Thành “yêu râu xanh” do hành vi phản cảm của bố mẹ

(PLO) - Các bậc cha mẹ nghĩ sao nếu con cái mình vẫn thường được cho là rất non nớt cũng có thể là thủ phạm của vấn nạn quấy rối tình dục trong trường học?. Và hẳn hết thảy phụ huynh không nghĩ rằng hành vi không đẹp đó của con trẻ lại có một phần nguyên nhân từ họ.
Nam sinh, nữ sinh phải chứng kiến bạo lực gia đình sẽ dễ trở thành nạn nhân, thủ phạm của nạn quấy rối tình dục trong trường học
Nam sinh, nữ sinh phải chứng kiến bạo lực gia đình sẽ dễ trở thành nạn nhân, thủ phạm của nạn quấy rối tình dục trong trường học

Muôn kiểu quấy rối tình dục bạn học

Thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều học sinh nữ bị quấy rối tình dục tại trường học. Ngày 1/3 thầy giáo D.A.T dạy môn Vật lý của Trường THCS Nguyễn Trãi (Châu Đốc, An Giang) bị học sinh tố có hành động dâm ô ngay trong lớp học, rồi nhiều học sinh nữ ở Trường Tiểu học bán trú La Pán Tẩn (xã La Pán Tẩn, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) bị bảo vệ trường có các hành vi quấy rối, lạm dụng suốt 3 năm.

Thông tin trên đã phần nào mặc định hành vi quấy rối tình dục trong trường học chỉ đến từ người lớn mà cụ thể là giáo viên, cán bộ nhà trường. Nhưng kết quả khảo sát của Tổ chức Plan về mô hình trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng thực hiện năm 2014 đã cho thấy một sự thật bất ngờ.

Khảo sát được thực hiện 2.943 học sinh bao gồm 1.449 học sinh nam và 1.494 học sinh nữ từ 30 trường học THCS và THPT cả ở khu vực thành thị và nông thôn của Hà Nội cho thấy 19% học sinh từng bị quấy rối tình dục, 10% học sinh từng bị bạo lực tình dục trong đó 81% là trẻ em gái; 17% học sinh từng bị cưỡng hôn, 20% học sinh từng bị động chạm không mong muốn…

Một học sinh nữ lớp 6 đã chia sẻ với cán bộ điều tra rằng, khi các bạn nữ xếp hàng để mua đồ, các bạn nam thường tận dụng cơ hội này để sờ hoặc vỗ vào mông các bạn nữ. Mặc dù các bạn nam không được phép sờ vào cơ thể bạn nữ nhưng họ vẫn làm. Phần lớn những lúc như vậy, bạn nữ không thể làm gì ngoài khóc.

Người Việt Nam thường không coi lời nói là cũng là biểu hiện của quấy rối tình dục, nên rất nhiều người thường xuyên buông những lời rất khả ố để trêu chọc người khác phái. Thói quen này cũng được học sinh mang vào trường học.

Tại trường, các em học sinh nữ thường bị trêu chọc bằng lời nói từ các nam sinh như: “Này, cô nàng nóng bỏng ơi!”; “Chân dài ơi, mắt sắc ơi”… Học sinh nữ tuy không thích nghe những lời này nhưng cũng không dám phản ứng vì sợ bị đánh giá là kiêu, thậm chí nặng nề hơn sẽ bị tẩy chay, hành hung.

Thành “yêu râu xanh” vì cha mẹ

Cũng như các hành vi bạo lực giới ở trường học khác, quấy rối tình dục cũng để lại những hậu quả về tâm lý rất nặng nề cho nạn nhân đặc biệt là với nữ sinh. 33% học sinh bị quấy rối và xâm hại tình dục báo cáo các em không chịu ảnh hưởng gì sau khi trải nghiệm bạo lực này; 24% báo cáo hậu quả là các em không thể tập trung học hành; 15% thấy buồn hoặc trầm cảm sau khi trải nghiệm và 13% sợ đến trường; 24% báo cáo các em phải tránh né thủ phạm khi ở trường.

