Trái tim nhật báo đập thế nào?

(PLO) - Mỗi sáng, khi cầm tờ báo Pháp luật Việt Nam trên tay, điều bạn đọc nhìn thấy là tin, là bài, là ảnh, nội dung ngồn ngộn trên mọi mặt đời sống xã hội... Nhưng ít ai hiểu được “phía sau” tờ báo có một trái tim không cho phép lạc nhịp mà chúng tôi gọi là trái tim nhật báo. Đó là Ban Thư ký Tòa soạn.
Trái tim nhật báo đập thế nào?

1. Một ngày làm việc thường bắt đầu vào lúc 7h30, nhưng đối với người làm công tác thư ký, một ngày bắt đầu từ lúc ngủ dậy, với điều đầu tiên nghĩ đến là tìm tờ báo ra ngày hôm nay để xem “mặt mũi đứa con” của mình thế nào...

Nếu như mỗi ban chuyên môn phải lo thông tin trong mảng việc của mình thì Ban Thư ký Tòa soạn phải bao quát thông tin trên mọi lĩnh vực trong ngày, trong nước và trên thế giới để điều tiết nội dung thông qua việc phối kết hợp giữa các phòng ban thế nào, phải bao quát ra sao để không “sót bài, lọt tin”... 
Vì thế, đầu óc mỗi Thư ký phải “vận động” khốc liệt cho đến tận buổi giao ban lúc 10h, mà mỗi ngày một số báo, mỗi ngày một lần giao ban nên công tác thư ký có thể coi như là một trong những công việc hao tốn nơ-ron thần kinh nhất.

Với hàng loạt đề tài, hàng loạt ý tưởng được lãnh đạo các ban nội dung đưa ra, Thư ký Tòa soạn phải “thêm, bớt” cùng với chỉ đạo của lãnh đạo Ban Biên tập, công việc “bếp núc” của một số báo mới chính thức đi vào cao trào. Lúc này, trên bàn của các thư ký là gạch đầu dòng, là ý tưởng, là bản thảo, và là những giờ phút tập trung cao độ cho từng con chữ ngày mai sẽ được chuyển đến bạn đọc, phải đúng, phải đủ, phải chuẩn, phải hay...

Trong làng báo, có câu nói về công tác thư ký là “quyền rơm, vạ đá”, bởi khi một tác phẩm báo chí ra đời, điều bạn đọc thấy là nội dung bài báo và tên tác giả, vì thế, cái tít hay cũng là tít của tác giả, ý tứ “đắt” cũng là ý tứ của tác giả, ít ai thấy sự trăn trở của người làm thư ký khi chọn chữ để đặt tít, khi ngắt câu để tạo khoảng nhấn nhá của câu chuyện. 
Thậm chí, có những tác phẩm báo chí được hình thành từ một ý tưởng của tác giả và cả phông kiến thức rộng lớn của người làm thư ký cùng cả buổi trưa tìm cách viết lại bài. Cũng có những loạt bài đem lại vinh danh cho người viết ở nhiều phòng ban chuyên môn nhưng ít ai biết đó là ý tưởng và công sức tổ chức của Ban Thư ký Tòa soạn...
2. Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, công tác tổ chức báo chí cũng trở nên hiện đại hơn nhiều. Ít ai hình dung chỉ chục năm trước, quy trình thực hiện tờ báo Pháp luật Việt Nam, cũng giống như đa phần báo khác, còn rất thô sơ, thủ công. 
Một bản thảo giấy, được đánh máy hoặc viết tay, được các trưởng phó ban biên tập, chuyển lên Phòng Thư ký. Ở đây, người thư ký biên tập lần nữa cắt cúp (bằng kéo, đúng nghĩa đen), rồi chuyển sang trình bày bên Phòng Kỹ thuật...
Giờ đây, quy trình đó đã được thực hiện hoàn toàn “online” qua mạng internet hoặc qua hệ thống mạng LAN. Sau khi lãnh đạo các Ban chuyên môn biên tập, xếp trang, bài vở sẽ được chuyển qua email lên Phòng Thư ký. Là “đầu bếp”, Thư ký Tòa soạn sẽ phải “sắp món” cho hợp lý giữa bài vở của các ban chuyên  môn, phóng viên vùng miền, bài vở phát sinh, sắp xếp thực hiện các trang tin tức theo phân công. 
Là người “gác cổng” của Ban Biên tập, bên cạnh việc tuân thủ các nguyên tắc làm báo “mang tính khuôn khổ” cả về nội dung và hình thức, người thư ký phải có nhạy cảm để lựa chọn tin bài, có tỉnh táo để đảm bảo ít nhất sai sót có thể, và đặc biệt không được phép sai sót về tư tưởng chính trị. Chính vì thế, có một thuật ngữ chỉ xuất hiện ở Phòng Thư ký, đó là vai trò “tỉnh táo viên” dành cho người đọc soát lỗi cuối cùng.

