hai sư đoàn ấy đều để gia đình binh sĩ tại Sài Gòn. Ít có bịn rịn vì gia đình tại miền Trung. Tuy vậy, vì hai sư đoàn ấy có mặt lâu dài tại miền Trung nên lại nảy sinh một vấn đề tâm lý và tình cảm mới.

Đó là sự quyến luyến và tin cậy của người dân nơi hai đại đơn vị ấy. Cho nên khi hai sư đoàn ấy rút đi vào hạ tuần tháng 3/1975 thì một số người ở Quảng Trị và Huế bắt đầu bỏ về Đà Nẵng. 

Trong một vài trường hợp, chính các viên chức chính quyền còn khuyến khích người dân ra đi nữa. Ví dụ ngày 15/3, khi lữ đoàn 369 TQLC rút khỏi Quảng Trị thì tỉnh trưởng Quảng Trị là Trung tá Đỗ Kỳ gợi ý rằng công chức và quân nhân nên cho gia đình tản cư. Thoạt đầu thì chỉ có một số ít ra đi, đây là những người có của và gia đình của các công chức cao cấp.

Nhưng về sau khi chính những người nghèo cũng cảm thấy lo sợ khi nhìn những người khá giả ra đi. Thế là đoàn người càng ngày càng thêm đông. Đến ngày 18/3 thì quốc lộ 1 đưa tới đèo Hải Vân đã đầy thường dân chen chúc nhau. Chỉ trong vài ngày mà dân số Đà Nẵng tăng gấp đôi để lên tới gần một triệu người.

Theo lời yêu cầu của tướng Trưởng, thủ tướng Trần Thiện Khiêm bay ra Đà Nẵng vì tướng Trưởng nhận ra rằng Vùng I và Quân Đoàn I không có khả năng trợ giúp những người này. Sau khi nghe các giới chức trình bày kính thước của vấn đề dân tản cư, Trần Thiện Khiêm hứa sẽ gửi một ủy ban tới Đà Nẵng để đảm trách việc cứu trợ để quân đội có thể yên tâm lo việc đánh trận.

Sẽ có tàu dân sự tới để di tản gia đình binh sĩ và thường dân ra khỏi Đà Nẵng. Nhưng Khiêm cũng cho tướng Trưởng biết một tin xấu. Sẽ không có một lữ đoàn TQLC tới tăng cường như đã hứa với ông ta trước đó để thay thế cho sư đoàn Dù.

Chỉ đạo kiểu “sáng nắng chiều mưa”

Sau khi Trần Thiện Kiêm trở lại Sài Gòn, Thiệu gọi tướng Trưởng về họp tại Sài Gòn ngày 19/3/1975. Cũng như trong buổi họp trước, tướng Trưởng bắt đầu bằng phần trình bày tình hình Vùng I và ông ta phác họa các ngả đường để rút về Đà Nẵng.

Nhưng tướng Trưởng rất kinh ngạc khi thấy Thiệu bác bỏ kế hoạch triệt thoái của ông ta. Thiệu nói rõ ràng là tướng Trưởng đã hiểu sai các lệnh của mình. Thiệu nói rằng mặc dù trong buổi họp ngày 11/3, Thiệu có nói rằng Huế không quan trọng bằng Đà Nẵng nhưng Thiệu không đồng ý bỏ Huế.

Cuối tháng 1/1975, Thiệu còn đến Huế “úy lạo tinh thần” binh sĩ
 Cuối tháng 1/1975, Thiệu còn đến Huế “úy lạo tinh thần” binh sĩ

Nếu cần thì có thể bỏ Chu Lai chứ không thể bỏ Huế. Thiệu ra lệnh ngưng ngay việc tản cư Huế và ra lệnh cho truyền thanh một thông điệp thâu sẵn của mình vào ngày 20/3, trong đó Thiệu tuyên bố sẽ bảo vệ Huế “bằng bất cứ giá nào”.

Tại sao Thiệu lại ra cái lệnh ngược lại với cái lệnh của chính mình trước đó? Có một nguồn tin giải thích rằng vì nhận thấy việc ra lệnh rút bỏ cao nguyên rất tai hại nên Thiệu không dám rút bỏ thêm nữa. Nhưng theo phía Mỹ thì nhờ có máy nghe lén đặt ở văn phòng của Thiệu, cơ quan CIA biết rằng đã có hai nhân vật đến gặp Thiệu sau vụ rút khỏi cao nguyên.

