Danh ca Mai Hương - “viên ngọc quý” của tân nhạc Việt Nam

(PLVN) - “Nếu ví giọng hát Mai Hương như một đóa hoa thì đóa hoa ấy đã đạt đến độ mãn khai. Nếu ví giọng hát ấy như một thứ trái, trái ấy đã chín mùi, hương vị có thể hiến dâng đã trọn vẹn”, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn nhận xét về danh ca Mai Hương như vậy.
Danh ca Mai Hương.
Danh ca Mai Hương.

“Đóa hoa đạt đến độ mãn khai”

Danh ca Mai Hương tên đầy đủ là Phạm Thị Mai Hương. Bà người gốc Hà Nội nhưng sinh năm 1941 tại Đà Nẵng. Bà là con gái của ông Phạm Đình Sỹ và nữ kịch sĩ Kiều Hạnh. Cha của danh ca là anh cả của các thành viên Ban hợp ca Thăng Long như: Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Thái Hằng (Phạm Thị Quang Thái), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh).

Mai Hương được lớn lên từ nhỏ trong một môi trường tràn ngập hơi thở của tân nhạc nên bà cũng thể hiện được năng khiếu âm nhạc từ rất sớm. Từ năm 1953, khi mới được 12 tuổi bà đã dự thi cuộc tuyển lựa ca sĩ của Đài phát thanh Pháp Á.

“Năm 1953, tôi mới 12 tuổi thôi, ở Hà Nội vào Sài Gòn. Tôi lúc đó được cô ruột là cô Thái Thanh khuyến khích ghi tên vào chương trình thi tuyển lựa ca sĩ củaĐài phát thanh Pháp Á. Tôi hát bài “Chú Cuội” của Phạm Duy. Vào đến chung kết mà qua 4 thời kỳlà không phải dễ. Qua thời kỳ thi tuyển, tôi trúng tuyển ngay. Tuần tự như vậy vào chung kết, cô Thái Thanh tập cho bài “Xuân và tuổi trẻ” của nhạc sĩ La Hối, lời Thế Lữ. Tất cả mọi người ngồi ban giám khảo nói rằng một con bé 12 tuổi hát bài ấy là quá khó, thế là chấm đậu luôn”, danh ca Mai Hương từng kể.

Danh sách 11 bài hát trong CD nhạc cổ điển của danh ca Mai Hương.
 Danh sách 11 bài hát trong CD nhạc cổ điển của danh ca Mai Hương.

Từ đó, Mai Hương tham gia rất nhiều chương trình âm nhạc dành cho thiếu nhi đến học sinh, sinh viên. Đồng thời, song song với việc học phổ thông, bà cũng theo học trường quốc gia âm nhạc và được những giáo sư nổi tiếng hướng dẫn như: học violon với thầy Nhiên, ký âm pháp với thầy Nguyễn Cầu, đàn tranh với thầy Nguyễn Hữu Ba và hợp xướng với thầy Hải Linh. 

Tuy nhiên, sau đó vì bận thi tú tài 1 nên Mai Hương phải bỏ dở dang việc học nhạc. Tuy nhiên, bà cũng kịp có được căn bản khá vững vàng nên khi cộng tác với những chương trình tân nhạc lớn của các đài phát thanh, truyền hình, bà không gặp phải một khó khăn nào. 

Mai Hương được hầu hết đồng nghiệp nhận xét là nắm rất vững nhạc lý nên khi vào hát trong đài phát thanh ngay từ khi còn rất trẻ, bà có thể cầm tờ nhạc lên là có thế hát ngay được và phối hợp rất ăn ý với ban nhạc, chứ không cần phải tập dượt trước như nhiều ca sĩ khác. 

Rất nhiều bản nhạc được danh ca Mai Hương đặt dấu ấn riêng như: “Tiếng hát quay tơ”, “Tiếng xưa”, “Thuyền mơ”, “Nguyệt cầm”, “Tiếng sáo Thiên Thai”, “Trương Chi”, “Ước hẹn chiều thu”… Đặc biệt, nhiều nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Khánh, Tô Vũ, Thẩm Oánh… khó ai qua được giọng ca Mai Hương.

Đặc biệt, cách đây khoảng 20 năm, danh ca Mai Hương phát hành CD nhạc cổ điển. CD này chọn ra hầu như tất cả những bài nhạc cổ điển lời Việt quen thuộc nhất với người Việt như: “Trở về mái nhà xưa”,“Chủnhật buồn”, “Dạkhúc”, “Dòng sông xanh”…

CD này có 11 bài hát nhạc cổ điển bất hủlừng danh thế giới. Cho đến nay, CD này vẫn được xem là album nhạc cổ điển lời Việt hay nhất. Đáng chú ý, 9/11 bài trong CD là do nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt. Nhạc sĩ Phạm Duy là chồng của danh ca Thái Hằng (cô ruột của danh ca Mai Hương).

Bài nhạc Ý nổi tiếng vào thế kỷXIX, có tên Come Back to Sorrento (do 2 anh em nhà Curtis soạn)được nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt và đặt tên với tựa đề“Trởvềmái nhà xưa”, được danh ca Mai Hương chọn làm bài hát mở đầu cho CD nhạc cổ điển này.

