Nội trợ là việc của ai?

(PLVN) - Nhiều người nghĩ rằng bình đẳng giới là khi cả đàn ông và đàn bà đều có thể làm công việc nội trợ. Như vậy, căn nguyên xuất xứ của suy nghĩ này cho rằng nội trợ là công việc của riêng phụ nữ và một khi người đàn ông cũng xắn tay tham gia vào, ấy là khi bình đẳng giới đã được thực thi. Có phải vậy?  
Hình minh họa
Hình minh họa

Những câu chuyện

Một người đàn ông sau một thời gian lăn lộn thương trường đã tích lũy được độ 5-6 cái nhà ở các quận trung tâm thành phố. Anh cho thuê mỗi tháng thu về hơn trăm triệu, quyết định lui về chấm dứt mọi việc kinh doanh và dành hết thời gian cho gia đình. Buổi sáng anh dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng cho vợ con, chở hai con đi học. Sau đó trên đường về, anh ghé chợ mua thức ăn, về nhà chế biến bữa cơm trưa, nấu cơm rồi lại đi đón con về ăn trưa, chở con đi học buổi chiều.

Tiếp đến, anh dọn dẹp nhà cửa tinh tươm sạch sẽ, chuẩn bị bữa ăn tối để khi vợ con bước vào nhà là đã có sẵn mâm cơm nóng, canh ngọt cho bữa tối của gia đình. Lâu lâu cao hứng lại mời bạn bè thân về nhà chiêu đãi những món ăn do chính tay anh chế biến.

Gần như vợ con anh không phải đụng tay vào bất cứ việc gì trong nhà vì anh đã làm quá tốt vai trò “ông nội trợ”. Thu nhập thụ động từ việc cho thuê nhà của anh mỗi tháng cũng xấp xỉ gần trăm triệu đồng. Anh vẫn là người đảm bảo nguồn kinh tế của gia đình. 

Mọi chuyện cứ thế trôi qua êm đềm nếu không có sự cố con anh phải khai sơ yếu lý lịch đầu năm lớp 10 để nộp cho cô giáo. Đến phần nghề nghiệp của cha, con gái anh hỏi nghề nghiệp của bố là gì để con ghi vào, anh điềm nhiên trả lời: “Bố làm nội trợ!”.

Cô con gái giãy nảy phản ứng quyết liệt, dứt khoát không chịu ghi như thế vì: “Mọi người sẽ nhìn con ra sao khi biết bố chỉ là nội trợ?”. Đến lượt vợ anh cũng bày tỏ mong muốn chồng phải đi làm trở lại, phải ra ngoài cuộc sống, làm ở một công ty nào đó hoặc kinh doanh một cái gì đó. Đơn giản chỉ vì “mỗi lần bạn bè em hỏi ông xã làm gì không lẽ lại trả lời anh làm nội trợ, nghe nó kỳ lắm!”.

Phụ nữ rất cần nam giới chia sẻ việc nhà
Phụ nữ rất cần nam giới chia sẻ việc nhà

 Một người phụ nữ kể câu chuyện của mình trên diễn đàn phụ nữ rằng cách đây hai hôm chị chứng kiến một người mà chị luôn ngưỡng mộ là người học cao biết rộng, nhân cách đàng hoàng nói một câu về vợ ông ta: "Đấy là nó còn ăn bám mình chứ không thì không biết thế nào". Vợ người đàn ông này cũng là người có học hành, hiểu biết đàng hoàng nhưng vì sự nghiệp của chồng chị tự nguyện lùi về lo cho gia đình.

Người phụ nữ kể lại trên diễn đàn rằng sau câu nói đó, thần tượng trong lòng chị đã sụp đổ. Và chị đặt câu hỏi là: “Không biết tất cả đàn ông trên thế gian này có nghĩ như người đàn ông kia rằng vợ làm nội trợ có nghĩa là vợ ăn bám mình hay không?”. Câu hỏi của chị không nhận được trả lời nào chắc chắn mà thay vào đó chỉ là sự lo lắng từ nhiều phụ nữ khác bởi phần đông họ cũng là bà nội trợ, kể từ khi sinh con đến giờ vì lời yêu cầu từ chồng bỏ việc để ở nhà chăm con, lo gia đình. 

