Tiệm sửa xe di động của ông Mỵ 'cụt'

(PLVN) - May mắn sống sót sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc nhưng vĩnh viễn mất đi đôi chân, từ một người khỏe mạnh, trụ cột gia đình, ông Mỵ trở thành tàn phế. Hàng ngày ông cần mẫn với tiệm sửa xe di động mưu sinh, quyết vượt lên số phận bằng nghị lực sống lạc quan và nhân cách đáng trọng… 
Tiệm sửa xe di động của ông Mỵ 'cụt'

Không gục ngã sau biến cố đau thương

Vỉa hè đoạn gần ngã tư ga Vinh (Nghệ An) một trưa tháng 6 nóng như rang, hình ảnh ông Nguyễn Văn Mỵ (57 tuổi, trú phường Hưng Bình, TP Vinh) ngồi xe lăn miệt mài sửa xe cho khách với đôi tay khéo léo và nụ cười thân thiện khiến nhiều người  chú ý. Vừa làm, ông Mỵ vừa chia sẻ với khách về biến cố của cuộc đời mình.

Ông kể, trước đây từng là công nhân Công ty Xây lắp điện. Công việc vất vả phải đi đây, đi đó nhưng đồng lương không đáng là bao. Vậy nên, để nuôi dạy hai đứa con, vợ chồng ông phải không ngừng nổ lực. Sóng gió ập đến vào năm 2004, ông bị chiếc xe xích lô chở gỗ tông phải. Cú tông mạnh khiến ông văng ra đường, đúng lúc này một chiếc xe tải lao tới cán ngang qua hai chân ông.... “Tỉnh dậy, tôi mới biết mình đang nằm trong bệnh viện với đôi chân đã bị cắt quá đầu gối, đau điếng. Tất cả như sụp đổ trước mắt tôi”, ông kể lại, ánh mắt vẫn chưa hết nỗi kinh hoàng. 

 

Từ một người khỏe mạnh, trụ cột của gia đình nay bỗng mất hẳn hai chân khiến ông Mỵ chỉ biết quanh quẩn trong nhà, mọi gánh nặng dồn lên vai người vợ tất bật làm việc để nuôi con, quán xuyến gia đình. Nhìn cảnh đó khiến ông trăn trở, ông quyết tâm phải làm cái gì đó để san sẻ gánh nặng cho vợ, cũng là để giúp mình khuây khỏa, bớt suy nghĩ tiêu cực. 

“Nhưng biết làm gì, ở đâu với đôi chân tàn phế là câu hỏi mà tôi trăn trở. Bốc vác thì mình không có sức, chạy xe ôm thì mình cũng không còn khả năng, cuối cùng tôi nghĩ đến công việc sửa chữa, vá xe máy nên quyết định đầu tư ít dụng cụ, ra ngồi trên vỉa hè đợi khách”, ông chia sẻ về cơ duyên với nghề. 

Từ đó đến nay, suốt 14 năm qua, hình ảnh ông Mỵ tàn tật ngồi trên xe lăn để sửa xe cho người qua đường trên thành Vinh tấp nập đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Nhờ tay nghề, sự nhiệt tình, giá cả phải chăng, tiệm sửa xe đặt biệt của người đàn ông tật nguyền ngày càng đông khách. Khách hàng truyền tai nhau, hỏng xe chỉ cần gọi điện, chờ ít phút là thấy ông Mỵ đi xe lăn tới phục vụ. Nhờ được khách hàng ủng hộ, thu nhập trung bình mỗi ngày của ông cũng đủ chi tiêu trong gia đình, lo thuốc thang mỗi khi trái gió trở trời. 

Nhân cách sống đáng khâm phục

Dù hoàn cảnh đặc biệt, sức khỏe không được như bao người nhưng ông Mỵ lại có những nguyên tắc làm việc đáng trân trọng. Rằng, đối với chị em công nhân làm đường, học sinh, sinh viên ông luôn bớt giá. Thậm chí, với những hoàn cảnh đặc biệt, ông còn sửa, vá xe miễn phí. 

Ông kể, có lần thấy một cậu sinh viên dắt xe đi ngang qua cứ nhìn tôi, tôi biết xe cậu ta bị thủng săm nhưng cậu ta cứ ái ngại không vào sửa. Tôi chủ động hỏi thì cậu ấy bảo không mang theo tiền nên không dám vào. Tôi cười và nói luôn sẽ vá xe miễn phí. Thế nhưng ngay hôm sau, cậu ấy quay lại gửi tiền và cảm ơn tôi.

 

Ông Mỵ kể, có người thấy ông bị cụt hai chân mà làm việc lấm lem vất vả đã đến đặt vấn đề đưa ông đi làm “bình phong” xin tiền khắp ga tàu, bến chợ, quán xá. Sáng đi xin, tối mịt mới về sẽ được nhận “lương” 6 triệu đồng/tháng. 

“Nghĩ đó là trò lừa đảo, lợi dụng lòng tốt của người khác nên tôi từ chối ngay. Tôi vẫn còn sức khoẻ, còn đôi tay thì vẫn làm được nghề, kiếm những đồng tiền chân chính. Tôi không muốn lợi dụng lòng tốt của người khác và không muốn trở thành công cụ kiếm tiền bất chính của những trẻ siêng ăn, nhác làm”, ông nói.

Sự thẳng thắn của ông khiến nhiều người quý mến, nể trọng; tiệm sửa xe của ông được nhiều khách hàng lựa chọn cũng bởi nghị lực và nhân cách đó.   

Năm 2013, một hôm đi làm về trên đường vắng, ông Mỵ nhặt được một chiếc ví dày cộp rơi giữa đường. Đi được mấy chục mét thì thấy hai người ngồi trên xe máy đang nhìn ngó khắp nơi như muốn tìm lại vật gì đó. Thấy thế, ông Mỵ chủ động hỏi và biết được hai người này đang tìm lại ví tiền bị rơi. Sau khi hai người nói rành mạch trong ví có 34,8 triệu đồng, ông Mỵ kiểm tra thấy đúng số tiền trên nên tự nguyện trả lại cho họ. Một lần khác, sau khi nhặt được chiếc ví có tiền, thẻ ATM và giấy tờ tuỳ thân, ông cũng chủ động liên hệ và trả lại cho người đánh rơi.

Đọc thêm