Tình yêu trà của chàng trai vô địch pha chế trà Việt

(PLO) - Sau 7 năm đều đều trong guồng quay của một công chức mẫn cán ở Bưu điện Bờ Hồ, một ngày Nguyễn Việt Hùng (sinh năm 1984) muốn dừng lại tất cả và tìm đến một công việc mới mẻ. Và rồi sau nhiều thất bại như một giấc mộng gàn dở của người trẻ, một sự tình cờ, Hùng đã vô địch Tea Master Cup (Cuộc thi pha chế trà Việt Nam) 2016 chỉ sau hai năm đắm say với trà… 
Tình yêu trà của chàng trai vô địch pha chế trà Việt

Giã từ đời công chức 

“Vốn liếng” ban đầu của Hùng về trà chỉ là những kiến thức sơ khai của một chàng trai đi phụ giúp người cậu (là nghệ nhân trà Thường Xuân Hoàng Anh Sướng), pha chế trà trong những năm sinh viên đi làm thêm. Thế nhưng, Hùng đã tìm một hướng đi khác với cậu mình, thay vì dùng trà Thái Nguyên, Hùng tìm tới những thứ trà sạch từ núi cao (trà cổ thụ San Tuyết) mà theo Hùng, nó hoàn toàn hoang dã và dữ dội, được đem ướp với sen, ngâu, hoàng lan (mùa nào ướp hoa đó)… do chính gia đình trồng.

Trong không gian nhỏ xinh ở con ngõ nhỏ trên phố Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội) một ngày đầu thu hoe nắng, Hùng chia sẻ, trước đây mình làm ở VNPT Hà Nội, một công việc ổn định, cũng là mơ ước của nhiều người. Nhưng trong sâu thẳm lúc đó mình cảm thấy công việc này không thực sự phù hợp với con người mình, thậm chí mình thích các những việc thiên về nghệ thuật, diễn viên chứ không phải là một công chức mà công việc đều đều hàng ngày. 

Mẹ mình là người hay lo lắng nên phản đối kịch liệt, vì với mẹ việc bỏ Nhà nước để ra làm riêng thực mạo hiểm, chỉ có bố im lặng nhưng đã lẳng lặng đi thuê ba đầm sen ở Phú Xuyên (quê Hùng) để gia đình tự trồng sen. Dù lúc đó, bỏ việc Nhà nước về làng trồng sen là điều không tưởng.

Thế nhưng, mặc cho người làng gièm pha “mãi mới thoát được bùn đất, giờ lại về với bùn”,  Hùng vẫn nghĩ, nếu cứ bám mãi vào một công việc mà mình không thích, không say mê thì không nên. Với một người có tự trọng trong xã hội, mình nghĩ nếu đã chán làm thì nên nghỉ, để nhường chỗ cho những người khác cần việc đó hơn mình. Dù thời gian đó, gia đình nhỏ của Hùng mới có em bé đầu lòng, nhưng cả hai đều chung một “niềm tin” để rẽ theo một lối khác…

Nguyễn Việt Hùng với tinh hoa trà Việt
Nguyễn Việt Hùng với tinh hoa trà Việt

Đi tìm bản ngã

Khởi nghiệp, Hùng chẳng có nguồn tài chính tốt, lại tự làm mọi thứ, từ thiết kế cho đến thi công. Cùng với đó, vợ chồng Hùng có chung tình yêu thiên nhiên, thích núi đồi nên thường cùng nhau rong ruổi trên chiếc xe cà tàng lên những vùng núi cao. Họ  từng ngồi dưới những tán trà cổ thụ cao 5 đến 6m, đường kính 2 người ôm và cũng không thể ngờ là đến một ngày cuộc đời mình lại gắn với chúng, lại có cơ duyên để sử dụng những vùng nguyên liệu quý như vậy. Khi sang Trung Quốc, Hùng thấy những cây trà trăm tuổi của họ bé tí nhưng được rào chắn đầy trân trọng và được coi như bảo vật. Trong khi ở Việt Nam, có những cây trà cổ thụ cao lớn nhưng chưa được đối xử đúng giá trị.

