Dân sống khổ vì ruồi nhặng, khói độc bủa vây từ bãi rác Quảng Tiến

(PLO) -Nhiều người dân kêu cứu rằng, gần 4 năm nay, họ và con cháu phải sống chung với ruồi và khói độc. Môi trường độc hại khiến những căn bệnh truyền nhiễm ngày một nhiều hơn trước.
Những xe rác từ thập phương ngùn ngụt đổ về bãi. Do phải đóng phí (60 ngàn 1 xe) nên không ít xe rác khi qua các đồi thông vắng người thì lén lút đổ ở 2 bên đường
Những xe rác từ thập phương ngùn ngụt đổ về bãi. Do phải đóng phí (60 ngàn 1 xe) nên không ít xe rác khi qua các đồi thông vắng người thì lén lút đổ ở 2 bên đường

Ruồi nhặng, khói độc bủa vây

Ruồi, nhặng xanh, khói độc thi nhau bủa vây dân sống quanh bãi rác Quảng Tiến (nằm trong phần địa giới thuộc 2 xã Quảng Lưu và Quảng Tiến thuộc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). 

Theo tìm hiểu, bãi rác Quảng Tiến được đưa vào hoạt động từ tháng 9/2013, trên quy hoạch nó nằm trên diện tích đất xã Quảng Lưu và một phần nhỏ của xã Quảng Tiến.

Ông Trần Hoạch, 92 tuổi, thôn Hà Văn nói như khóc: “rác họ đốt cả ngày cả đêm vậy, đốt nham nhở, khói không thở được. Trong nhà, ruồi nhặng xanh từ đâu ra mà đen đất đen trời vặt vào cơm ăn vậy. Kinh khủng lắm mấy chú, trước đây làm gì có những cảnh tượng ruồi nhặng bủa vây như thế chứ.

Không những thế, nhiều năm nay khói độc đốt từ bãi rác khiến con, em trong làng này đa phần mắc các căn bệnh như ho hen, thủy đậu, sởi… Lớp già như tụi tui, sắp gần đất xa trời rồi không nói làm chi, chứ tụi nhỏ cứ chịu cảnh này suốt không biết tương lai nó sẽ đi về đâu nữa”.

Khói độc từ bãi rác theo các hướng gió lan đến nhà dân. Vào những ngày cao điểm khói đen phủ kín trời đất và đường .
Khói độc từ bãi rác theo các hướng gió lan đến nhà dân. Vào những ngày cao điểm khói đen phủ kín trời đất và đường .

Theo phản ánh, thường những ngày tiết trời ẩm ướt, ruồi nhặng sẽ vào làng, chúng đậu khắp các góc nhà, đen kịt như vải mè. Khói độc ngoài bãi rác cũng theo đó âm ỉ, kéo vào nhà dân. Nhiều hôm, người dân chạy xe máy mà khói vây mù mịt không thấy cả đường đi.

Người dân hết sức hoang mang trước tình trạng đó, cứ đến bữa là lại treo màn rồi thì đặt bẫy khắp bàn ăn để xua ruồi.

Bà Trần Thị Nga, 56 tuổi, xóm 3, thôn Văn Hà than thở: “Ngay nước ở giếng trong vùng, mỗi khi tiết trời thay đổi cũng bốc mùi hôi rất khó chịu. Cứ múc nước lên là phải để dăm phút cho bay mùi mới dám sử dụng.

Bà Trần Thị Nga (xóm 3, thôn Văn Hà, xã Quảng Tiến) đang phản ánh về tình trạng nước giếng mình bị ô nhiễm.
Bà Trần Thị Nga (xóm 3, thôn Văn Hà, xã Quảng Tiến) đang phản ánh về tình trạng nước giếng mình bị ô nhiễm.

Con gái tui mấy năm này đau ốm triền miên, toàn bệnh chi chi đâu. Mới hôm rồi tui lo quá, phải đưa nó ra bệnh viện ở Hà Nội để khám”.

 Theo ghi nhận của chúng tôi vào tại bãi rác Quảng Tiến, hiện khói độc vẫn âm ỉ bốc lên bầu không khí rồi theo về cuối gió nơi có làng Văn Hà với 395 hộ dân (1.293 nhân khẩu). Tại đây, những chiếc xe tải cỡ lớn chất đầy rác, ùn ùn kéo về.

Bãi rác vẫn không có người kiểm soát, không có trạm gác nên phần lớn các xe ngang nhiên trút đổ rác khắp tứ phía. Theo như một số phu nhặt rác ở đây thì, tại bãi rác vẫn có một cán bộ canh trực nhưng không kiểm soát hết được.