Nghiêm trọng hơn, hậu quả của việc bị quấy rối và xâm hại tình dục là có 2% học sinh nói các em muốn tự tử. Năm 2013, một nữ sinh ở huyện Thạch Thất, Hà Nội đã tự tử vì bị các bạn ghép ảnh đăng trên facebook.

Đọc di thư của nữ sinh này để lại mới thấy vấn nạn quấy rối tình dục và bạo lực tinh thần trong trường học là thật sự nguy hiểm: “Hôm đi học thêm Toán, thằng H. nó lấy ảnh cháu về nó đi ghép linh tinh, cháu bảo nó bỏ mà nó không bỏ. Nó bảo nó đăng lên facebook của lũ con trai của lớp. Thằng Đ. thấy thế đăng lên facebook của cả lớp xem được. Cháu bực mình gây sự thế là cả lớp thích chí càng trêu hơn. Cháu dọa là cháu sẽ chết vì bức ảnh đó nhưng bọn nó bảo cháu chết luôn đi cho bọn nó ăn mừng. Thế là cháu làm liều”.

Tại sao nhiều em khi bị bạo lực giới nói chung và quấy rối tình dục nói riêng trong trường học lại chọn cái chết thay vì tìm đến cha mẹ, thầy cô. Trả lời câu hỏi này, nhiều phụ huynh cho rằng bởi việc quấy rối và xâm hại tình dục không có hậu quả nghiêm trọng (!) và đứa trẻ thấy xấu hổ khi nói về điều đó, thậm chí với cả cha mẹ.

“Ví dụ như các bạn nam, các bạn nữ động chạm vào những chỗ tế nhị của nhau thì khi xảy ra tương đối lớn hoặc là nó không thể chịu được nữa thì lúc đó nó mới bột phát ra thôi. Còn để nhà trường, hoặc bạn bè hoặc xã hội mà biết được thì tự nhiên cái vấn đề đó khác hẳn đi, và nó cũng đánh vào cái suy nghĩ của con trẻ cũng khác hẳn đi” - một phụ huynh đã trả lời cán bộ điều tra của Tổ chức Plan như thế.

Bên cạnh sự thờ ơ của các bậc cha mẹ trước vấn nạn quấy rối tình dục trong trường học thì hết thảy phụ huynh đều không nghĩ rằng hành vi không đẹp đó của con trẻ lại có một phần nguyên nhân từ họ. Nhưng đó lại là sự thật.

Kết quả điều tra mối tương quan giữa trải nghiệm bạo lực và các yếu tố nhân khẩu học của Tổ chức Plan đã cho thấy, nam sinh đã từng chứng kiến bố đánh mẹ thường xuyên có trải nghiệm quấy rối và xâm hại tình dục cao hơn 2,28 lần so với người khác, có nghĩa là những em này sẽ dễ dàng thực hiện những hành vi quấy rối hơn.

Nữ sinh thường chứng kiến cha đánh mẹ cũng có khả năng bị quấy rối và xâm hại tình dục 5,31 lần cao hơn học sinh chưa bao giờ chứng kiến bố đánh mẹ vì em cho rằng điều đó là bình thường và là phụ nữ thì phải chịu những điều đó. 

19 % học sinh (cả nam sinh và nữ sinh) đã trải nghiệm việc bị quấy rối tình dục. Học sinh phản ánh hình thức quấy rối và xâm hại tình dục phổ biến nhất là bị huýt sáo hoặc làm điệu bộ trêu ghẹo, chiếm 13%. Đứng thứ hai ở mức phổ biến là có người đưa ra những lời lẽ/bình luận liên quan đến tình dục (5%), tiếp theo là những động chạm cơ thể hoặc bộ phận sinh dục, vuốt ve khi em không muốn (4%).

Một vài học sinh từng bị cưỡng ép quan hệ tình dục (0,4%), tung tin đồn các vấn đề liên quan đến tình dục (2%), bị gạ gẫm tình dục (1%), bị cho xem hình ảnh/phim khiêu dâm (3%). Nhiều học sinh ở thành thị (21%) so với học sinh nông thôn (15%), nhiều học sinh trung học (23%) so với học sinh phổ thông cơ sở (16%) báo cáo đã trải nghiệm quấy rối và xâm hại tình dục.

Đọc thêm