Xuyên ngày, xuyên đêm trả lại 'đường thông hè thoáng' tại Quảng Ngãi sau bão

(PLVN) - Bão đi qua, ngoài những thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, nhà cửa, khắp đường phố còn cảnh cây cối đổ la liệt, rác bủa vây… Công nhân ngành môi trường cũng vì thế đã vận hành hết công suất, làm việc xuyên ngày, xuyên đêm để hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão.
Công nhân môi trường dọn rác hữu cơ cây xanh bị ngã đổ sau bão số 9 đổ bộ vào Quảng Ngãi
Công nhân môi trường dọn rác hữu cơ cây xanh bị ngã đổ sau bão số 9 đổ bộ vào Quảng Ngãi

Đi qua các con phố, ngõ hẻm, khu dân cư ở Quảng Ngãi sau bão, đâu cũng thấy cây cối đổ la liệt, rất nhiều cây to bị bật gốc. Ngoài ra, rác thải dồn ứ trong những ngày bão lớn không thu gom được, nay kèm rác hữu cơ cây xanh khiến mọi thứ trở nên ngổn ngang.

Đã 3 ngày nay, chị Nguyễn Phan Trâm Khanh, nhân viên Xí nghiệp môi trường Quảng Ngãi cùng hàng trăm anh chị em phải làm việc hết công suất.

Rác sau bão được tập trung 1 điểm...
Rác sau bão được tập trung 1 điểm...
... hay chất 2 bên đường là những hình ảnh dễ thấy trên những con phố những ngày qua
... hay chất 2 bên đường là những hình ảnh dễ thấy trên những con phố những ngày qua

Chị Khanh cho biết, nhiều năm gắn bó với với quê hương và công việc này, nhưng đây là lần đầu tiên chị thấy cơn bão khủng khiếp vậy. Lượng rác cũng vì thế mà phát sinh khổng lồ. 

“Chúng tôi bắt đầu làm việc từ 6h sáng đến tầm 10h30 đêm. Đi làm sớm hơn giờ bình thường, ăn uống phải tranh thủ. Ai nấy chỉ mong thu gom hết số rác tồn đọng còn lại để trả lại cho Quảng Ngãi hình ảnh 1 ngày thường trước đó”, chị Khanh nói.

Với núi công việc khổng lộ, công nhân môi trường phải làm việc hết công suất mới có thể thu gom
Với núi công việc khổng lộ, công nhân môi trường phải làm việc hết công suất mới có thể thu gom

Chị Khanh chia sẻ thêm, bão số 9 quét qua, gia đình chị cũng như nhiều anh em khác đều bị ảnh hưởng nặng nề. Có nhà tốc mái, có nhà đổ ngã tường, cây trồng la liệt trong nước bùn… Tuy nhiên, vì yêu cầu công việc và trách nhiệm với công đồng, chị đành gạt “nỗi niềm riêng”, dành lực cùng đơn vị của mình làm sạch phố phường. 

Theo số liệu sơ bộ, sau cơn bão số 9, tỉnh Quảng Ngãi có đến 6.000 cây xanh đô thị bị ngã đổ, cùng với đó nhiều cột điện, cột đèn hư hỏng, nhà cửa, cở sở y tế, cơ quan, trường học bị tốc mái.

Theo thống kê sơ bộ, Quảng Ngãi có đến 6.000 cây xanh bị ngã đổ do bão số 9...
 Theo thống kê sơ bộ, Quảng Ngãi có đến 6.000 cây xanh bị ngã đổ do bão số 9...

Để nhanh chóng khắc phục hậu quả, Quảng Ngãi đã chỉ đạo triển khai ngay công tác dọn vệ sinh môi trường. Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi là một trong những đơn vị chủ lực, vận hành hết công suất, huy động tối đa nhân lực, tăng ca, tăng giờ làm việc để thu gom rác thải ra khỏi địa bàn nhằm tránh ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân.

Với "núi" công việc khổng lồ, công nhân môi trường phải bắt đầu làm việc từ 6h sáng đến tận đêm khuya. Lá cây, cành cây xanh, cùng tất cả các loại rác sinh hoạt… được nhân viên môi trường đảm nhiệm dù mưa lạnh, mùi hôi thối, ẩm ướt bốc lên, đặc biệt có những cành cây to phải cần đến nhiều người mới khuân nổi lên xe.

Ngoài rác thải hữu cơ cây xanh, rác thải sinh hoạt dồn ứ trong những ngày bão cũng rất nhiều.
Ngoài rác thải hữu cơ cây xanh, rác thải sinh hoạt dồn ứ trong những ngày bão cũng rất nhiều. 

