“Vụ án Tống Văn Sơ”: Những quyết định vi hiến

(PLO) -Đúng hay không đúng khi bắt và tiến hành việc trục xuất Tống Văn Sơ? Liên tiếp từ phiên tòa thứ năm trở đi, đại diện Hoàng gia Anh và luật sư Jenkin đã tranh luận khá kịch liệt. Và cuối cùng, Hoàng gia Anh đã thực sự… đuối lý.
Bút tích của Bác Hồ kể về vụ án Tống Văn Sơ trong tác phẩm “Vừa đi đường, vừa kể chuyện”
Bút tích của Bác Hồ kể về vụ án Tống Văn Sơ trong tác phẩm “Vừa đi đường, vừa kể chuyện”

Ngày 24/8/1931, Tòa Thượng thẩm tiếp tục làm việc phiên thứ năm vụ án Tống Văn Sơ. Thay mặt bị cáo, luật sư Jenkin chỉ trích mạnh mẽ những quyết định của Hội đồng Hành pháp: “Các lệnh ban hành không có giá trị vì có sự lạm quyền của Hội đồng Hành pháp. Mỗi lệnh là một sự giả mạo, đội lốt trục xuất” hòng giao “bị cáo” cho nhà cầm quyền Pháp”.

Chỉ trích mạnh mẽ của luật sư

Ngay tại tòa, luật sư Jenkin liên tiếp đưa ra những lý lẽ vạch trần tính sai trái của lệnh trục xuất thứ hai đối với thân chủ của mình.

Bởi sau khi ban hành lệnh thứ nhất, cơ quan hành pháp không có quyền ban hành thêm bất cứ lệnh trục xuất nào khác đối với bị cáo; lệnh thứ hai ban hành khi lệnh thứ nhất còn hiệu lực là sai; lệnh thứ hai chỉ được đưa ra sau khi thi hành xong lệnh thứ nhất; lệnh thứ hai chỉ ban hành trong trường hợp đặc biệt; lệnh thứ hai không được ban hành trong một buổi họp của Hội đồng Thống đốc được triệu tập hợp lệ và có thành phần hợp lệ; việc thẩm vấn sai của Ban Thư ký Trung Hoa vụ đã làm mất hiệu lực của cả hai lệnh trục xuất. 

Đặc biệt, luật sư Jenkin cho rằng dù lệnh trục xuất thứ nhất được thực hiện, thì Hội đồng Thống đốc cũng không thể bắt giữ theo lệnh thứ hai vì nó trái với luật hiện hành. Bởi Tống Văn Sơ vừa được phóng thích theo Luật Bảo thân, nhưng lại bị bắt giữ trở lại với cùng một nguyên nhân, như vậy là vi hiến. 

Trong khi đó, lời khai mới của bị cáo Tống Văn Sơ được đọc tại tòa đã làm náo động dư luận khi Người thừa nhận có quan hệ gắn bó với phong trào cách mạng Việt Nam và Đông Dương. Trong lời khai mới, Người vẫn khai “Tôi 36 tuổi. Tôi sinh ở Thành phố Đông Hưng thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Tôi đã gắn bó mật thiết với phong trào cách mạng Việt Nam và Đông Dương nói chung, phong trào có mục đích cao nhất là lật đổ toàn bộ quyền lực của Chính phủ Pháp ở đó và thay thế bằng một chính phủ dân tộc dưới sự lãnh đạo của người bản xứ”. 

Từ lời khai đó, Tống Văn Sơ khẳng định mục đích bắt Người ở Hồng Kông không gì khác hơn mà chính theo lời người thẩm vấn là giao bị cáo cho chính quyền Pháp và người thẩm vấn đã khẳng định “Đó là việc chúng tôi sẽ làm”. 

Cảnh xét xử trong phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”
 Cảnh xét xử trong phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”

Về tính bất hợp pháp của lệnh trục xuất thứ hai, luật sư Jenkin nhấn mạnh tới việc cho ra đời một lệnh khống bởi lệnh ban hành ngày thứ Bảy (15/8), trong khi đó cứ thứ Năm hàng tuần Thống đốc chủ trì một cuộc họp Hội đồng Hành pháp.

Bởi vậy sẽ là vô ích nếu tìm được biên bản cuộc họp Hội đồng Hành pháp vào thứ Bảy, dù cho cuộc họp đó có diễn ra thật thì cũng khó triệu tập đủ thành phần tham gia. Lời cáo buộc của luật sư đã làm cho phiên tòa trở nên nóng hơn bao giờ hết. Bước sang ngày hôm sau, tòa tiếp tục với phiên thứ sáu. 

Lời biện hộ của hoàng gia

Ngày 25/8, phiên tòa thứ sáu tiếp tục. Sau một tối chuẩn bị để có chứng cứ biện hộ cáo buộc của luật sư Jenkin, Công tố Hoàng gia Alabaster đã trình bày rằng, lệnh trục xuất thứ hai ban hành ngày thứ Bảy (15/8) thực ra đã có từ thứ Năm, và chỉ sử dụng trong trường hợp lệnh thứ nhất là sai. 