Một người là Bùi Diễm, cựu đại sứ VNCH tại Mỹ, còn người kia là tướng Trần Văn Đôn (phó thủ tướng). Cả hai khuyến cáo Thiệu rằng nên một là từ chức, hai là phải làm một cái gì để lấy lại tinh thần cho miền Nam. Một cử chỉ “anh dũng” ví dụ lời tuyên bố giữ cố đô có thể sẽ nâng cao tinh thần.

Tuy ngạc nhiên về cái thứ lệnh tiền hậu bất nhất của Thiệu nhưng tướng Trưởng cũng nghĩ rằng “ở lại Huế để chiến đấu là điều tốt nhất”. Khi tướng Trưởng hỏi về tin đồn sẽ rút sư đoàn TQLC về Sài Gòn thì Thiệu cam đoan chắc với ông ta là không có điều đó, nhưng Trần Thiện Khiêm lại nói riêng với tướng Trưởng là đã có dự trù đưa sư đoàn TQLC về phía nam.

Với tinh thần dao động mạnh, tướng Trưởng trở lại Đà Nẵng buổi chiều ngày 19/3 để thấy tình thế ở đó ngày càng thêm tồi tệ. Pháo binh tầm xa của QGP đã bắn vào bản doanh tiền phương của Quân Đoàn I ở gần Huế.

QGP cũng đã bắt đầu nhận ra rằng Địa Phương Quân đang là nghi binh để quân chính qui của VNCH rút, cho nên QGP đã tung ra một lực lượng bộ binh thiết giáp vượt qua các đơn vị Địa Phương Quân để tiến tới phòng thủ gần nhất của quân VNCH lập ra dọc theo sông Mỹ Chánh, nửa đường tới Huế.

Trong khi đó, ở phía nam Huế, các đơn vị tiền phong của sư đoàn 324-B và 325-C của QGP đã tấn công vào sư đoàn 1 và liên đoàn 15 Biệt Động Quân ở gần quốc lộ 1.  

Buổi sáng ngày 20/3/1975, tướng Trưởng đáp máy bay tới bản doanh TQLC ở phía nam phòng tuyến Mỹ Chánh. Tại đây, ông ta nói với các cấp chỉ huy của Quân Đoàn I rằng Thiệu ra lệnh phải giữ Huế. Các sĩ quan tỏ vẻ vui mừng vì rốt cuộc, ít ra thì họ cũng nhận được một mệnh lệnh dứt khoát và cương quyết và họ đã sẵn sàng chiến đấu trong thế chuẩn bị hiện tại.

Tướng Trưởng, người chỉ huy quân đội VNCH tại Huế đầu năm 1975
Tướng Trưởng, người chỉ huy quân đội VNCH tại Huế đầu năm 1975

Đến 1h30 hôm ấy, người dân được nghe lời tuyên bố thâu băng của Thiệu qua đài phát thanh Huế rằng Huế sẽ được bảo vệ “bằng mọi giá”.

Nhưng đến buổi chiều cùng ngày, khi trở lại bản doanh quân đoàn, tướng Trưởng vô cùng ngạc nhiên nhận được lệnh không giữ Huế nữa. Một mật điện từ Sài Gòn gửi tới nói cho tướng Trưởng biết rằng Bộ Tổng Tham Mưu chỉ có phương tiện để yểm trợ một vùng cố thủ tại Vùng I, có nghĩa là tướng Trưởng phải lựa chọn để giữ lấy một vùng.

Tướng Trưởng suy diễn là Thiệu muốn phải rút về Đà Nẵng, vì Thiệu vẫn coi Đà Nẵng là thành phố quan trọng nhất ở miền Trung. Quả thật là lời lẽ trong mật điện rất mập mờ, như là thói quen của Thiệu từ lâu nay vẫn mập mờ. Dầu sao thì một mệnh lệnh cực kỳ quan trọng như vậy mà được soạn thảo bằng ngôn từ mập mờ thì chắc chắn phải đưa tới đại họa.

Thế là lại một lần nữa, tướng Trưởng tin rằng lệnh đã ra là phải rút về Đà Nẵng và quân lực VNCH không cần phải “tử thủ” để giữ Huế.

(Còn tiếp)

Đọc thêm