Tranh cãi "nảy lửa" về quy định ô tô phải có bình chữa cháy

(PLO) - Sau khi Thông tư 57 của Bộ Công an về lắp đặt bình chữa cháy trên xe ô tô thi hành hôm 6-1, hiện còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy định này.
Lực lượng chức năng ra quân kiểm tra thiết bị PCCC trên xe ô tô hôm 6/1 (Ảnh: VTC)
Lực lượng chức năng ra quân kiểm tra thiết bị PCCC trên xe ô tô hôm 6/1 (Ảnh: VTC)

Cục Đăng kiểm: Xe con không cần

Thông tư 57 quy định: Phương tiện giao thông cơ giới được bộ từ 4-9 chỗ ngồi phải có 1 bình cứu hỏa dưới 4 kg (bình bột) hoặc dưới 5 lít (bình bọt, nước và khí); từ 10-15 chỗ ngồi phải có 1 bình cứu hỏa từ 4 - 6 kg (bột) hoặc 5-9 lít đối với bình bột, khí hay nước.

Với ô tô trên 30 chỗ ngồi cần 1 bình cứu hỏa dưới 4 kg và hai bình lớn từ 4-6 kg và một số trang bị cứu hộ khác. Chủ xe cố tình không trang bị bình cứu hỏa ngoài bị phạt có thể không được đăng kiểm xe.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Trí, Cục phó Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) cho biết, Cục tiến hành kiểm định xe cơ giới theo quy định của Thông tư 70 của Bộ GTVT, trong khi Thông tư số 57 của Bộ Công an đưa ra quy định về việc kiểm soát trên đường.

Đối tượng áp dụng của Thông tư 57 không liên quan tới việc kiểm định xe cơ giới, việc đưa ra và áp dụng các quy định về kiểm định xe cơ giới là thuộc quyền hạn của Bộ GTVT.

Cục Đăng kiểm chỉ chỉ đạo các trạm đăng kiểm nhắc nhở người dân về việc có quy định trên, còn Cục chỉ kiểm tra về trang bị bình cứu hoả với xe trên 16 chỗ ngồi và những xe téc, còn xe cá nhân thì không bị kiểm tra, kiểm định về vấn đề này.

Đại diện Cục Đăng kiểm cũng khuyến cáo, do thiết kế không gian xe 4 chỗ thường nhỏ nên khi xảy ra cháy nổ, tốt nhất người trong xe nên rời ra xa thay vì lục tìm hay cố gắng mở cốp tìm bình cứu hỏa.

Còn nhiều tranh cãi

Hiện, trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, nhiều người cùng băn khoăn về tác dụng của bình cứu hỏa cho xe ô tô.

Nhiệt độ lý tưởng mà hầu hết các bình cứu hỏa ô tô khuyến cáo là không nên vượt quá 50 độ C nhưng nếu đỗ xe vào mùa hè nhất là dưới nắng nóng thì nhiệt độ lên 60-80 độ C. Nhiều tài xế lo ngại trang bị bình cứu hỏa như ôm “bom nổ chậm”.

Nhiều tài khoản mạng xã hội tranh cãi nảy lửa xung quanh quy định này. Tài khoản Hoc Tran lo ngại: “Xịt không đúng cách gây cuộn gió mang oxy cung cấp thêm cho ngọn lửa”

Ninh Thành Trung viết: “Đã cháy xe chỉ có dùng vòi áp lực lớn của xe chữa cháy lớn mới dập được, còn phát hiện sớm phải bình to mới dập được, cái loại mini chỉ dập được bếp rơm nấu cơm thôi”

Phan Việt tỏ ra thông thạo: “Xịt liên tục mới có tác dụng. Xịt ngắt quãng thì bình lớn cũng như không. Cần phải được đi tập huấn PCCC ở Cty, cơ quan. Trước nơi tôi làm việc, mỗi đợt tập dợt phải ôm bình lớn và giữ lấy vòi xịt liên tục không để ngắt quãng mới dập được lửa”.

Tuan Tom bình luận: “Tôi không biết người nào hay một nhóm người nào đó, họ không hiểu gì về bình xịt chữa cháy, bình như vậy chỉ xịt diêm, không chữa được khi cháy xe ô tô”.

“Sắp tới ông nào muốn lái xe thì phải có giấy chứng nhận đã qua huấn luyện chữa cháy. Lại rách việc, mất thời gian, mất tiền đây” - tài khoản Trong Dinh viết.

Một vấn đề lớn hơn đặt ra đó chính là liệu bình cứu hỏa này có mang lại sự an toàn cho chủ nhân và phương tiện hay lại chính là nguyên nhân gây nên tình trạng cháy nổ?
Nhiều ý kiến lo việc lắp đặt không đúng chỗ gây cháy nổ (Ảnh minh họa: VNN)
Nhiều ý kiến lo việc lắp đặt không đúng chỗ gây cháy nổ (Ảnh minh họa: VNN) 
“Bảo quản bình chữa cháy từ -10 độ đến 55 độ, và có nguy cơ nổ ở nhiệt độ 60 độ C. Mà vào mùa hè, nhiệt độ trong ô tô để ngoài trời có thể lên đến 60-80 độ C. Như vậy có khi nguy cơ cháy xảy ra còn lớn hơn là không có bình.
Chẳng lẽ chỉ được sử dụng bình khi vào mùa đông, hay là vào mùa hè đi đâu thì cầm theo bình đi?” - anh Trần Vinh, tài xế hãng taxi Mai Linh, tỏ ra nghi ngại.

Anh Vũ Văn Nam, lái xe Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nói: “Tôi nghĩ việc trang bị bình cứu hỏa này là không cần thiết. Tại sao không phải là hộp cứu thương, dụng cụ phòng thân khi số vụ cháy xe gây chết người ít hơn rất nhiều lần so với số vụ tai nạn không được cấp cứu kịp thời”.

Một số người tỏ ra đồng tình với quy định. “Trên xe nếu có bình chữa cháy, nhỡ có lửa thì dập ngay, đỡ gây thiệt hại lớn, nhưng quan trọng là phải có bình “xịn” và biết cách sử dụng” - anh Đào Hòa, một tài xế xe tải, nói.
Rất ít quốc gia quy định xe phải có bình cứu hỏa

 * Hầu như không có quốc gia nào ở các khu vực phát triển, có công nghiệp chế tạo xe hơi phát triển lâu đời, như Châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á quy định bắt buộc lắp bình chữa cháy trên xe hơi loại dưới 9 chỗ ngồi. (Theo VTC)

Trong ngày 6/1/2016, Đội Quản lý thị trường số 14 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội An ninh công thương du lịch, Phòng An ninh kinh tế (Công an TP Hà Nội) tiến hành kiểm tra và phát hiện cơ sở làm bình PCCC giả. Tại thời điểm kiểm tra, Cty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển Ngọc Linh (ngõ 1295/11 đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có hàng trăm bình chữa cháy giả đã hoàn thiện cùng nhiều vỏ bình chữa cháy cũ đã qua sử dụng và thiết bị để sản xuất làm giả sản phẩm như tem nhãn, sơn màu…

Tiến hành soát xét kho xưởng, lực lượng chức năng phát hiện nhiều tem giả có in dòng chữ "Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật PCCC của Trường Đại học PCCC".

Qua khai nhận của đơn vị sản xuất, số bình trên là do đơn vị thu mua về rồi bơm hóa chất để đưa đi tiêu thụ trên thị trường. (Theo)

Đọc thêm