Đăng ký trực tuyến về bất động sản sẽ mang lại nhiều lợi ích

(PLO) - Ngày 11/11, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm về xây dựng, hoàn thiện pháp luật đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm (GDBĐ) bằng bất động sản (BĐS). Đây là hoạt động nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao phó tại Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 36a/NQ-CP và Chỉ thị số 24/CT-TTg.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh: BĐS là tài sản có ý nghĩa về mặt kinh tế, là đối tượng của phần lớn các giao dịch dân sự - kinh tế, thị trường BĐS đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. 
Do vậy, việc hoàn thiện pháp luật, tìm ra những giải pháp nhằm tạo thuận lợi tối đa để các giao dịch về BĐS phát huy được vai trò kinh tế là trách nhiệm và yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước. 
Trong đó, hệ thống quy định pháp luật về đăng ký GDBĐ bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã và đang dần được hoàn thiện, trở thành một trong những giải pháp hữu hiệu, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khuyến khích hoạt động đầu tư vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ đã đạt được, theo Thứ trưởng Hiếu, hoạt động đăng ký GDBĐ bằng BĐS còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Chẳng hạn, thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký, xóa đăng ký thế chấp còn kéo dài hoặc chưa rõ ràng; việc công khai thông tin còn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân... 
Đáng chú ý, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đăng ký thế chấp còn khiêm tốn, dẫn tới hệ quả là việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước hoặc giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin cho người dân còn chưa đạt kết quả như mong muốn. 
Vì thế, Bộ Tư pháp đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, rà soát pháp luật hiện hành, khảo sát thực tiễn làm cơ sở đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký trực tuyến đối với GDBĐ bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và mong nhận được những đề xuất phương hướng hoàn thiện pháp luật của các chuyên gia.
Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ Phạm Tuấn Ngọc chia sẻ, để triển khai đăng ký trực tuyến GDBĐ bằng BĐS, đòi hỏi phải có văn bản quy phạm pháp luật quy định đầy đủ các nội dung liên quan đến đăng ký trực tuyến GDBĐ. 
Ngoài ra, việc đăng ký trực tuyến này phải đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, đơn giản, dễ tiếp cận cũng như phải đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn pháp lý cho các GDBĐ, tạo thuận lợi trong việc quản lý nhà nước về đăng ký GDBĐ của các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính và giảm tối đa chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng tình, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai) Mai Văn Phấn cho rằng, thực hiện mô hình đăng ký trực tuyến về đất đai và BĐS giúp tăng cường năng lực công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, cung cấp thông tin chính xác nhất, nhanh nhất và mới nhất cho mọi đối tượng có nhu cầu theo quy định của pháp luật. 
Chỉ ra nhiều lợi ích kinh tế - xã hội mà mô hình này sẽ trực tiếp mang lại, ông Phấn đặc biệt quan tâm đến lợi ích của việc người dân và các tổ chức có thể tiếp cận được với thông tin đất đai, với giá trị kinh tế rất lớn của thông tin đất đai và một hành lang pháp lý đầy đủ. 

Đọc thêm