Oái ăm làng trồng mía... mặn không nuốt nổi

(PLO) - Bà Nguyễn Thị Tự (người dân trong xã) cho biết, ở làng này, có lúc cây cỏ không thể mọc nổi chứ đừng nói gì đến lúa. Mấy hộ sống ở ven đồng trồng được cây mía, mừng lắm, đến khi chặt ăn thì mặn không nuốt nổi.
Mặc dù biết nghề ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nhưng người dân nơi đây vẫn bám trụ kiếm sống với nghề ô nhiễm.
Mặc dù biết nghề ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nhưng người dân nơi đây vẫn bám trụ kiếm sống với nghề ô nhiễm.

Gần chục năm qua, người dân làng Thụy Ứng (xã Hòa Bình, Thường Tín, Hà Nội) phải sống trong môi trường ô nhiễm trầm trọng từ các cơ sở chế biến xương, sừng, da trâu, bò. Đã có những giải pháp được đưa ra nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Làng nấu canh không cần cho muối

Không thể phủ nhận nghề chế biến xương, sừng trâu, bò có thâm niên từ hàng trăm năm tại xã Hòa Bình đã giúp không ít hộ dân Thụy Ứng ăn nên làm ra. Tuy nhiên, xét từ góc độ môi trường thì hệ quả của nghề này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân, khiến các hộ dân trong vùng bức xúc.

Chúng tôi đến xã Hòa Bình, được tận mắt chứng kiến mương máng, cống rãnh, ao hồ, đâu đâu cũng thấy một màu nước đen kịt, nhiều người không khỏi rùng mình vì mùi nồng nặc, hôi thối bốc lên khắp nơi.

Theo một người có thâm niên với nghề ủ da trâu bò thì họ thường đi thu mua nguyên liệu (da, sừng, xương, móng trâu, bò) ở khắp nơi về chế biến. Da trâu, dabò sau khi thu gom về được ướp với muối, ủ lại, chờ đến khi đủ số lượng các thương lái sẽ thu mua. Số lượng có khi lên đến hàng chục tấn. Các loại xương và sừng, móng cũng được rửa sạch, phơi khô để làm lược, đồ thủ công mỹ nghệ.

Quá trình ủ da trâu, bò diễn ra trong nhiều ngày khiến không khí xung quanh quánh đặc một thứ mùi nồng nặc. Nghiêm trọng hơn, nước thải từ các hộ kinh doanh theo cống thải trực tiếp xuống ruộng khiến hàng chục héc ta không thể canh tác được. 

Bà Nguyễn Thị Tự (người dân trong xã) cho biết, ở làng này, có lúc cây cỏ không thể mọc nổi chứ đừng nói gì đến lúa. Mấy hộ sống ở ven đồng trồng được cây mía, mừng lắm, đến khi chặt ăn thì mặn không nuốt nổi.

Còn theo bà Nguyễn Thị Khương (68 tuổi), nước uống, nấu ăn, gia đình phải lấy từ nước sạch mua theo bình từ nơi khác về, nước sinh hoạt thì đào sâu tận 70-80m mới dám sử dụng vì nếu khoan cạn, nước vừa mặn lại có mùi hôi. Nhiều ngày, nhất là vào mùa hè nhà bà phải đóng cửa.

“Nước muối cứ thế xả ra ngoài, mặn chả thứ gì sống được, đến tường gạch còn phải mục, đổ thì nói gì đến cây cối, có khi dân nấu canh khỏi cần cho muối cũng nên” — một người dân địa phương chia sẻ.

Ngoài ra, để tạo ra một chiếc lược bằng sừng thì phải thực hiện hơn 20 công đoạn, đa số những nhân công đảm nhận các công đoạn đều tạo ra nhiều mùn sừng như ép tạo phôi, chà dáng, cắt răng… Mỗi công đoạn sẽ cho ra lượng bụi lớn, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường.

Vừa chà dáng lược, ông Nguyễn Văn Thọ vừa nói: “Trong quá trình sản xuất lược sẽ tạo ra những mùn sừng, nếu mùn dính nước mưa mà không được quét dọn ngay thì chỉ ba ngày sau sẽ bốc mùi hôi thối. Theo thời gian, mùn sừng tích tụ lại gây ô nhiễm không khí, đất, nước, tiếng ồn đang từng ngày “bức tử” môi trường sống của người dân nơi đây”.

Bao giờ người dân hết khổ?

Theo Phòng Y tế xã Hòa Bình, tỷ lệ người dân tại Thụy Ứng và các khu vực lân cận bị nhiễm các bệnh về hô hấp và da liễu đang tăng lên đáng kể. Đáng báo động, vài năm gần đây có tình trạng một số người chết trẻ (dưới 50 tuổi) vì bệnh nan y. 

“Đa số các chủ xưởng biết là ô nhiễm nhưng vì nghề đem lại thu nhập khấm khá nên họ vẫn phải duy trì, chỉ khổ người dân trước nguy cơ bệnh dịch vì ô nhiễm trầm trọng. Hiện nhiều gia đình sợ ô nhiễm nguồn nước nên phải đi mua nước sạch về ăn” - một người dân bức xúc cho biết.

Mặc dù chính quyền địa phương đã cung cấp các văn bản về bảo vệ môi trường, tuyên truyền trên loa truyền thanh về mức độ tác hại của ô nhiễm làng nghề nhưng các hộ làm nghề mới chỉ có những giải pháp đơn giản như xây hầm chứa bụi, làm ống thoát khí, đeo khẩu trang, găng tay khi sản xuất, xây bể lắng chất thải, khơi thông cống rãnh, thu gom chất thải về nơi qui định.

Tuy nhiên, những giải pháp đó chỉ mang tính tạm thời, thiếu đồng bộ nên hàng ngày 4.000 nhân khẩu của Thụy Ứng và hàng nghìn người ở các địa bàn lân cận vẫn đang phải chịu cảnh ô nhiễm, vẫn phải hít bụi từ các cơ sở sản xuất gỗ phíp có hóa chất, từ bụi trai, bụi sừng… 

Ông Đỗ Văn Bình — cán bộ địa chính xã Hòa Bình cho biết: “Phát triển làng nghề luôn có hai mặt, một mặt mang lại đời sống khấm khá cho người dân, mặt khác lại dẫn đến ô nhiễm môi trường. Thấu hiểu được nỗi khổ của người dân, chính quyền xã đã thực hiện biện pháp quy hoạch làng nghề, nghĩa là yêu cầu các hộ sản xuất da, xương trâu, bò chuyển ra một khu riêng biệt, xa khu dân cư. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời, vì vậy chính quyền xã đề nghị các cấp có thẩm quyền chung tay hỗ trợ xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải làng nghề để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường”.

Đọc thêm