Thí sinh chỉ thi tốt nghiệp không nên quá hoang mang

(PLO) - Chỉ còn một tháng nữa là học sinh cả nước bước vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015. Năm nay, do tính chất của kỳ thi có khác nên những học sinh chỉ thi tốt nghiệp có phần thiệt hơn so với các học sinh có nhu cầu xét tuyển đại học, cao đẳng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Miền núi vất vả với thí sinh chỉ thi tốt nghiệp
Bà Vũ Thị Bích Việt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2015, cụm thi địa phương do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì gồm 4.054 thí sinh (TS - có 49 TS tự do); số TS dự thi tại cụm thi do Trường ĐH Tân Trào chủ trì là 6.660 (có 1.247 TS tự do). 
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Tuyên Quang đã trực tiếp đến các trường THPT đối thoại với học sinh, phụ huynh để hướng dẫn và  giải đáp các khó khăn, vướng mắc của giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh các trường về kỳ thi THPT quốc gia như: chọn môn thi (môn thi để xét công nhận tốt nghiệp, môn thi trong số tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng - ĐH, CĐ), cụm thi, tổ chức ôn thi, đăng ký dự thi, điểm xét tốt nghiệp, cách thức xét tuyển sinh ĐH, CĐ... 
Đến thời điểm hiện tại, Tuyên Quang đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ coi thi, chấm thi; tư vấn, định hướng giúp học sinh lựa chọn môn thi, cụm thi, ôn tập phù hợp, bảo đảm đúng năng lực, nguyện vọng của học sinh. 
Bà Việt cho biết, ở Tuyên Quang, khoảng cách từ nơi ở của các TS tham gia cụm thi địa phương đến các điểm thi trung bình khoảng 20-35km, thậm chí Trường THPT Yên Hoa (Na Hang) cách trung tâm thị trấn Na Hang 50km, đã được tổ chức một điểm thi riêng với 160 TS. Ngoài ra, học sinh ở Trung Sơn cũng phải di chuyển 50km ra thành phố để dự thi tại điểm thi là Trường THPT Nội trú. 
Còn tại Hà Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Vũ Văn Sử cho biết, toàn tỉnh có 4.016 TS đăng ký dự thi tại cụm địa phương, chiếm 62% tổng số TS dự thi năm nay. Khoảng cách xa nhất mà TS phải di chuyển đến điểm thi do tỉnh tổ chức là 40km. Với các TS ở xa điểm thi, huyện sẽ bố trí xe đưa đón. Như vậy, so với những TS vừa xét tuyển ĐH, vừa xét tốt nghiệp thì TS chỉ xét tốt nghiệp năm nay vất vả hơn những năm trước, phụ huynh lo lắng hơn do con em phải di chuyển xa nhà để thi. 
Chính vì vậy, trong chuyến công tác vừa qua tại Tuyên Quang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo các địa phương cần quan tâm đặc biệt đến đối tượng TS thi tại cụm địa phương. Vì mọi năm, các em chỉ cần thi tốt nghiệp THPT tại trường, “do đó, thi nghiêm túc nhưng không được gây khó khăn cho gia đình. Các địa phương cần hỗ trợ học sinh ăn, ở trong những ngày diễn ra kỳ thi”. 
Đề thi sẽ có hai phần: khó và dễ
Tại Hà Nội, các trường đã và đang gấp rút cho học sinh tập dượt qua những đợt thi thử. Bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) cho biết, trường đã tổ chức nhiều vòng thi thử giúp học sinh tiếp cận và tích lũy được nhiều kỹ năng làm bài thi với quy trình, cách thức ra đề dựa vào đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT. Cao điểm của đợt ôn tập của trường này sẽ tập trung trong tháng 6 và kết thúc bằng kỳ thi thử vào cuối tháng. 
Tại Trường THPT Lương Thế Vinh, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường cho biết, trường đã tổ chức 3 vòng thi thử với rất đông học sinh tham gia. Theo PGS Văn Như Cương, việc thi thử cũng giúp học sinh ổn định phong cách làm bài thi, tránh những sai sót về kỹ thuật làm bài và rút ra những điểm yếu của bản thân khi đối chiếu đáp án. 
Tuy nhiên, PGS Văn Như Cương cũng cảnh báo, việc thi thử cần hết sức thận trọng vì phải đảm bảo đề thi thử càng giống đề thi thật càng tốt. Rõ ràng, nếu chất lượng đề thi thử không đáp ứng yêu cầu sẽ không đánh giá đúng năng lực của học sinh. Khó quá hay dễ quá cũng đều ảnh hưởng không tốt tới tâm lý học sinh.
Ở góc độ khâu tổ chức thi cử, Giám đốc Sở GD-ĐT Tuyên Quang Hoàng Văn Thinh cho biết, dư luận băn khoăn liệu hai cụm thi có công bằng cho TS không? Nhưng theo ông Thinh, vấn đề đó không đáng lo ngại. Vì hai cụm thi nhưng thực hiện một quy chế, cùng một đề thi, mức độ nghiêm túc như nhau. “Chúng tôi ở cơ sở rất lo, nếu không nghiêm túc, sang năm sẽ không dạy được học sinh” -  ông Thinh chia sẻ.  
Trước một số ý kiến liên quan đến độ khó và kết cấu của đề thi minh họa, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh cho biết ngay sau khi đề thi minh họa đưa lên mạng, Cục đã có bộ phận phân tích chi tiết, cụ thể trên tinh thần tiếp thu nghiêm túc để chỉnh sửa, làm sao tạo thuận lợi nhất cho TS với cấu trúc đề thi gồm khối câu hỏi cơ bản và khối câu hỏi nâng cao. 
“Điều kiện xét tốt nghiệp cho các em năm nay không chỉ có điểm trung bình 4 môn thi (50%) mà còn tính cả điểm trung bình của học sinh trong năm lớp 12 (50%), ngoài ra còn điểm khuyến khích theo đối tượng, theo khu vực. Vì vậy, các em học sinh, phụ huynh không nên quá lo lắng” - ông Trinh cho biết. 
Đề thi sẽ phân hóa cao
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng cho hay, hiện chưa có tỉnh miền núi nào tổ chức thi thử nhưng kết quả khảo sát độ khó của đề thi minh họa ở một số địa phương, trường THPT thì có cả mức độ khó lẫn trung bình. Từ nay đến khi bắt đầu vào công tác làm đề thi, Bộ sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến từ các địa phương về đề thi minh họa để công tác thiết kế đề thi đáp ứng được yêu cầu sao cho các em học để thi tốt nghiệp phổ thông không có áp lực và phân hóa tốt để vào ĐH, CĐ…

Đọc thêm