 Trên con đường tìm kiếm bản ngã, Hùng may mắn có được những người thầy giỏi và  những người bạn cùng chí hướng muốn được bảo tồn, phát triển trà Việt lên một tầm mới. Hùng và những người dân bản địa ở các vùng trà hiện có liên kết với nhau để tạo được vùng trà lớn, khoảng 2-3ha, là những quả đồi có những cây trà cổ thụ mọc tự nhiên bằng việc thuê đất của họ để đảm bảo loại trà đó được chăm sóc và thu hái theo quy trình Hùng đưa ra mà không bị tận thu và cho họ quản lý.

Chữ “duyên” đã dẫn dắt vợ chồng Hùng vượt hết khúc quanh này đến con dốc khác với cơ man cực nhọc. Hùng tự tìm được vùng nguyên liệu riêng là những cây trà cổ thụ trên núi cao Việt Nam một cách tình cờ từ những chuyến đi phượt, rồi học hỏi chế tác hàng chục loại trà thủ công và cuối cùng để khỏi phụ thuộc, Hùng tự trồng sen để ướp trà… Vòng tròn khép kín ấy của Hùng đã cho ra thị trường thứ trà hữu cơ hoàn toàn. Thế nên, riêng với loại chè ướp sen, Hùng đã trồng gần chục mẫu sen Bách Diệp.

Để có được loại sen sạch và thơm không hề đơn giản, bạn sẽ cần đảm bảo nguồn nước sạch, diện tích đủ rộng, khoảng cách từ bông hoa tới đáy bùn đủ sâu để giữ được độ thanh của mùi hương và bùn phải đảm bảo dinh dưỡng thì hoa mới thơm. Với trà sen, mỗi năm gia đình Hùng chỉ làm được 50kg là nhiều, bởi để có 1kg trà sen, phải cần tới 1.400 bông sen. Bên cạnh đó, với dòng Shan Tuyết cổ thụ, vào mỗi mùa, Hùng đến và sản xuất ở mỗi vùng một ít, khách dùng đến đâu sẽ làm đến đó theo mùa: vụ xuân làm Bạch trà, vụ thu làm trà xanh… 

Trước đó, khi chưa bỏ việc, vì có tình yêu với hoa sen nên năm nào Hùng cũng ướp trà sen. Vào mùa sen, Hùng cố gắng sắp xếp ca làm để hơn 5 giờ sáng đứng xếp hàng trên Hồ Tây để mua lấy mấy trăm bông dù lương nhà nước nhiều khi chẳng đủ mua hoa. Và khi làm trà sen, dường như có một sự mách bảo và dẫn dắt đắm say như trong một cõi thiền của trà sen. Khi tình yêu lớn dần và đến một thời điểm buộc Hùng phải chọn. Mùa sen, một ngày gia đình làm việc từ sáng sớm cho tới 2-3 giờ sáng nhưng Hùng thấy rất hạnh phúc.

Và trà chạm tới… cảm xúc

Trà là người bạn tri kỉ
Trà là người bạn tri kỉ

Chẳng thể kể hết những thất bại ở thời điểm đầu tiên, Hùng cũng làm giống như bao gia đình ướp trà sen truyền thống ở Hà Nội, chỉ khác chăng họ ướp bằng trà Thái Nguyên còn Hùng chọn trà Shan Tuyết cổ thụ. Ban đầu, vợ chồng Hùng dùng rất nhiều gạo sen, cố ướp làm sao để hương sen và trà quyện nhau. Lúc đó, mỗi mẻ họ tốn tới vài nghìn bông, nhưng khi pha, cả phòng lừng mùi sen mà vị trà và hương sen lại chẳng hòa quyện. Vì trà Shan Tuyết cổ thụ khí mạnh quá đẩy hết hương sen ra ngoài.

“Khi ấy mình  thắc mắc lắm mà không biết hỏi ai, coi như đã thất bại. Mà mùa sen mỗi năm chỉ có một lần nên nếu hỏng coi như phải chờ tới năm sau để làm lại, để sửa sai. Và vợ chồng mình đã nếm trải mấy mùa sen qua đi trong thất bại như thế. Trong vài năm đó, quá chán nản, mình chỉ biết ngồi thiền mong tìm đến sự an định của tâm. Bỗng một hôm, bông hoa sen hiện ra trong lúc thiền, tôi thấy mình đang ngồi giữa đầm sen, mình là trà và trà với sen hòa quyện nhau. Mình cũng không ngờ đấy chính là khởi nguồn cho duyên lành để sau đó mình tìm được cách cho hương sen và trà hòa quyện. Trong trà có sen, trong sen có trà. Bạn ở đó với một ấm trà sen, bạn sẽ không thấy hương sen nữa, vì khi ấy bản thân đã đang tỏa hương rồi."

