Cuộc đời của Vi
Năm 2016 trên tờ báo Guardian của Anh đã xuất hiện bài báo về trẻ bụi đời ở Hà Nội. Cây bút Maeve McClenaghan viết về nỗ lực giúp đỡ trẻ em lang thang ở Hà Nội của một thanh niên từng chung cảnh ngộ.
Bài báo viết: “Khi màn đêm buông xuống tại Hà Nội, đám đông tụ tập quanh hồ Hoàn Kiếm bắt đầu vãn dần. Do Duy Vi quét qua những thanh thiếu niên đang săn Pokemon trên điện thoại, những người phụ nữ tập thể dục và người bán hàng rong rao bán chút hàng còn sót lại”.
“Bạn phải biết cách nhận ra những dấu hiệu”, Vi nói. “Đôi khi các em ấy trông sẽ nhếch nhác hoặc mang theo túi quần áo, đôi khi là quan sát cách các em ấy ngồi”. Hàng đêm, Vi tìm kiếm trẻ em lang thang ngủ trên đường phố của Thủ đô Việt Nam. “Các em được xem như những người bần cùng nhất. Trong tiếng Việt, các em được gọi là trẻ bụi đời”, Vi giải thích với cây bút người Anh.
Vi, 29 tuổi, là người phụ trách tiếp cận trẻ bụi đời cho Blue Dragon (Quỹ Trẻ em Rồng Xanh), một tổ chức phi chính phủ do người Australia sáng lập đã giúp đỡ trẻ em đường phố ở Việt Nam từ năm 2004. Anh đã đảm nhận công việc này trong 7 năm.
“Chính tôi cũng từng là trẻ lang thang khi 14, 15 tuổi”, Vi nói. “Cha mẹ tôi rất nghèo. Chúng tôi sống trong một ngôi làng nhỏ cách Hà Nội khoảng 130 km. Năm 14 tuổi, tôi quyết định đi kiếm việc làm, nên tôi đã lên một chiếc xe buýt và đến đây”. Trong hai năm, Vi đã ngủ trên sàn một nhà nghỉ và đi đánh giày. Vào ngày nhiều khách, cậu có thể kiếm được khoảng 80p (hơn 20.000 VND). Vi vẫn nhớ cơn đói và nỗi sợ của những ngày đó. “Tôi đã bị đánh đập rất nhiều”, anh kể…
Vi giờ đã có một gia đình hạnh phúc với một cô con gái nhỏ. Cuộc gặp gỡ 14 năm trước đã thay đổi cuộc đời anh. Vào một ngày hè rất nóng nực, Vi đang tìm kiếm khách đánh giày thì tình cờ gặp Michael Brosowski, một giáo viên đến từ Sydney. Ông Brosowski đã mở một lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo. Ông dạy tại một quán cà phê nhỏ vào các buổi chiều chủ nhật.
“Vi thật sự có điểm thu hút”, Brosowski nhớ lại. “Cậu ấy rõ ràng là một đứa trẻ thông minh và bạo dạn. Cậu ấy cười tươi với tôi và chỉ nói ‘Shoeshine!’ (đánh giày) - từ tiếng Anh duy nhất cậu ấy biết. Chúng tôi ngồi trong khoảng sân nhỏ bên ngoài nhà tôi. Cậu ấy đánh giày cho tôi trong khi chúng tôi trò chuyện”.
Vi bắt đầu theo học lớp của Brosowski và một năm sau, người thầy của cậu thành lập Blue Dragon. Trung tâm này hiện cung cấp bữa ăn, quần áo và lớp học miễn phí cho hơn 200 trẻ em đường phố một năm. Họ cũng có khu “mái ấm” cho các em, với khoảng 30 giường và nó luôn kín chỗ. Vi sống tại trung tâm trong 5 năm và sau đó trở lại làm việc cho Blue Dragon để giúp đỡ trẻ em từng chung số phận. Anh được gọi là “người tạo ra phép lạ” của tổ chức. “Cậu ấy thuyết phục được những đứa trẻ mà không ai khác có thể tiếp cận”, Brosowski giải thích.
“Tôi nghĩ rằng đó là nhờ chúng tôi có điểm chung, cả tôi và lũ trẻ đều đã trải qua vấn đề tương tự nhau”, Vi nói…”.
Đánh thức những ước mơ
Có rất nhiều bài hát về mái ấm gia đình, nhưng có lẽ bài hát với những ca từ: “ Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng, ba ngọn nến lung linh thắp sáng một gia đình...” đọng lại trong trái tim của người nghe nhiều nhất.
Bởi ẩn sâu trong đó là thông điệp mọi đứa trẻ khi sinh ra và lớn lên đều cần có một tổ ấm nhỏ, được chung sống dưới sự yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ. Gia đình trở thành điểm tựa vững chắc, thiêng liêng của mọi trẻ thơ.