Ông Trần Đình Thương, trưởng thôn Văn Hà.

Ông Trần Đình Thương, trưởng thôn Văn Hà.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Thương, trưởng thôn Văn Hà trình bày nguyện vọng: “Nếu không di dời bãi rác đó đi thì cũng phải làm cách nào để đó để có biện pháp xử lý khoa học hơn, chứ không thể nào cứ đầy rác lại đốt như thế kia được.

Trước đây, thống nhất với dân là phải lấp rác theo quy trình, chứ không phải là đốt như thế. Dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị lên trên mong các cấp ban ngành có biện pháp để giải quyết tình trạng trên sớm ngày nào tốt ngày đó”. 

Buông lỏng khâu quản lý?

 Được biết, từ khi đưa vào hoạt động đến nay, công tác quản lý từ bãi rác vẫn chưa được quan tâm sâu sát. Công tác quản lý hầu như chỉ trông chờ vào một người bảo vệ đã lớn tuổi (nhiệm vụ chỉ để làm công tác gác chắn xe và thu lệ phí – PV).Với trữ lượng rác ngày càng lớn, ngày cao điểm bãi rác nhận trên 30 tấn chất thải và cứ 2 tháng bãi mới tiến hành “xử lý” một lần. Nghịch lý ở chỗ, dù gọi bằng thuật ngữ “xử lý” nhưng thực tế thì đó chỉ đơn thuần là đốt đi.

Từ bãi rác Quảng Tiến chúng tôi đi dọc theo con đường đất đỏ từ QL 1A (đoạn qua xã Quảng Hưng), chạy vào khu bãi rác. Theo ghi nhận, ở 2 bên đường đoạn qua đồi thông (ranh giới 2 xã Quảng Tiến và Quảng Lưu), những đống rác thải nằm ngổn ngang ở các nhánh đường.

Ruồi, nhặng xanh bủa vây nhà dân vào những ngày trời âm u, ẩm ướt.
Ruồi, nhặng xanh bủa vây nhà dân vào những ngày trời âm u, ẩm ướt.

Rác khuất trong bụi rậm, lẩn khuất trong các ngách. Hệ lụy là, từ những đống rác được đổ trộm đó nhiều ruồi, nhặng và mùi hôi thối đã sinh ra. Đặc biệt là những hôm nắng trời gay gắt rác thải càng bốc mùi khó chịu hơn.

Theo những người dân nơi đây, hễ thấy khuất người là nhiều xe rác lại lén lút vào các ngõ hẻm trong đồi thông để đổ rác nhằm tránh phí vào bãi (phí vào bãi rác một xe phải đóng 60 ngàn đồng). Đã nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân trong vùng đều đồng tình kiến nghị về vấn nạn trên nhưng đến nay mọi chuyện vẫn không mấy tiến triển. 

Ông Tạ Quang Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến, cho biết thêm: Chỉ khi bãi rác được giao lại cho huyện quản lý (đầu năm 2016) thì mới ban hành quy chế hoạt động, nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy. Nguyên nhân sâu xa vẫn do khâu quản lý và công tác vận hành của bãi rác còn tự phát. Trong xã có 4 thôn, trong đó 3 thôn bị ảnh hưởng nặng.

Theo ghi nhận của địa phương, những năm gần đây bệnh tật từ trẻ em và người già trong xã ngày càng nhiều. Đặc biệt là những căn bệnh truyền nhiễm. “Mong mỏi lớn nhất của địa phương hiện tại là các cấp, ban ngành cần sớm vào cuộc để quản lý sâu sát hơn, cũng như vận hành lại cơ chế hoạt động của bãi rác. Đặc biệt là cần có những biện pháp xử lý rác khoa học hơn, không thể đốt bừa bãi như thế được”, ông Vĩnh trình bày nguyện vọng.

Ông Tạ Quang Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến.

Ông Tạ Quang Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến.

Ông Tạ Quang Vĩnh cho biết thêm, bãi rác Quảng Tiến đã đi vào hoạt động từ khoảng thời điểm trước năm 2012. Sau khi phát động chiến dịch nông thôn mới thì hầu hết số lượng rác của huyện đều tập trung về đây. Từ khoảng đầu năm 2016 thì mới giao cho huyện quản lý (thuộc BQL các công trình công cộng thị xã Ba Đồn).

Đến đây thì huyện Quảng Trạch mới ban hành cơ chế hoạt động và quản lý. Khó khăn lớn nhất thời điểm hiện tại là từ khi đi vào hoạt động, đã nhiều năm nay, hầu hết các cơ sở vật chất cũng như hệ thống xử lý rác thải đều bị hư hại hết

Đọc thêm