Dấn thân vào “điểm nóng”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ở dải đất miền Trung, mưa lũ và sạt lở là “đặc sản” thiên nhiên ban tặng. Với những nhà báo, phóng viên ở đây, tác nghiệp giữa mưa lũ đã trở thành “cơm bữa” dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thậm chí nguy hiểm cả tính mạng.
Phóng viên PLVN vào “rốn lũ” huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình tác nghiệp.
Phóng viên PLVN vào “rốn lũ” huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình tác nghiệp.

Gần 3 năm kể từ ngày bước chân vào gia đình Báo PLVN, được hoạt động tại 3 tỉnh vùng Bình - Trị - Thiên, tôi đã không ít lần được giao nhiệm vụ cập nhật thông tin về tình hình mưa lũ và sạt lở. Mỗi lần được giao nhiệm vụ, tôi tìm đến những nơi xảy ra hậu quả nặng nề để tác nghiệp bởi chỉ những ghi nhận, bức ảnh, thước phim ở nơi đó mới lột tả hết mất mát, đau thương của người dân miền Trung trước cuồng phong bão táp.

Trong nhật ký tác nghiệp, tôi vẫn còn nhớ như in những ngày tháng 10/2020, các tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế xuất hiện mưa lớn. Những cơn mưa nặng hạt, trắng trời kéo dài suốt nhiều ngày khiến mực nước các con sông không ngừng dâng cao, nước lũ bắt đầu lênh láng khắp nhà dân, phủ trắng các con đường ngõ xóm.

“Chú ý cập nhật nhanh, đầy đủ thông tin mưa lũ, nhớ đảm bảo an toàn trong tác nghiệp”, nhận lời nhắn nhủ vội vàng của nhà báo Nguyễn Quang Tám, Trưởng VPĐD Báo PLVN khu vực Bình Trị Thiên, tôi xếp vội máy ảnh, máy tính… rồi cùng đồng nghiệp tìm thuyền vào các “rốn lũ” xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa), xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) và các xã bị ngập sâu thuộc huyện Lệ Thủy. Cảm giác vừa đi thuyền, vừa tát nước do sóng lũ đánh vào, vừa suy nghĩ trước trong đầu những ý tưởng để viết bài… là không thể quên. Đợt lũ ngày 9/10/2020 ấy, toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 12.600 hộ gia đình bị ngập lụt.

Nhiều ngôi nhà tại Quảng Bình bị nước lũ nhấn chìm hoàn toàn trong cơn “đại hồng thủy” xảy ra vào cuối tháng 10/2020.

Nhiều ngôi nhà tại Quảng Bình bị nước lũ nhấn chìm hoàn toàn trong cơn “đại hồng thủy” xảy ra vào cuối tháng 10/2020.

Sau khi lũ rút không lâu thì ở Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) xảy ra sạt lở, vùi lấp 17 công nhân đang thi công trong khu vực công thủy điện. Rồi 13 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn vào tìm kiếm công nhân mất tích cũng bị vùi lấp do một trận sạt lở khác xảy ra tại khu vực Trạm kiểm lâm 67. Tôi tiếp tục được Trưởng Văn phòng cử vào Thừa Thiên - Huế tăng cường.

Tôi bắt xe khách vào Thừa Thiên - Huế trong sáng sớm 15/10/2020. Vì xe khách chỉ chạy trên trục QL1A nên sau khi đến địa phận huyện Phong Điền, tôi đi bộ gần 5km để vào hiện trường vụ sạt lở. Khi đến nơi, các lực lượng chức năng đang rất khẩn trương triển khai công tác cứu hộ thủy điện Rào Trăng 3 và Đoàn 13 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn. Trong bầu không khí lo lắng và sự chờ đợi phép màu đến từ những người mất tích dưới đống đổ nát của vụ sạt lở, những người làm báo như tôi lại bắt đầu nhiệm vụ thông tin đến với độc giả một cách nhanh nhất.

Còn nhớ khoảng thời gian từ 12h đến 19h30p ngày 15/10/2020, thi thể 13 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn tại Trạm Kiểm lâm 67 lần lượt được tìm thấy. Chứng kiến và ghi hình những chiếc xe cứu thương đưa thi thể Đoàn cán bộ gặp nạn lần lượt đi ra từ hiện trường vụ sạt lở để đưa tin vào thời điểm đó thực sự khiến tôi xót xa.

Chỉ vài ngày sau, lũ lớn lại đổ về Quảng Bình, với nhiệm vụ của phóng viên theo dõi thông tin trên địa bàn, tôi nhanh chóng quay ra Quảng Bình. Không giống như đợt lũ cách đó ít hôm, đợt lũ lần này tại Quảng Bình thực sự là một trận “đại hồng thủy”. Thời điểm đó, khung cảnh nước lũ trắng xóa nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà ở hầu hết các thôn bản, toàn tỉnh Quảng Bình lúc đó có hơn 100.000 ngôi nhà bị ngập lụt sâu trung bình từ 1,5-2m.

Trong sự khắc nghiệt của mưa lũ ngày ấy, việc di chuyển tác nghiệp để đưa những thông tin chân thực nhất đến với bạn đọc gặp không ít khó khăn do nước lũ chảy xiết và sóng lũ rất lớn. Nhưng khi đã tiếp cận được vùng ngập lụt thì dù bụng có đói đến cồn cào, người rét run bần bật thì lại muốn đi thêm một số khu vực lân cận nữa để nguồn thông tin và hình ảnh thêm phần phong phú.

Sự vất vả khi tác nghiệp trong điều kiện mưa lũ là điều hiển nhiên nhưng xót xa nhất khi tác nghiệp trong thiên tai vẫn là việc chứng kiến cảnh nước lũ chảy xiết nhấn chìm nhiều nóc nhà, nhiều tài sản bị dòng nước lũ cuốn trôi, tiếng người dân kêu cứu vọng đến tai đầy thảm thiết...

Bản thân tôi quan niệm rằng, đã chọn nghề báo thì trách nhiệm thông tin phải đặt lên hàng đầu. Đó phải là thông tin đúng sự thật, khách quan, nhân văn để chuyển đến bạn đọc một cách hiệu quả nhất. Và điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là có cơ hội rèn nghề, được thể hiện những ý nghĩ, thỏa sức sáng tạo dưới mái nhà chung PLVN.

Đọc thêm