Tự sự chuyện nghề của một nhà báo kỳ cựu: Mài mực bằng mồ hôi và nước mắt

(PLO) - Nghề báo, với những người làm báo chân chính chưa bao giờ là một nghề dễ dàng, đó là một cái “nghiệp” mà những người làm báo tâm huyết phải gắn bó suốt đời, với bao trăn trở suy tư, gian lao, vinh nhục. Tất cả những điều này đã được một nhà báo – nhà giáo khắc họa một cách sống động, chân thực và dí dỏm qua tác phẩm “Làm báo – mực mài nước mắt” vừa mới phát hành đúng dịp 21/6 – Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News Trí Việt cùng chuỗi café Passio và nhà báo Lê Khắc Hoan giới thiệu cuốn sách.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News Trí Việt cùng chuỗi café Passio và nhà báo Lê Khắc Hoan giới thiệu cuốn sách.

Cuốn cẩm nang về nghề báo

“Làm báo – mực mài nước mắt” không phải một tác phẩm văn chương, mặc dù cũng có nhân vật trung tâm, có diễn biến, tình tiết, cốt truyện. Quyển sách cũng không hoàn toàn thuộc về thể loại kí sự hay hồi kí, dù tất cả mọi dữ liệu trong sách đều hoàn toàn lấy chất liệu và các chi tiết từ đời sống thực – sự nghiệp làm báo của chính tác giả - nhà báo, nhà giáo Lê Khắc Hoan. Loại hình phi hư cấu, vốn là thế mạnh của Lê Khắc Hoan từ quyển “Trăm năm ly hợp” (xuất bản năm 2014) được tiếp diễn một cách đặc sắc ở “Làm báo – mực mài nước mắt”.

Xuất thân và gắn bó với sự nghiệp giáo dục, rồi bén duyên và say mê với nghiệp báo, một nửa thế kỉ làm báo với 21.900 nhật trình, kinh qua các vị trí từ cộng tác viên, phóng viên, biên tập viên đến Phó Tổng biên tập (Báo Giáo dục và Thời đại), bằng ấy thứ đã giúp cho Nguyễn Khắc Hoan có một vốn liếng khổng lồ về nghề báo. Đề rồi, tất cả đã được “rút ruột nhả tơ” trong tác phẩm này của ông. 

Đây là một thiên kí sự, một quyển lịch sử không chính thức về nghề báo, mà ở đó, thông qua hồi ức về cuộc đời Văn Trí - một anh thầy giáo tập tành làm báo cho đến lúc yêu thương và dấn thân vào nghề, người đọc có thể thấu hiểu được hoạt động báo chí qua các thời kì, những nỗi niềm, những gian nan, vất vả và cả hy sinh của người làm báo, để mà thấy được ý nghĩa lớn lao của sự nghiệp báo chí và thấu hiểu hơn cho người làm báo. 

Nhưng, quan trọng hơn tất cả, điều mà tác phẩm truyền tải đến người đọc, đó chính là cái tâm của người cầm bút. Cái tâm ấy đến từ bản lĩnh nghề nghiệp, từ sự dấn thân, đến thái độ ứng xử của người làm báo đối với các tình huống xảy ra trong cuộc sống. Cùng với những triết lý báo chí, những công việc “bếp núc” tòa soạn, những kinh nghiệm “thương đau” trong nghề… đã làm nên một cẩm nang nghề báo đầy hữu ích cho những người trong và ngoài nghề. 

Tác phẩm của nhà báo Lê Khắc Hoan.
Tác phẩm của nhà báo Lê Khắc Hoan.

Dùng cách “lạ” phổ biến sách hay 

Từ tác phẩm đầu tay “Mái trường thân yêu” xuất bản cách đây hơn 50 năm, “Làm báo – mực mài nước mắt” có lẽ là tác phẩm đánh dấu chặng đường sau cuối của nhà văn – nhà giáo – nhà báo kì cựu Lê Khắc Hoan. Lê Khắc Hoan giờ đây đã ngoài 80 tuổi với nhiều căn bệnh trong người. Nhưng lòng nhiệt huyết với nghề dường chưa bao giờ tắt trong ông. 

Với mong muốn đưa quyển sách đến với đông đảo bạn đọc, First News Trí Việt đã có một cách thức phát hành sách hết sức độc đáo: Ngoài việc chọn nhà sách trực tuyến Tiki làm nhà phát hành độc quyền với mức giá đặc biệt, Trí Việt còn bắt tay với một đơn vị hoàn toàn không liên quan gì đến xuất bản, đó là thương hiệu café Passio. Độc giả mua một quyển sách sẽ được tặng một ly café của thương hiệu café đang khá nổi tiếng trong giới trẻ này. 

Việc phát hành sách cũng sẽ được cả First News, Tiki và Passio chung tay quảng bá. Đây là một động thái khá “đi cùng thời đại”, khuyến khích tinh thần đọc sách của những bạn trẻ. Điều này càng đáng quý hơn, khi “Làm báo – mực mài nước mắt” hoàn toàn không phải là một quyển sách mang tính thương mại, hay có tiềm năng về mặt doanh thu.

Điều quan trọng hơn cả, với những người tâm huyết với nghề báo, đó là đưa tinh thần làm báo chân chính lan tỏa rộng khắp, với những người làm báo, những người yêu nghề báo và cả những người chưa biết nhiều về nghề báo.

Đọc thêm