Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai: Xem “chuyện của Trời” đâu phải dễ!

(PLO) - Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên  tai (Bộ NN&PTNT), công tác quan trắc, dự báo thiên tai muốn tốt thì cần  phải có một nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến và đủ mạnh. Như Trung Quốc, họ đầu tư hẳn hai vệ tinh chỉ để theo dõi, dự báo “chuyện của Trời”.

Bão không theo quy luật cũ

Diễn biến thiên tai những năm gần đây thường được nhắc đến với những tính từ như “khốc liệt”, “khó lường… Ông có thể cho biết nguyên nhân?

- Đúng là tình hình thiên tai diễn ra thời gian qua phức tạp, trái với quy luật cả về không gian lẫn thời gian. Tính đến tháng 7/2018, chúng ta khoảng 4-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới nhưng bão không đi theo quy luật cũ, diễn ra khắp cả nước và gây ra nhiều thiệt hại lớn. Trước kia bão đầu mùa diễn ra từ Bắc vào Nam nay thì ngược lại. Các hoàn lưu gió cũng vậy khiến công tác dự báo gặp nhiều khó khăn.

Sự phát triển kinh tế xã hội đã tác động vào nguy cơ rủi ro thiên tai ngày càng tăng. Việc xây dựng các công trình giao thông, nhất là đối với các tỉnh miền núi khi xẻ núi làm đường; khai thác cát sỏi lòng sông; khai thác khoáng sản tại các khu vực đầu nguồn... đã làm tăng nguy cơ. 

Trong khi đó, việc xây dựng các hồ chứa phục vụ thủy điện đã gây ra những rủi ro về xả lũ, thay đổi dòng chảy và nguy cơ sạt lở. Ngay chính trong quá trình xả lũ cũng chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan, giữa các nước ở thượng nguồn sông MêKong dẫn đến việc sạt lở nghiêm trọng ở ĐBSCL.

Không cơ quan chuyên trách mọi thứ sẽ tan hoang!

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT)
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên  tai (Bộ NN&PTNT)

Để đối phó với sự “trái quy luật” của thời tiết, cơ quan chức năng đã, đang làm gì, thưa ông?

- Thứ nhất, chúng ta đã bố trí lại nguồn vốn, xây dựng hệ thống các công trình cắt lũ tại các hồ chứa lớn như Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang... để khi xả lũ lượng mưa lớn không ảnh hưởng tới hạ lưu. Nhiều năm qua, hệ thống đê kè của chúng ta cũng đã được duy trì và sửa lại trước mỗi mùa mưa bão. Đối với nhiều tỉnh ven biển, nâng cấp và mở rộng các cảng biển, cảng neo đậu cho tàu thuyền cũng đã được chú ý, giúp  giảm thiệt hại cho ngư dân.

Thứ hai, chúng ta cần có một cơ quan phòng chống thiên tai (PCTT) cấp quốc gia để điều hành và tham mưu cho Chính phủ các vấn đề cần thiết. Và Tổng cục PCTT đã ra đời trong bối cảnh đó (18/8/2017). Thực tế, năm 2017, cơn bão số 10 và 12 đã gây ra ngập úng trên diện rộng khắp các tỉnh miền Trung. Việc không có các cơ quan chuyên trách về PCTT tại các địa phương đã gây ra lúng túng, không chuyên nghiệp trong công tác điều hành, xử lý các tình huống. Nếu như không có cơ quan chuyên trách thì mọi thứ sẽ tan hoang ngay! Đây chính là vấn đề đang tồn tại.

Thứ ba, về các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách đang được kiện toàn nhưng vẫn thiếu. Nhiều địa phương được hỗ trợ kinh phí của Chính phủ về PCTT nhưng 2, 3 năm sau vẫn không triển khai xong.

Thứ tư, việc huy động các nguồn lực xã hội đến nay cũng chưa đồng bộ, và đáng nói là các địa phương có quỹ PCTT, nhưng TƯ lại không có quỹ này. Đây là một bất cập, bởi TƯ điều tiết từ tỉnh giàu sang tỉnh nghèo. Các tỉnh bị thiên tai nhiều thường là các vùng nghèo, trong khi đó nhiều địa phương có sự phát triển kinh tế, các khu công nghiệp, có quỹ PCTT rất lớn nhưng chúng ta chưa điều tiết được. 