Vợ chồng danh ca Mai Hương trong ngày cưới.
Vợ chồng danh ca Mai Hương trong ngày cưới. 

Không chỉ thành công ở những bản solo, giọng ca Mai Hương cũng ghi dấu trong nhiều bản nhạc ở hải ngoại với tam ca Tiếng Tơ Đồng, gồm: Mai Hương, Kim Tước, Quỳnh Giao. Và khi Ban hợp ca Thăng Long tái hợp ở hải ngoại, Mai Hương cũng là giọng ca chủ chốt của ban hợp ca.

Danh caMai Hương từng tâm sự: “Khán thính giả của tôi đại đa số là người lớn tuổi. Đó là điều dĩ nhiên vì giọng hát của mình là giọng hát cũ, bài hát mình cũng là bài hát cũ thì đương nhiên đối tượng của mình cũng phải là lớp khán giả đó, lớn tuổi và yêu loại nhạc tiền chiến”.

Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn viết lại lời một nhạc sĩ nhận xét về giọng ca Mai Hương rằng: “Nỗi đau trong tình khúc mình là một vết thương thật sựnhưng hình như nó đã thành sẹo. Vậy mà nhiều khi nghe các ca sĩ hát, ông tưởng chừng như nó còn đang ở trên bàn giải phẫu, đang chảy máu. Sai lầm đó không có ở Mai Hương”.

Chính nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn cũng nhận xét về danh ca Mai Hương rằng: “Nếu ví giọng hát Mai Hương như một đóa hoa thì đóa hoa ấy đã đạt đến độ mãn khai. Nếu ví giọng hát ấy như một thứ trái, trái ấy đã chín mùi, hương vị có thể hiến dâng đã trọn vẹn”.

Người đi xa, danh thơm còn mãi 

Cuộc hôn nhân gần 60 năm của danh ca Mai Hương và chồng - ông Trương Dục - là một trong những mối tình bền lâu nhất làng nhạc. Bà quen ông chỉ3 tháng trước khi kết hôn năm 1961 theo sự sắp xếp của gia đình. 

Nhà anh chị của ông Trương Dục trong cùng một con hẻm với nhà Mai Hương trên đường Bùi Thị Xuân (quận 1, Sài Gòn), họ chỉ thấy mặt chứ chưa hề nói chuyện với nhau bao giờ. Danh ca Mai Hương từng cho biết, cuộc hôn nhân của bà đến từ sự xếp đặt của gia đình mà không phải đến từ tình yêu thật sự.Tuy nhiên, sau gần 60 năm chung sống, danh ca Mai Hương luôn cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn bên chồng và 4 người con, gồm 1 trai và 3 gái.

Những năm tuổi già, cuộc sống êm đềm của danh ca Mai Hương cứ thế trôi qua trong những ngày hạnh phúc bên cạnh người bạn trăm năm trên vùng đồi Rowland Heights (TPIrvine, California, Mỹ) thơ mộng - nơi bà tìm được sự thảnh thơi cho tâm hồn với những sinh hoạt bình thường của một ngày trong cuộc sống.

Với một hành trình ca hát hơn 50 năm, rời khỏi ánh đèn sân khấu khi giọng ca không còn khoẻ vào những năm 2000,nhiều văn nghệ sĩ đánh giá giọng ca Mai Hương là “viên ngọc quý” và là một trong những giọng nữ xuất sắc nhất của tân nhạc Việt Nam.

Và, ngày 29/11 vừa qua, danh ca Mai Hương đã giã từ người thân để ra đi ở tuổi 79. Trên trang cá nhân của mình, một số văn nghệ sĩ trong nước và hải ngoại đã chia sẻ những dòng trạng thái bày tỏ niềm tiếc thương dành cho “Tiếng hát quay tơ”(ca khúc gắn với giọng ca của danh ca Mai Hương).

MC Jimmy Nhựt Hà viết: “Tuy cô đã giã từ sân khấu hơn 10 năm nhưng tình cảm của khán giả dành cho cô vẫn nồng nàn như xưa và tiếng hát của cô mãi có chỗ đứng trang trọng trong vườn hoa văn nghệ Việt Nam… Từ đây “Tiếng hát quay tơ” sẽ không còn dệt nên những sợi tơ vàng lấp lánh cho nền âm nhạc Việt…”.

“Cuộc đời thật ngắn ngủi. Vài tháng trước, chúng tôi còn trò chuyện qua điện thoại, giờ bạn đã bỏ lại những người yêu tiếng hát bạn mà ra đi. Vĩnh biệt bạn, tiếng hát tươi xanh và hoa xuân của tôi”, ca sĩ Mai Hân - người từng hát cùng danh ca Mai Hương thuở thiếu thời viết.

Như vậy, trong cùng năm 2020, cả 2 cô cháu ruột là danh ca Thái Thanh (mất ngày 17/3) và danh ca Mai Hương đều đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Xin cúi mình tưởng tiếc những tài danh bậc nhất của âm nhạc Việt Nam.

Đọc thêm