Năm Tân Mão qua đi, năm Nhâm Thìn đã đến, tức Rồng đã đến. Nhân năm mang tên Rồng, tưởng cũng nên đôi chút bàn về Rồng cho ngày xuân mới thêm thi vị…
Chẳng ai rõ Rồng có phải là một loài vật đã từng có trên Trái đất này hay không nhưng quả thật, có nhiều dân tộc, nhiều quốc gia tôn thờ loài Rồng.
|
Ở Việt Nam ta, qua hàng nghìn năm lịch sử vẫn mang tiềm thức dân tộc Việt là con Rồng cháu Tiên, con cháu của sự tinh tú nhất trời đất. Cũng trong văn hóa Việt, lại có cả truyền thuyết cá chép hóa Rồng. Cũng không rõ trên đất nước Việt Nam ta ở đâu còn lại dấu tích của loài rồng có thật, nhưng khá nhiều nơi được mang tên loài vật thiêng ấy: Mảnh đất đắc địa nơi miệng rồng, giếng rồng, ao rồng, đuôi rồng (Bạch Long Vĩ), hàm rồng (cầu Hàm Rồng – Thanh Hóa) và truyền thuyết đã kể lại rằng, khi Lý Công Uẩn nhìn thấy Rồng bay lên từ mảnh đất ông chọn làm nơi đặt kinh đô nên ông đã đặt tên cho kinh đô đất Việt là Thăng Long cách nay một nghìn năm có lẻ.
Chính từ con vật không còn tồn tại nhưng thiêng liêng ấy mà người đời đã tạo dựng hình ảnh nó mang đủ những nét tiêu biểu của chim, thú, cá có chân, vẩy mà lại bay lượn trên mây. Thế nên dáng rồng ở Việt Nam cũng mỗi thời một khác khi được khắc họa vào đá, đất nung và nhiều chất liệu khác. Rồng đời Lý khác rồng đời Trần, rồng đời Nguyễn cũng nhiều nét khác đời Lê.
Thời nay chúng ta còn được chiêm ngưỡng hình Rồng cách nay cả nghìn năm ở cột đá chùa Dạm – Bắc Ninh, hay rồng đá ở quần thể di tích Cổ Loa, di tích Hoàng Thành Thăng Long. Riêng đôi rồng đá ở thềm điện Kính Thiên Hoàng Thành cũng được kể lại rằng: Khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, tên toàn quyền lúc ấy đã ra lệnh phá bỏ, nhưng một kỹ sư người Pháp đã “có ý kiến” và gửi thư về cho người đứng đầu Nhà nước Pháp đề nghị không được phá bỏ rồng thiêng vì đây là một tác phẩm điêu khắc có một không hai ở đôi mắt vừa dữ tợn vừa linh thiêng.
|
Rồng thời Trần bằng gốm sứ cũng tìm được khi phát lộ trong khảo cổ Hoàng Thành – Thăng Long. Đó là các đầu rồng đất nung đặt tại đầu đao, nóc nhà mái ngói và các họa tiết của gạch, của đồ vật dụng sứ, đồng. Rồng cũng được khắc, vẽ trong nhiều vật dụng của các thời đại Lý, Trần, Lê… trong hàng ngàn di vật tại Khảo cổ Hoàng Thành – Thăng Long.
Ngày nay người ta căn cứ vào hình dạng rồng các thời đại để tiếp tục khắc vào đá, đắp bằng xi măng, vôi vữa ở đình chùa, miếu mạo, công viên, tạo dáng rồng bằng hoa, cây, viết vẽ trên giấy và các vật liệu khác. Đó chính là hình dạng rồng có thể để lại với thời gian hàng tháng, hàng năm và hàng thế kỷ sau này. Hình rồng cũng lại bất chợt hiển hiện trong khoảnh khắc của một đám mây trắng, mây vàng, mây đỏ trên bầu trời, hay vòi rồng hút nước của những cơn gió xoáy mà may mắn máy ảnh, camerra ghi nhận được.
Dù rồng là loại vật có thực hay không, nhưng nó luôn là hình ảnh mà người Việt ta bắt gặp nhiều nhất ở mọi nơi và là một trong mười hai con giáp. Vậy thì năm Nhâm Thìn này hãy thử nhìn ngắm những hình rồng mà tác giả bài viết đã ghi nhận được ở nhiều nơi, nhiều góc độ khác nhau…
Duy Tường