Danh nhân Dương Khuê vừa được Hà Nội đặt tên đường là ai?

(PLO) -Sáng 28/10, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ gắn biển tên phố Dương Khuê. Dự buổi lễ có đại diện UBND thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao, UBND quận Cầu Giấy và gia đình danh nhân.
Danh nhân Dương Khuê vừa được Hà Nội đặt tên đường là ai?

Theo Quyết định số 4659/QĐ-UBND ngày 26/8/2016 của UBND thành phố Hà Nội về việc đặt tên 26 tuyến đường, phố mới, phố Dương Khuê nằm trên địa bàn phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy có chiều dài 540 mét, rộng 8 mét đoạn từ ngã ba giao cắt đường Hồ Tùng Mậu (giáp trường Đại học Thương mại) đến ngã ba giao cắt phố Nguyễn Hoàng

Nhà thơ, nhà nho yêu nước Dương Khuê sinh năm 1839, tên tự là Giới Nhu, hiệu là Vân Trì, quê làng Vân Đình, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội). Ông xuất thân trong một gia đình nhà Nho, là con cả Đô ngự sử Dương Quang, anh ruột của danh sĩ Dương Lâm.

Năm 1868 ông đỗ Tiến sĩ, được bổ làm Tri phủ Bình Giang (Hải Dương), rồi thăng làm Bố chánh. Khi giặc Pháp xâm lăng, ông dâng sớ bàn phải quyết chống Pháp. Năm 1878, vua Tự Đức xuống chỉ cho ông làm Đốc học Nam Định. Đến đời vua Thành Thái, ông lần lượt giữ các chức: Tham tá Nha kinh lược Bắc Kỳ, Tổng đốc Nam Định – Ninh Bình. Năm 1897, khi Toàn quyền Pháp xóa bỏ điều 7 của Hòa ước Giáp Thân 1884, đặt cơ sở cho guồng máy cai trị của Chính phủ bảo hộ thì Dương Khuê xin cáo quan, được tặng hàm Thương thư Bộ Binh.

Dương Khuê mất ngày 6 tháng 3 năm Nhâm Dần (1902). Nghe tin, bạn thân của ông là Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã làm bài thơ “Khóc bạn” để viếng ông. Dương Khuê là một nhà Nho yêu nước và là nhà thơ nổi tiếng, các tác phẩm hát nói của ông đều trở thành thể cách mẫu mực của Ca trù, trong đó có bài “Hồng hồng, tuyết tuyết”.

Ông cùng với Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Vũ Phạm Hàm…đã góp phần khiến cho nghệ thuật Ca trù trở nên nổi tiếng. 

Đọc thêm