Ông Vương Hùng Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Quảng Ngãi cho biết, ngay sau khi bão số 9 vừa tan, Công ty đã huy động tổng lực để dọn dẹp vệ sinh môi trường. Để khắc phục và nhanh chóng ổn định cuộc sống của nhân dân, trước tiên công ty đã kiểm tra và chỉ đạo các tổ, đội cây xanh ưu tiên cắt cành, cắt cây, dựng lại cây bị ngã tại các tuyến đường chính và các khu vực có nhiều cây xanh đổ. 

Những ngày qua, có 530 cán bộ công nhân viên công ty và 30 xe ben đang tốc lực thu dọn, cưa chặt cây xanh trên các tuyến đường để đảm bảo đường thông hè thoáng. Đồng thời, Công ty cũng tiếp nhận thêm 60 nhân lực vệ sinh môi trường từ 3 địa phương gồm Quy Nhơn, Kontum và Phú Yên cùng với các phương tiện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Ngoài công nhân Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi, đơn vị còn huy động thêm nhân lực vệ sinh môi trường từ Quy Nhơn, Kom Tum và Phú Yên...
 Ngoài công nhân Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi, đơn vị còn huy động thêm nhân lực vệ sinh môi trường từ Quy Nhơn, Kom Tum và Phú Yên...

Cũng lời ông Vương Hùng Vân, do lượng cây đổ ngã ở TP Quảng Ngãi quá lớn nên ngoài lực lượng cán bộ, công nhân viên môi trường, UBND TP Quảng Ngãi đã huy động thêm các lực lượng hỗ trợ như đoàn thanh niên, đoàn viên công đoàn để gấp rút dọn vệ sinh.

“Hiện tại, có tổng cộng khoảng 900 người đang tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu dọn cây. Phấn đấu trong ngày 31/10 sẽ đảm bảo thông thoáng các tuyến phố như sự chỉ đạo của tỉnh. Trong các ngày sau đó, Công ty tiếp dục quét dọn, làm vệ sinh để đảm bảo mỹ quan cho rhành phố”, ông Vương Hùng Vân nói.

Ngày 31/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cũng đã đến hiện trường kiểm tra tình hình khôi phục lưới điện, cấp nước, dọn vệ sinh môi trường. Tại các nơi đến kiểm tra, đồng chí Đặng Văn Minh động viên, đánh giá cao tinh thần nỗ lực làm việc hết mình của công nhân môi trường trong việc khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra.

“Cây cối ngã đổ được thu dọn nhanh chóng, đường phố đã thông thoáng”, ông Đặng Văn Minh biểu dương và lưu ý trong quá trình khắc phục hậu quả cơn bão số 9 phải chú ý đến công tác bảo đảm an toàn cho công nhân, đồng thời mong muốn người dân cần chia sẻ vì việc khắc phục hậu quả không thể một sớm, một chiều hoàn thành ngay được. 

Công nhân môi trường làm ngày làm đêm để trả lại "đường thông hè thoáng" cho Quảng Ngãi theo đúng yêu cầu đưa ra
Công nhân môi trường làm ngày làm đêm để trả lại "đường thông hè thoáng" cho Quảng Ngãi theo đúng yêu cầu đưa ra 

Thiệt hại gần 4.500 tỷ đồng

Ngày 31/10, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, cơn bão số 9 gây thiệt hại trên địa bàn tỉnh ước tính 4.480 tỷ đồng. Tỉnh đang huy động tổng lực khắc phục thiệt hại, sớm ổn định đời sống người dân.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, thiệt hại nặng nhất là nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng, các công trình phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân, công trình công cộng thiết yếu, các tuyến đê biển, sông bảo vệ các khu dân cư.  Cụ thể, toàn tỉnh có 13 người bị thương, 325 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 140 nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Ngoài ra, có 450 trường học, cơ sở giáo dục, 70 cơ sở y tế, 105 nhà văn hóa thôn, xã bị tốc mái, hư hỏng; nhiều tuyến đường giao thông, hệ thống kênh mương thủy lợi bị sạt lở…

Để khắc phục hậu quả cơn bão, chính quyền các cấp trong tỉnh phối hợp với đoàn thể, các đơn vị liên quan đã huy động tổng lực khẩn trương giúp người dân sửa chữa nhà bị tốc mái, hư hỏng, tập trung khôi phục hệ thống lưới điện, hệ thống nước sinh hoạt và thu dọn vệ sinh môi trường. 

Đọc thêm