Tổng LĐLĐ VN nói gì về khoản “dư” 29.000 tỷ đồng?

Chiều 22/9, tại Hà Nội, đại diện Ban Tài chính (Tổng LĐLĐ VN) đã giải đáp các thông tin về kết quả kiểm toán liên quan tới số “dư” 29.000 tỷ đồng. Đây là thông tin được dư luận quan tâm thời gian qua.

Nguồn dư từ khi có Luật Công đoàn

Tại cuộc họp báo giao ban báo chí quý 3/2020, được sự uỷ quyền của lãnh đạo Tổng LĐLĐ VN, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Trưởng Ban Tài chính (Tổng LĐLĐ VN) - đã chia sẻ với báo giới về thông tin Kiểm toán Nhà nước xác nhận, số dư của tài chính công đoàn thực tế đến ngày 31/12/2019 là gần 29.000 tỷ đồng.

“Đây là nguồn tài chính tích lũy không phải chỉ trong một năm mà có kể từ khi có Luật Công đoàn quy định về thu kinh phí công đoàn tới nay” - bà Nguyễn Ngọc Lan cho biết thêm.

Nguồn dư trên, theo diễn giải của bà Nguyễn Ngọc Lan, gồm: Nguồn dư của Công đoàn cơ sở là gần 7.600 tỷ đồng, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là trên 6.600 tỷ đồng: Liên đoàn lao động tỉnh thành phố, công đoàn ngành Trung ương và cấp tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ VN là trên 10.300 tỉ đồng; Tổng LĐLĐ VN (Cấp Tổng dự toán) là gần 3.800 tỷ đồng...

Tổng LĐLĐ VN nói gì về khoản “dư” 29.000 tỷ đồng? - 1

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Trưởng Ban Tài chính (Tổng LĐLĐ VN)

“Nguồn tài chính tích lũy ở công đoàn cơ sở là gần 7.600 tỷ đồng. Đây là theo kết quả kiểm toán về số dư tới ngày 31/12/2019. Nhưng thông thường, số tiền này sẽ được chi cho người lao động vào dịp Tết Nguyên đán và đã được chi tiêu hết” - bà Nguyễn Ngọc Lan cho biết thêm.

Theo tài liệu công bố của Tổng LĐLĐ VN, số dư 29.000 tỷ đồng nếu được chia đều cho các đơn vị trực thuộc hệ thống Công đoàn VN (122.178 đơn vị) thì số dư bình quân sẽ là khoảng 232 triệu đồng/đơn vị.

Với số dư còn lại của các cấp trên, bà Nguyễn Ngọc Lan cho biết, tổ chức công đoàn cũng đã quán triệt và việc chi tiêu tiết kiệm.

Theo đó, số chi năm nay không dùng hết thì được tích lũy lại để sang năm tiếp tục chi vào đầu năm khi mà chưa thu được kinh phí công đoàn, công đoàn sẽ lấy tiền đấy để chi cho hoạt động công đoàn.

Gửi tiết kiệm để bảo toàn nguồn kinh phí

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan nói: “Ngoài ra, số kinh phí còn lại sẽ được Tổng LĐLĐ VN gửi tiền tiết kiệm để lấy tiền lãi để nâng cao năng lực tài chính cho tổ chức công đoàn”. 

Cũng theo lý giải của bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, việc dùng tài chính tích lũy của công đoàn để gửi các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ với mục đích nâng cao, tạo nguồn lực cho tổ chức công đoàn hoạt động.

"Bộ Tài chính đã có công văn chấp thuận khoản lãi tiền gửi ngân hàng từ quỹ công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn, không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp" - bà Nguyễn Thị Ngọc Lan nói.

Đồng thời, khoản tiền lãi này được bổ sung vào nguồn tài chính công đoàn để tiếp tục thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ đoàn viên và người lao động.

“Còn về việc đầu tư, hiện nay, tổ chức công đoàn cũng chỉ mua cổ phần ưu đãi và không có các hoạt động đầu tư nào khác” - bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết.

Về nội dung tiếp theo là sử dụng nguồn 11.300 tỷ đồng từ việc huy động để cho Tết sum vầy. “Tổng LĐLĐ VN cũng đã có huy động nguồn từ nguồn xã hội hoá để chi thêm cho người lao động vào dịp Tết Sum vầy” - Phó Trưởng Ban tài chính Tổng LĐLĐ VN nói.

Đồng thời, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết thêm: “Sau khi có kết luận kiểm toán, Tổng LĐLĐ VN đã lập đoàn thanh tra và đã có kết luận rất là rõ ràng, cụ thể về nội dung này”. 

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Trưởng Ban tài chính (Tổng LĐLĐ VN), mức chi bình quân năm 2012 cho một đoàn viên công đoàn là 870.000 đồng/năm, người lao động là 667.000 đồng/năm. Trong năm 2019, mức chi bình quân cho một đoàn viên công đoàn 1.200.000 đồng/năm, người lao động là 1.017.000 đồng/năm.

Trong đó, mức chi cho đoàn viên cao hơn người lao động là do một số mục chi tại công đoàn cơ sở người lao động không được hưởng mà chỉ dành cho đoàn viên, như: Sinh nhật, hiếu hỉ… theo quy định tại Điều 27 Luật Công đoàn.

Đọc thêm