Tăng cường bảo hiểm xã hội đối với lao động di cư

(PLO) -Đó là đề xuất của PGS.TS Trần Thị Thúy Lâm – Trưởng bộ môn Luật Lao động, Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội, để mở rộng diện bao phủ BHXH, bảo đảm thu nhập cho người lao động nói chung, lao động di cư nói riêng nhằm bảo đảm quyền an sinh xã hội.
 
Ảnh minh họa: Trần Việt
Ảnh minh họa: Trần Việt

Nhiều lao động di cư vẫn “lọt lưới” an sinh

Theo PGS.TS. Trần Thị Thúy Lâm, xét về phương diện bao phủ, BHXH đã hướng tới việc thực hiện BHXH cho mọi người lao động (NLĐ) kể cả lao động di cư tự do. Đối với các lao động tham gia quan hệ lao động trong các đơn vị sử dụng lao động (đối với một thời hạn nhất định) tham gia BHXH ở hình thức BHXH bắt buộc, còn đối với các lao động tự do tham gia BHXH ở hình thức BHXH tự nguyện.

Như vậy, BHXH đã hướng tới sự bao phủ ở các khu vực lao động khác nhau bao gồm cả khu vực lao động chính thức (khu vực kết cấu) và khu vực lao động không chính thức (phi kết cấu). Đến năm 2018 về mặt chính sách, có thể thấy BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện đã bao phủ toàn bộ lực lượng lao động. Điều đó chứng tỏ quyền an sinh xã hội trong việc bảo vệ thu nhập thông qua BHXH về cơ bản đã được áp dụng đối với mọi người lao động.

Bên cạnh đó, BHXH bắt buộc với các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất đã hướng tới việc bảo đảm thu nhập cho người lao động trong quá trình người lao động tham gia quan hệ lao động (như ốm đau, chế độ thai sản, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), khi người lao động bị gián đoạn quan hệ lao động do mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng (chế độ bảo hiểm thất nghiệp) và ngay cả khi người lao động không còn quan hệ lao động nữa (chế độ hưu trí và tử tuất). Điều đó cho thấy bảo đảm thu nhập cho người lao động thông qua BHXH được thực hiện tương đối lâu dài và ổn định, xuyên suốt quá trình lao động của người lao động, đáp ứng mục tiêu của an sinh xã hội.

Mặt khác, xét về tốc độ gia tăng số người tham gia BHXH tự nguyện cho thấy từ năm 2013 trở lại đây tốc độ này có chiều hướng suy giảm. Đây là vấn đề cần xem xét bởi BHXH tự nguyện chủ yếu áp dụng cho lao động di cư tự do và đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Ngoài ra, thực tế hiện nay tình trạng gia tăng BHXH một lần ngày càng nhiều khiến cơ hội hưởng lương hưu ngày càng ít đi. Trong một vài năm gần đây, thay vì chờ đủ độ tuổi hưởng lương hưu, người lao động lại đăng ký nhận BHXH một lần. Số lượng hưởng BHXH một lần sẽ thường rơi vào nhóm lao động di cư, bởi sau một thời gian làm việc ở thành phố, lao động di cư lại quay về nông thôn sinh sống. Tình trạng này sẽ dẫn đến hiện trạng ngày càng nhiều người sẽ lọt khỏi lưới an sinh và mất chỗ dựa về già, như vậy mục tiêu đảm bảo thu nhập của người lao động thông qua BHXH của an sinh xã hội sẽ không đạt kết quả như mong muốn và chúng ta khó có thể đạt được mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 22/11/2012 về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020. 

Hướng đến nguyên tắc chia sẻ để mở rộng diện BHXH

Để mở rộng diện bao phủ BHXH để bảo đảm thu nhập cho người lao động nói chung, lao động di cư nói riêng, nhằm bảo đảm quyền an sinh xã hội, PGS.TS. Trần Thị Thúy Lâm đưa ra một số đề xuất. Trong đó, đề xuất thứ nhất là cần hướng đến nguyên tắc chia sẻ trong chế độ BHXH dài hạn, đặc biệt là chế độ hưu trí. Trong BHXH có hai nguyên tắc cơ bản là đóng hưởng và chia sẻ giữa những người tham gia BHXH.

Tuy nhiên, trong pháp luật BHXH Việt Nam hiện hành, hai nguyên tắc này mới được thực hiện đối với chế độ bảo hiểm ngắn hạn. Trong chế độ BHXH dài hạn (hưu trí và tử tuất), chủ yếu là chúng ta đang áp dụng nguyên tắc đóng hưởng, nguyên tắc chia sẻ chưa được thực hiện triệt để. Tuy nhiên, chế độ BHXH hưu trí và tử tuất cũng là chế độ của BHXH và hướng tới mực tiêu an sinh xã hội nên cũng cần phải hướng tới nguyên tắc chia sẻ. 

Thứ hai, để mở rộng diện bao phủ các đối tượng tham gia BHXH cũng như khuyến khích NLĐ tham gia BHXH, thiết nghĩ cần điều chỉnh lại quy định về thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cho NLĐ có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm cũng vẫn được hưởng lương hưu kết hợp với công thức tính lương hưu nhằm đảm bảo khả năng bền vững quỹ BHXH. Điều này sẽ khuyến khích NLĐ tham gia BHXH lâu dài và hạn chế được tình trạng NLĐ rút thưởng BHXH một lần.

Thứ ba, điều chỉnh chính sách theo hướng có lộ trình hạn chế việc hưởng BHXH một lần trong trường hợp chưa hết tuổi lao động. Cụ thể tăng dần thời gian bảo lưu đóng BHXH (mỗi năm tăng thêm 1 năm cho đến khi sau bảo lưu 5 năm) mới được quyền đề nghị hưởng BHXH một lần. Thực hiện chính sách này sẽ khiến một lượng không nhỏ NLĐ vẫn sẽ tiếp tục tham gia BHXH.

Thứ tư, đơn giản thuận tiện hơn nữa quy trình thủ tục tham gia, thụ hưởng BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng để thu hút người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Thực tiễn thực hiện ở nhiều nước đã chứng minh rất rõ vấn đề này. Trong điều kiện hệ thống ngân hàng, viễn thông Việt Nam đang phát triển, thuận tiện, việc thu và hưởng BHXH (đặc biệt đối với BHXH tự nguyện) hoàn toàn có thể thực hiện thông qua kênh này.

Hy vọng rằng với chính sách an sinh xã hội nói chung và BHXH nói riêng ngày càng được mở rộng, cuộc sống của NLĐ mà đặc biệt là lao động di cư từ nông thôn ra thành thị sẽ ngày càng được ổn định và phát triển bền vững.

Đọc thêm