Ngoài ra, việc người dân  tham gia công tác PCTT còn chưa phổ biến. Tôi ví dụ ở Đức, để xây dựng một con đê biển, người dân phải tự bỏ tiền, công sức ra làm. Trong khi chúng ta vẫn trông chờ vào Nhà nước.

Thứ năm là  khoa học công nghệ. PCTT đòi hỏi phải có nền khoa học công nghệ tốt thì mới quan trắc, theo dõi tốt. Chúng tôi vẫn thường nói vui rằng “xem chuyện của Trời đâu phải dễ”. Nhiều nước đầu tư rất bài bản, Trung Quốc có hẳn hai vệ tinh chỉ để phục vụ công tác theo dõi, dự báo thời tiết.

Việc đầu tư cho khoa học công nghệ nhằm nâng cao công tác dự báo, cảnh báo, truyền tin tốt tới các cấp chính quyền, cơ quan PCTT, tới người dân và cộng đồng xã hội. Muốn dự báo cơn bão đổ vào nơi nào, phải có thông tin về nơi xảy ra, dân cư ở đây có bao nhiêu, giá trị kinh tế là bao nhiêu thì chúng ta chưa có.

Trong công tác thông tin truyền thông cũng đã có sự nỗ lực nhưng vẫn  còn nhiều vấn đề ở cơ sở. Nhiều tỉnh miền núi khi có thiên tai xảy ra, tuyệt nhiên không có tiếng loa, đài thông báo. Gần đây, khi xảy ra sạt lở tại các tỉnh miền núi, Tổng cục PCTT đã soạn tin nhắn gửi các đồng chí lãnh đạo địa phương để thông báo cho bà con. Ngoài ra, cần có sự tham gia của các cơ quan thông tin truyền thông, thậm chí cả văn nghệ sĩ trong việc xây dựng các câu chuyện truyền thông về PCTT cho các bản làng.

Câu chuyện ở Lai Châu…

Thưa ông, lũ quét và sạt lở đất đang là nỗi ám ảnh kinh hoàng của đồng bào miền núi phía Bắc, trong khi người dân đang có tập quán sinh sống không còn phù hợp, thậm chí có khi  thiếu thông tin để chủ động đối phó. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong trường hợp này là gì, thưa ông?

- Tổng cục PCTT đang hướng dẫn xây dựng mô hình các tổ, đội xung kích. Bởi không ở đâu phản ứng nhanh và kịp thời bằng việc chính người dân tại nơi xảy ra thiên tai giúp đỡ nhau. Câu chuyện từ một bản của tỉnh Lai Châu khi ông Trưởng bản đi qua một bản khác bỗng phát hiện một vết nứt bất thường đã rút máy gọi điện liền cho ông Phó bản ở đó. Ngay lập tức, cả 28 hộ dân được di dời nên đã không có thiệt hại nào về người khi cả núi đất đá đổ ụp xuống.

Việc nâng cao năng lực của cộng đồng nằm ở chỗ nâng cao khả năng  ứng phó với thiên tai của những cán bộ địa phương, và phải có kế hoạch PCTT tại địa phương, đồng thời bố trí nguồn lực trước, trong và sau thiên tai hợp lý. Chẳng hạn hướng dẫn để người dân biết xem bản tin thiên tai, biết làm nhà như thế nào, ở đâu cho an toàn đối với từng vùng miền. Cần xóa bỏ việc làm nhà ngay dưới các chân dốc núi, làm hẹp các dòng chảy của suối khiến nguy cơ rủi ro thiên tai cao hơn.

Hiện, Tổng cục PCTT đang xây dựng các Nghị định, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về công tác PCTT. Bên cạnh đó còn xây dựng các chương trình PCTT cho từng các miền (vùng núi, đồng bằng sông Hồng, miền Trung và Tây Nguyên, ĐBSCL...). Mỗi vùng sẽ có một chương trình phù hợp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Cần điều tiết nguồn lực từ tỉnh giàu sang tỉnh nghèo

“Hiện nay, các địa phương có quỹ PCTT, nhưng TƯ lại không có quỹ này. Đây là một bất cập bởi TƯ điều tiết từ tỉnh giàu sang tỉnh nghèo. Các tỉnh bị thiên tai nhiều thường là các vùng nghèo, trong khi đó nhiều địa phương có sự phát triển kinh tế, các khu công nghiệp, có quỹ PCTT rất lớn nhưng chúng ta chưa điều tiết được”.

Đọc thêm