Những quan điểm

Cần biết rằng nhiều người, kể cả ngay chính những người phụ nữ nghĩ rằng  nội trợ là một việc làm phụ, dễ làm, chủ yếu dành cho phụ nữ hoặc những người không thể tìm được một công việc nào đó trong xã hội.  Hay nói cách khác, họ coi việc làm nội trợ không phải là một nghề nghiệp chuyên biệt và đặc biệt là những người thành đạt thì không ai làm nội trợ cả. 

Nhưng nếu nhìn công việc nội trợ một cách khoa học tổng quát, chúng ta có thể nhận ra nội trợ thực chất là một nghề nghiệp đòi hỏi trình độ chuyên môn rất cao. Để làm được một người nội trợ đúng nghĩa không hề dễ dàng chút nào.

Nghề nội trợ đòi hỏi người làm nghề phải có kiến thức về quản lý kinh tế - chi tiêu hợp lý; có kiến thức về quản trị để sắp xếp 1.001 việc không tên mỗi ngày một cách hợp lý để giải quyết với khoảng thời gian ngắn nhất; đòi hỏi kiến thức về tâm lý để có thể xử lý những tình huống xảy ra giữa các thành viên trong gia đình; đòi hỏi kiến thức về giáo dục để dạy dỗ con cái... 

Một trong những nguyên nhân gây già hóa nhanh ở đất nước Nhật Bản là do phụ nữ đã bắt đầu có nguyên vọng đi làm thay vì ở nhà nội trợ, đẻ con như họ vẫn làm trước kia (trước năm 1986, khi chính quyền Nhật Bản chưa ban hành đạo luật "Cơ hội việc làm bình đẳng", phụ nữ Nhật thường bị ngăn cản khi có ý định đi làm kiếm tiền).

Phụ nữ Nhật Bản quyết định như vậy không phải vì họ không còn thấy việc ở nhà nội trợ, làm mẹ hấp dẫn nữa, mà do thiếu sự ủng hộ, hợp tác của những người chồng. Theo một khảo sát vào năm 2006, đàn ông Nhật chỉ dành khoảng 1 giờ mỗi tuần để chăm sóc con cái, còn ở phụ nữ thì con số này lên tới 30 đến 40 giờ mỗi tuần. Một lý do khác nữa là phụ nữ Nhật muốn san sẻ gánh nặng gánh vác kinh tế gia đình với chồng.

Song song với việc phụ nữ Nhật đi làm kiếm tiền thì đàn ông Nhật nhiều người bắt đầu chọn trở thành “chồng nhà” (ở nhà làm nội trợ). Cho dù trong xã hội Nhật việc trở thành một người đàn ông nội trợ sẽ được nhìn nhận như một điều vô cùng bất thường và đáng xấu hổ. Thậm chí người Nhật còn có một thuật ngữ riêng chỉ những người đàn ông ở nhà nội trợ để vợ đi làm là “himo” (sợi dây trói buộc), ám chỉ đến sự phụ thuộc tài chính vào người vợ của họ.

Những năm gần đây, số lượng đàn ông Nhật Bản hoặc san sẻ việc nhà cũng như việc chăm sóc con cái với vợ mình hoặc chọn trở thành “chồng nhà” để vợ yên tâm làm việc ngày càng gia tăng. Giới truyền thông cũng đóng vai trò rất lớn trong cuộc cách mạng này khi những hình ảnh của đàn ông làm nội trợ xuất hiện khắp nơi trên các mặt báo, chương trình truyền hình và kể cả các bộ phim dài tập.

Trước đây, khi được hỏi về quan điểm của mình đối với những ông bố làm việc nhà, nữ sinh tại Trường Đại học Ochanomizu, Nhật Bản đã nói rằng, theo họ đàn ông như vậy vô cùng thiếu hấp dẫn. Tuy nhiên, khi khảo sát lại nhóm người này vào thời điểm hiện tại, một nửa trong số họ nói rằng họ đang tìm kiếm bạn đời là những người "chồng nhà". 

Đọc thêm