Sau khi các thư ký đọc, chỉnh sửa bản thảo được chuyển sang trình bày ở Phòng Kỹ thuật. Ở đây, bài được họa sĩ, kỹ thuật viên dàn trang, sau đó đọc soát lỗi (cả về lôgic và chính tả). Bản thảo cuối cùng khổ A3 (bản bông) được đặt lên bàn Trưởng ban Thư ký. Lúc này, người gánh trọng trách nặng nhất trong quy trình sản xuất báo ở cấp phòng ban phải căng mắt, căng đầu óc để đọc từng con chữ, xem cách trình bày để  chuốt lại lần cuối trước khi trình lãnh đạo Ban Biên tập duyệt. Để rồi sau đó, chừng 22h bản bông được truyền đi nhà in.

3. Đi sớm, về muộn, công việc thư ký khá khắc nghiệt, đòi hỏi người làm thư ký ngoài thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ cũng phải “trưng dụng” khá nhiều thời gian cho công việc. Vì thế, không ngoa khi nói rằng, nếu gia đình có một người làm Thư ký tòa soạn, cả gia đình đó là Thư ký tòa soạn, vì cũng phải chịu cảnh muộn sớm, cũng chấp nhận điều tiết thời gian của gia đình để người thân yên tâm công tác. 
Ngay cả trước và sau dịp lễ, tết, khi mà tin bài “hẻo” nhất, khi các phòng ban nghiệp vụ rổn rảng rủ nhau đi chơi thì Ban Thư ký tòa soạn vẫn miệt mài làm việc mỗi ngày, dù nhiều lúc cũng thấy rất “cô đơn”.
Thế  nhưng, cũng có thể nói Ban Thư ký là nơi mỗi cán bộ, phóng viên trưởng thành nhanh nhất. Do đòi hỏi khắc nghiệt của công việc, mỗi thư ký đều luôn phải tìm cách tự hoàn thiện mình. Không hề có ai được đào tạo nghiệp vụ thư ký trước khi được giao việc, nhưng từ “lò” Thư ký tòa soạn, nhiều lớp cán bộ, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã trưởng thành và trở thành những mẫu mực về nghiệp vụ báo chí cho các thế hệ tiếp theo. 
Nhiều tên tuổi gắn với Ban Thư ký tòa soạn như bác Vũ Duy Thiệu (giai đoạn từ khi thành lập báo đến những năm 1990), anh Đào Văn Hội – hiện là Tổng Biên tập, anh Đặng Ngọc Luyến – hiện là Phó Tổng Biên tập thường trực, chị Trần Thị Hương Mai – hiện là Phó Tổng Biên tập, chị Nguyễn Thị Thu Hà, anh Lương Chí Công – hiện là Trưởng ban Thời sự - Chính trị, anh Trần Ngọc Hà – hiện là Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, chị Hoàng Thủy – hiện là Phó ban Pháp luật Bạn đọc, chị Xuân Hoa – hiện là Phó ban Văn hóa – Xã hội, anh Đức Sơn – hiện là Trưởng ban Kinh tế - Pháp luật và đội ngũ Thư ký Tòa soạn hiện nay là Trưởng ban Thư ký Tòa soạn  Trần Đức Vinh – (nguyên là Trưởng ban Pháp luật – Bạn đọc), chị Quỳnh Lưu (Phó trưởng Ban Thư ký – Tòa soạn), anh Hữu Tuấn...

Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc đến đội ngũ biên tập viên, họa sỹ, kỹ thuật viên gắn bó với Ban Thư ký tòa soạn như cô Tứ, chị Lan Hương, chị Chi, chị Hoa, chị Mai Hương hay những người mới của Ban như chị Nga, chị Uyên và anh Hòa... vẫn miệt mài ngày đêm âm thầm cống hiến để sáng ra, Pháp luật Việt Nam nhật báo tỏa đi khắp nơi đến với độc giả.

Đi cùng mỗi số báo, từ khi hình thành ý tưởng cho tới mấy chục trang giấy thơm mùi mực và đầy ắp thông tin, từ khi báo Pháp luật Việt Nam còn là tờ Pháp luật thường thức tuần một số cho đến nay đã ba mươi năm có lẻ, trái tim nhật báo Pháp luật Việt Nam xứng đáng là “người gác cửa” đáng tin cậy của Ban Biên tập, là người “đầu bếp” giỏi của cơ quan, góp phần quan trọng đưa “mâm cỗ” thông tin ngày càng “ngon” và đẹp đến hàng triệu bạn đọc...

Đọc thêm