"Đánh động" công chức “ăn cắp” giờ công

Nhiều địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn tình trạng “ăn cắp” giờ công của cán bộ, công chức nhưng việc xử lý chỉ mới dừng lại ở đánh động, nhắc nhở.

Nhiều địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn tình trạng “ăn cắp” giờ công của cán bộ, công chức nhưng việc xử lý chỉ mới dừng lại ở đánh động, nhắc nhở.

Phú Yên là một trong những tỉnh đi đầu và làm quyết liệt trong việc ngăn chặn tình trạng “xén” giờ công của cán bộ, công chức (CBCC - Báo Người Lao Động phản ánh ngày 29-3). Mới đây, qua kiểm tra đột xuất 7 công sở, đoàn kiểm tra Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên phát hiện 5 cơ quan đơn vị có nhiều cán bộ nghỉ phép không đúng thủ tục. Đặc biệt, ở Hội Đông y tỉnh Phú Yên và UBND phường 9, TP Tuy Hòa không một bóng người.

Nhiều công chức la cà hàng quán trong giờ hành chính (Ảnh chụp lúc 9h ngày 25/3 tại quán Tí Tách, TP Tuy Hòa).

Kiểm tra đột xuất, thâm nhập quán xá

Ông Hồ Văn Tiến, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Phú Yên, cho biết UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ thành lập đoàn kiểm tra trong suốt năm 2013 nhằm ngăn chặn tình trạng CBCC “ăn cắp” giờ công. “Phải làm quyết liệt để chấn chỉnh việc CBCC cắt xén giờ công làm việc riêng. Không để tình trạng này kéo dài thêm”, ông Tiến nói.

Ngoài ra, Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên cũng đã thành lập đoàn kiểm tra về việc giải quyết thủ tục hành chính và kỷ cương, kỷ luật hành chính năm 2013. Theo ông Phạm Minh Chu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, đoàn sẽ kiểm tra đột xuất các đơn vị hành chính, sự nghiệp trong tỉnh, không báo trước thời gian, địa điểm kiểm tra.

Ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, cho biết: “Chúng tôi đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành riêng của thị xã, không những thường xuyên kiểm tra đột xuất tại các phòng, ban, hội, đoàn thể, UBND xã, phường mà còn kiểm tra ở các hàng quán trong giờ hành chính để kịp thời phát hiện, xử lý tình trạng bỏ việc ở công sở để làm việc riêng”.

“Ấn tượng” nhất trong việc trị “bệnh” la cà quán xá trong giờ làm việc của CBCC là sự kiện bí thư tỉnh ủy và giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình “vi hành” đến 7 quán cà phê ở TP Đồng Hới và bắt quả tang 15 CBCC đang ngồi đó trong giờ làm việc. Sau chuyến “thị sát”, các quán cà phê ở TP Đồng Hới vào giờ hành chính vắng thấy rõ.

Mới đây, Sở Tư pháp Quảng Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị gửi các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP bổ sung vào quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị nghiêm cấm CBCC sử dụng thời gian làm việc để làm việc riêng, đi muộn, về sớm, chơi game, đánh bài, đi ăn sáng, uống cà phê...

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình, cho biết để tiếp tục nâng cao chất lượng, thời gian làm việc, sở đã giao cho phòng cải cách hành chính có kế hoạch và chủ động thay lãnh đạo sở kiểm tra đột xuất các quán ăn sáng, cà phê... trên địa bàn TP để phát hiện CBCC vi phạm. Việc này sẽ được thực hiện quyết liệt trong thời gian dài.

“Trong thời gian đó, chúng tôi sẽ kỷ luật nghiêm các cá nhân vi phạm, đồng thời công khai danh tánh, cơ quan, đơn vị của người vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng” - ông Sơn khẳng định.

Đánh động là chính

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Chỉ thị 02 về việc tăng cường công tác quản lý thời gian làm việc của CBCC Nhà nước. Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị cũng được giao ghi hình và phát trên sóng các hành vi uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa, chơi game, uống cà phê… trong giờ làm việc... của CBCC.

Ông Trần Đăng Mậu, Trưởng Phòng Thời sự Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị, cho biết tổ ghi hình gồm 3 cán bộ, phóng viên cùng 3 cán bộ của Sở Nội vụ tỉnh.

Theo ông Trần Hữu Anh, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, trong thời gian sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, tổ này đã ghi và phát hình một số trường hợp ở UBND huyện Gio Linh, Hải Lăng và UBND TP Đông Hà tổ chức ăn nhậu vào buổi trưa, có cán bộ vi phạm quy chế làm việc.

Theo ông Anh, việc kiểm tra, ghi hình này không chỉ được thực hiện trước và sau Tết Nguyên đán mà diễn ra thường xuyên. Sau một thời gian thực hiện, tình trạng cán bộ trốn giờ làm việc ra quán vẫn có nhưng đã giảm hẳn.

Tuy nhiên, ông Trần Hữu Anh cho biết việc “kiểm tra chủ yếu là đánh động, nhắc nhở CBCC phải thực hiện tốt theo chỉ thị”.

UBND huyện Sông Hinh - Phú Yên là một trong những địa phương “tuyên chiến” sớm với nạn công chức “ăn cắp” giờ công. Ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết từ năm 2006, huyện này đã có văn bản chỉ đạo đến các phòng, ban hạn chế tiếp khách vào buổi trưa để tránh tình trạng “sa lầy”, dây dưa sang buổi chiều và cấm công chức có bia rượu đến công sở.

Huyện cũng thành lập đoàn kiểm tra thường xuyên đến các hàng quán trong giờ hành chính để ghi danh CBCC vào quán dù bất cứ lý do gì. Tuy nhiên, theo ông Toại, lâu nay việc xử lý vẫn còn du di, chưa thật sự quyết liệt, chỉ nhắc nhở là chính. “Nay chúng tôi sẽ mạnh tay hơn, có hình thức kỷ luật hẳn hoi nếu phát hiện CBCC bỏ việc ở công sở để làm việc riêng hoặc la cà quán xá” - ông Toại khẳng định.

Tinh giản biên chế và cơ cấu lại

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo Bộ Nội vụ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCC.

Mục tiêu của đề án cần tập trung vào việc tinh giản để có một đội ngũ CBCC năng lực cao, hoạt động hiệu quả, cơ cấu hợp lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát kỹ các nhiệm vụ, giải pháp trực tiếp phục vụ mục tiêu tinh giản biên chế gắn với đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ quan, tổ chức; gắn công tác tuyển dụng với tinh giản biên chế và làm rõ nguyên nhân của những bất cập trước đây để có giải pháp khả thi, hữu hiệu.

Theo Người lao động

Đọc thêm