Công tố Alabaster
Công tố Alabaster

Đáp trả lại luận điệu biện hộ khiên cưỡng ấy, luật sư Jenkin yêu cầu Hoàng gia phải tuyên bố tài liệu ông Smith đưa ra là sai, bởi cho đến lúc đó, tài liệu đó vẫn công bố điểm mấu chốt quan trọng rằng bị cáo đã khai mình có bí danh thứ ba là Nguyễn Ái Quốc khi được thẩm vấn:

“Tôi muốn ông Công tố nói rõ vấn đề này, vì ông tuyên bố rằng chính tài liệu này, tài liệu mà ông Smith đưa ra, lại là một tài liệu giả, đến mức nó cố ý cho rằng nguyên đơn đã cung khai tên thứ ba. Rõ ràng Ban Thư ký Trung Hoa vụ đã dùng mọi cách để làm người đàn ông này thừa nhận ông ta là Nguyễn Ái Quốc”.

Đây chính là điểm sống còn của vụ án hòng dựng nên điểm hợp lý khi trục xuất bị cáo về Đông Dương. Bởi theo luật Hồng Kông bấy giờ thì người bị trục xuất sẽ bị trục xuất về nước sở tại nơi anh ta sống.

Tường thuật của báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng về phiên tòa thứ bảy
 Tường thuật của báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng về phiên tòa thứ bảy


  Trước những luận cứ buộc tội của luật sư, Công tố Alabaster lại một lần nữa phải đấu lý nhưng thực sự đuối lý khi biện hộ. Ông Alabaster tuyên bố rằng mình không thể khẳng định được là nguyên đơn có khai bí danh là Nguyễn Ái Quốc.

Về lệnh trục xuất, vị đại diện Hoàng gia trả lời: “Chúng tôi có lệnh và được phép của Hội đồng Thống đốc đề nghị chúng ta phải chấp nhận rằng lệnh được ban hành là theo chỉ thị của Thống đốc”. Nghĩa là với luận điểm này, Alabaster muốn xóa bỏ mọi điểm sai trái về thời điểm ban hành lệnh trục xuất. 

Cuộc tranh biện đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của Chánh án Joseph Kemp và Thẩm phán Justice Lindsell. Theo gợi ý của họ, luật sư Jenkin và Công tố Alabaster đã có cuộc hội ý ngắn để thỏa thuận.

Sau cùng, Công tố Alabaster nói: “Cuộc họp của Hội đồng diễn ra vào ngày thứ Năm, còn lệnh này ban hành vào ngày thứ Bảy”. Đây là bước nhượng bộ của luật sư Jenkin để tránh cho Hội đồng Thống đốc một phen bị bẽ mặt vì tính sai trái về mặt thời gian khi ban hành lệnh trục xuất.

Tòa tạm nghỉ và phiên thứ bảy sẽ bắt đầu vào ngày 2/9. 

Sự thừa nhận của Hoàng gia

Khi tường thuật phiên tòa thứ bảy, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post) ra ngày 3/9/1931 đã đặt một tít bài rất hay: “Vụ án trục xuất. Chính quyền Hoàng gia có lý hay đuối lý theo điều khoản trong sắc lệnh của Hồng Kông. Đấu tranh cho tự do của người An Nam”.

Rõ là báo đã để ngỏ sự đuối lý của Hoàng gia Anh trong vụ án này, bởi thực tế thì, việc bắt giữ sai trái và mong muốn trục xuất đã dẫn tới sự phi lý rõ ràng của chính quyền trong vụ án Tống Văn Sơ. 

Tại phiên tòa, Công tố đại diện Hoàng gia Anh là Somerset Fitzroy thừa nhận: “Nếu việc bắt giữ trước đây không đúng luật, thì việc bắt giữ hiện nay là đúng luật. Theo Mục 5… trong đó nói rằng ông ta (Tống Văn Sơ – Người dẫn chú) có thể chuyển từ chỗ giam này sang chỗ giam khác.

Cảnh sát đã đưa ông ta ra khỏi nhà tù và từ đó ông ta bị giam giữ trong nhà giam của cảnh sát. Theo sắc lệnh, kể từ lúc đó ông ta coi như bị bắt và giam giữ hợp pháp cho đến khi rời khỏi nhượng địa”.

Rõ ràng, đại diện Hoàng gia Anh trong phiên tòa đang cố gắng vớt vát uy tín cho chính quyền trong việc bắt giữ phi pháp nhà cách mạng. 

Phản bác lại Công tố Fitzroy, luật sư Jenkin khẳng định rằng: “Nếu nguyên đơn bị giam giữ bất hợp pháp vì lệnh thứ nhất là không hợp lệ, thì ngày 15/8 các ngài không thể giải thích Mục 5 cho phép Thống đốc hoặc một người nào đó làm ngược lại với quyết định được nêu. Do đó, không thể làm cho việc giam giữ bất hợp pháp trở thành hợp pháp bằng việc ban hành một lệnh hợp lệ, mặc dù người ta cho rằng luật pháp cho phép”. 

Ghi nhận ý kiến của luật sư đại diện Tống Văn Sơ, phiên tòa thứ bảy bảo lưu ý kiến luật sư Jenkin. Và tất nhiên, sẽ có phiên tòa thứ tám diễn ra sau đó để tiếp tục về vụ án bắt giữ, trục xuất nhà cách mạng. Tòa đang đi đến những luận điểm cuối cùng để chốt lại vụ án gây nhiều tiếng vang nơi đất Hương Cảng vào thời điểm ấy…/. 

(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 58, ngày 20/6/2016)

Đọc thêm