Song không phải đứa trẻ nào cũng được sống trong mái ấm gia đình hạnh phúc. Vì nhiều lý do mà tổ ấm nhỏ của chúng tan vỡ và vào một ngày vì xô đẩy của cuộc đời, chúng trở thành những đứa trẻ bị bỏ rơi, lang thang cơ nhỡ.
Nhưng điều đó không có nghĩa là cảm xúc, ước mơ trong tim những đứa trẻ không còn nữa. Chúng vẫn giấu trong mình nỗi khát khao có một cuộc sống nơi mẹ cha yêu thương, chăm sóc hàng ngày. Nhưng điều đó là không thể. Nỗi thiếu vắng cha mẹ, nỗi buồn cô đơn dễ đẩy những đứa trẻ vào hố đen của cuộc đời.
Để cứu lấy những mầm non của đất nước, Nhà nước và cộng đồng xã hội đã thực hiện nhiều phương hướng giải quyết đối với những trẻ em bất hạnh như các trung tâm bảo trợ, nuôi dạy trẻ mồ côi, các làng trẻ, trại trẻ mồ côi…
Trung tâm Bảo trợ xã hội IV thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) là nơi an cư của hàng nghìn lượt trẻ lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn Hà Nội. N.là một cậu bé rắn rỏi, có đôi mắt sáng, tự tin và luôn tươi cười. N. kể, em không nhớ rõ đã theo người bác họ rời quê lên Hà Nội bán hàng rong từ năm nào, chỉ biết rằng lúc đó em còn rất nhỏ.
Hằng ngày, bác của em đi đánh giày, còn em vừa đi bán bông tăm, vừa xin tiền mọi người trên đường phố. Trong một lần uống rượu say, bác họ đã đuổi em ra khỏi căn phòng trọ ở quận Cầu Giấy. Không biết đi đâu, về đâu, em lên cầu vượt dành cho người đi bộ nằm ngủ. Thương tình, một người lạ cho em tiền để ăn uống, đi lại và cháu đã dùng số tiền đó đi xe buýt đến phố Huế.
Tại đây, N. đã gặp các lực lượng chức năng và được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội IV. Trong những năm sống tại trung tâm, N. luôn nỗ lực vượt lên hoàn cảnh để hòa nhập cộng đồng.
Mới đây, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vừa tổng kết dự án “Hỗ trợ trẻ em lang thang và có nguy cơ bỏ học đi lang thang” nhằm giúp gia đình có trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, cung cấp điều kiện học tập, đồ dùng học tập, xe đạp và các nguồn lực khác từ kinh phí của địa phương... để trẻ em được tới trường.
Ông Hoàng Văn Tiến - Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho biết dự án triển khai trong 2 năm (2017 - 2019) tại địa bàn 5 tỉnh trọng điểm là Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế và 2 trung tâm thuộc Bộ LĐ-TB&XH là Trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ em tàn tật, Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An.
Để xác định chính xác 1.000 trẻ em nhận hỗ trợ, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 5 tỉnh thực hiện hoạt động khảo sát, rà soát và xác định những trẻ em nguy cơ bỏ học mới phát sinh. Cùng với đó, Dự án đã vận động hồi gia và xóa bỏ tình trạng trẻ em nguy cơ cao bỏ học đi lang thang kiếm sống và ngăn ngừa giảm thiểu đáng kể số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bỏ học….
Còn đó những băn khoăn
Theo các quy định của pháp luật hiện hành, chỉ một số trường hợp đặc biệt mới được nuôi dưỡng thường xuyên tại các trung tâm bảo trợ xã hội, số đông còn lại chỉ được nuôi dưỡng tối đa 3 tháng. Hết thời gian này, các cơ quan chức năng đưa trẻ trở lại cộng đồng. Điều đó lý giải vì sao, dù Nhà nước và cộng đồng đã rất nỗ lực, trẻ lang thang vẫn xuất hiện đâu đó trên địa bàn Hà Nội.
Nhiều cán bộ của các Trung tâm bảo trợ xã hội đã bày tỏ lo lắng rằng đại đa số trẻ lang thang đưa về trung tâm từ các tỉnh, thành phố khác đến gặp khó khăn khi trở về địa phương, hòa nhập cộng đồng. Theo họ, để khắc phục tình trạng này, cần sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, người dân và chính quyền địa phương trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến người lang thang.
Và quan trọng hơn, gia đình, dòng họ của những đối tượng yếu thế cần quan tâm nhiều hơn đến người thân, tạo điều kiện cho họ có cuộc sống tốt nhất; chính quyền các địa phương cần tăng cường quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, có giải pháp trợ giúp những đối tượng yếu thế tại gia đình, cộng đồng.