Ai cũng biết bao cao su chính là “bùa hộ mệnh” của mỗi gia đình trong việc phòng chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS và bảo vệ hạnh phúc gia đình, nhưng không phải người nào cũng “nhiệt tình” với vật phòng thân này.Và, cũng từ đó, bao chuyện đau lòng đã xảy ra...
Muộn màng nhận thức, sớm sủa tử thần
Cả cái buôn nhỏ nơi rừng núi xa xôi và hẻo lánh Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đều biết đến đôi vợ chồng ấy bởi sự khéo léo và nết ăn ở của họ. Thế nhưng, chỉ chung sống với nhau chưa đầy năm, người chồng đột ngột bỏ vợ ra đi với cái thai sắp đến ngày sinh nở.
Chưa hết đau đớn vì sự ra đi của chồng, chị Dương Thị L. càng choáng váng khi biết mình bị nhiễm HIV sau khi đi làm xét nghiệm trước sinh. Đến lúc này, chị mới thảng thốt nhận ra một sự thật phũ phàng rằng đó chính là “tai họa thế kỷ” chồng tặng bởi chồng chị đã làm bạn với “nàng tiên nâu” từ lâu, và hậu họa trên chính là kết quả của những lần “chia sẻ” ma túy với chiến hữu.
Dự án “Dự phòng lây nhiễm HIV cho bạn tình của người tiêm chích ma túy” sau khi thí điểm thành công tại Hà Nội đang tiếp tục được triển khai tại tỉnh Điện Biên với sự tài trợ của USAID/PEPFAR. |
Hoàn cảnh của Trần Thị H. (SN 1983, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng éo le không kém. Cả hai người đàn ông mà Huệ gắn bó đều là đệ tử của ma túy và cả hai đều mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Sau khi người chồng đầu tiên phát bệnh, cô gái mảnh mai và yếu đuối ấy đã phải gồng mình vượt qua mọi cú sốc cũng như điều tiếng và dị nghị của cộng đồng và xã hội để tiếp tục sống, nuôi con và hỗ trợ chồng chống chọi với bệnh tật.
Sau khi chồng mất, số phận đã run rủi cho Huệ gặp người đàn ông thứ hai của cuộc đời mình. Đó là một người hiền lành, hiếu thuận nhưng cũng đầy bất hạnh. Dẫu biết anh nghiện hút ma túy và đã nhiễm HIV nhưng với một sự đồng cảm sâu sắc, Huệ đã lại một lần nữa vượt lên tất cả để trở thành người bạn tri kỷ của anh. Để rồi, căn phòng trọ nhỏ chưa đầy 15 mét vuông ấy của họ luôn ấm áp hạnh phúc, tình yêu nhưng cũng chan đầy nước mắt...
Việt Nam hiện có tới 150.000 người sử dụng ma túy, trong khi đó một trong những con đường lây nhiễm HIV chủ yếu là qua dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy. Không dừng lại ở dó, những người này tiếp tục lây nhiễm cho vợ hoặc bạn tình của họ. Các nghiên cứu cho thấy có đến 88% phụ nữ nhiễm HIV là do lây nhiễm qua quan hệ tình dục, đa số là với chồng hoặc bạn tình gắn bó và có tới 15% phụ nữ có chồng sử dụng ma túy nhiễm HIV...
“Giá anh ấy đừng chích chung...” và “nếu anh ấy sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục thì mọi sự đã khác” đã và đang là ước mơ của rất nhiều những người vợ bất hạnh. Bởi nếu được vậy, sẽ không có những người mẹ, người vợ phải sống đơn thân, gồng mình chống chọi với bệnh tật và cuộc sống, sẽ không có những đứa trẻ mới sinh ra đã mồ côi cha mẹ và mang trong mình căn bệnh nan y... Đó là những tiếng thở dài được thốt ra của những người trong cuộc. Nhưng mọi chuyện đã quá muộn màng, chỉ có bất hạnh và tử thần là đến sớm.
Chìa tay với bạn tình của người nghiện
Để ngăn ngừa sự nhân lên của đại dịch HIV/AIDS và vì hạnh phúc của mỗi gia đình, dự án “Dự phòng lây nhiễm HIV cho bạn tình của người tiêm chích ma túy” (gọi tắt là dự án “Bạn tình”) đã được triển khai thí điểm tại Hà Nội. Đây là can thiệp đầu tiên dành cho đối tượng bạn tình của người sử dụng ma túy. Cùng với những mục đích đầy nhân văn như giúp cho những người cùng cảnh ngộ có nơi chia sẻ; hỗ trợ người nghiện hút ma túy và bạn tình của họ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS...
Bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng Kiến Phát triển Cộng đồng, đơn vị thực hiện dự án cho biết, dự án luôn hướng đến mục đích giữ được tình trạng âm tính với HIV cho đối tượng bạn tình của người nghiện hút ma túy thông qua các chiến lược dự phòng lây truyền qua quan hệ tình dục, giữ cho chồng âm tính và nâng cao quyền năng cho chị em...
Trong quá trình thực hiện Dự án, các điều phối viên cũng như các tiếp cận viên đều hiểu ra rằng nỗi khó khăn trong công việc của họ vì đa số chị em - là vợ, bạn tình của người sử dụng ma túy vẫn còn rất e dè trong việc đi làm xét nghiệm cũng như sử dụng bao cao su. Bởi vậy, một trong những hoạt động chính mà họ tích cực triển khai là việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của chị em trong lĩnh vực này đồng thời khuyến khích họ sử dụng vật dụng thiết thực và hữu ích này trong quan hệ tình dục.
“Thông qua Hội phụ nữ, những người cùng cảnh, chúng tôi đến từng nhà tuyên truyền, vận động và hướng dẫn họ sử dụng bao cao su. Ai bận buổi sáng thì chúng tôi đến buổi chiều. Người nào làm việc cả ngày thì các tiếp cận viên đến buổi tối. Một, hai lần từ chối, kiên trì thuyết phục và vận động mãi họ cũng phải nghe…” - chị Nguyễn Thị Vân Hà, Điều phối viên ở quận Long Biên cho biết.
“Sợ mọi người e ngại đi xét nghiệm xa, chúng tôi đến tận nhà đón họ đi xét nghiệm, rồi kết nối tổ chức các buổi tư vấn, khám và xét nghiệm cho chị em ngay tại trụ sở của nhóm. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi kiến thức và thực hành sử dụng bao cao su để mọi người hiểu rõ, bớt e ngại cũng như tích cực tham gia vào hoạt động này…” - tiếp cận viên ở quận Hai Bà Trưng, chị Chu Thị Thanh cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình.
Qua 3 năm thực hiện (2009-2011), số người sử dụng bao cao su tăng lên và tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm cặp đôi trái dấu HIV (một người âm tính và một người dương tính với HIV) ngày càng giảm đi chính là một bằng chứng cho thấy hiệu quả của dự án.
Theo bác sỹ Hải Oanh đã có 117.485 lượt được tiếp cận; 73.135 bao cao su được phát; 1589 người được duy trì và chăm sóc; tổng cộng 2899 lượt được xét nghiệm HIV... Có thể nói, dự án Bạn tình đã trao quyền cho những người vợ, bạn tình của người sử dụng ma túy, các tiếp cận viên cũng truyền lửa cho nhau để cùng phòng chống HIV/AIDS cùng với một mong muốn cháy bỏng: Một ngày nào đó HIV/AIDS sẽ không còn hoành hành trên đất nước này!
Hồng Phong