Hiện Hùng vẫn dùng trà Shan Tuyết cổ thụ mọc ở độ cao từ 1.500m trên dãy Tây Côn Lĩnh của Hà Giang để ướp trà sen. Ở độ cao đó, thời tiết khắc nghiệt, quanh năm sương mù bao phủ, cây trà muốn tồn tại rễ phải ăn sâu vào lòng đất, không có bàn tay con người chăm sóc, tưới tắm, tự sinh tồn, trà thanh sạch hoàn toàn. Những cây trà này có búp trắng với lớp lông tơ bám trên bề mặt, khi sao lên trà sẽ có màu trắng. Hùng thấy rằng hoa sen là những gì tinh túy nhất của đất trời nên để kết hợp với nó trà cũng phải có phẩm chất cao quý như vậy mà trà Shan Tuyết là loại trà đạt phẩm cấp.

Và bất ngờ đến khi năm 2016, Hùng tham gia Tea Master Cup tổ chức ở Việt Nam, với mong muốn mang trà của mình làm đến cuộc thi để xem những vị giám khảo người nước ngoài đánh giá thế nào. Không ngờ, Hùng được giải vô địch. Cũng từ đây trà sen của Hùng bắt đầu được bạn bè quốc tế biết tới. Hùng nhận thấy người Nhật Bản đặc biệt thích trà sen Việt Nam. Có lẽ bởi bản thân trong họ có chất thiền cũng như chiều sâu tâm hồn. Cũng có thể do Hùng làm trà sen trên ý tưởng đậm chất thiền nên thưởng trà họ cảm nhận được ngay. 

Hiện nay hơn 20 loại trà ở Hiền Minh Tea đều do gia đình Hùng sản xuất thủ công hữu cơ từ A đến Z và theo đuổi con đường “thượng phẩm”. Hùng chia sẻ: “Nhiều khách Nhật sau khi dùng trà sen của mình xong có email lại nói rằng, họ thực sự xúc động từ những ngụm trà đầu tiên. Ngoài ra, khách nước ngoài cũng chiếm số đông, chủ yếu là khách Nhật và khách châu Âu, thậm chí có cả khách đến từ những đất nước xa xôi như Argentina, Bolivia, Brazil… mà mình chẳng bao giờ nghĩ có thể gặp được họ. Đặc biệt, có nhiều khách nước ngoài đến còn mang tặng mình cả những sản phẩm trà từ chính quê hương của họ. Như khách đến từ Argentina mang tặng mình loại trà Mate. Mình cũng có những học trò người Pháp, vì say mê trà Việt mà đến đây để tìm hiểu về văn hóa trà Việt Nam”.

Ngoài trà sen, Hùng cũng thử nghiệm với những hương hoa theo mùa như hoa ngâu, hoa hoàng lan… Và những vị trà đó thường gắn từ lời một bài hát, một kỉ niệm cho người Việt xa xứ, xa Hà Nội như “ta còn em mùi hoàng lan”. Hoa hoàng lan ở Hà Nội thường thơm ngát, kín đáo khi tiết trời se lạnh, ngập tràn nỗi nhớ. Thế nên có vị khách uống trà đã rưng rưng nước mắt. Theo Hùng, phải là loại trà chạm tới cảm xúc họ sẽ ghi nhớ….

Và tôi, cũng như bao người, trong không gian thiền trà đó, thoảng hương sen tinh khiết buổi sớm mai, vị trà ngọt và thấm đẫm sau cả 5-7 tuần trà…. Tựa như bạn đang ở bên đầm sen buổi sớm… Và câu chuyện về vẻ đẹp của sen, của trà sẽ chẳng bao giờ dứt, dường như bất tận. Tháng 9 này, vợ chồng Hùng sẽ có chuyến phượt xuyên Việt để mang tình yêu với trà của mình tới nhiều hơn với mọi miền đất nước…

Đọc thêm