Đánh thuế theo cách nào?
Để khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, Nhà nước đã cho áp dụng thuế GTGT 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp 10%. Dẫn chứng từ chính sách này, HoREA cho rằng, cần phải sử dụng công cụ thuế linh hoạt để điều tiết thị trường BĐS một cách hiệu quả hơn.
HoREA cho rằng, về mặt nguyên tắc, khi muốn khuyến khích thị trường BĐS tăng trưởng thì Nhà nước cần áp dụng thuế suất thấp đánh trên thu nhập do chuyển nhượng BĐS. Và ngược lại để điều tiết khi thị trường có dấu hiệu bong bóng thì lại phải áp dụng thuế suất cao, kể cả áp dụng thuế suất rất cao khi chuyển nhượng BĐS sau khi tạo lập trong năm đầu tiên.
Cũng về thuế, theo HoREA, trước đây, thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng BĐS có 2 cách tính thuế: hoặc bằng 22% trên thu nhập chịu thuế, hoặc bằng 2% giá trị hợp đồng giao dịch nhưng theo Luật Thuế hiện nay thì chỉ có 1 cách tính là tính bằng 2% giá trị hợp đồng giao dịch. Do bó hẹp một cách tính thuế đã dẫn đến tình trạng có nhiều trường hợp cố tình khai thấp để tránh thuế.
Được biết, Bộ Tài chính đang dự thảo Luật Thuế tài sản, Luật Thuế đánh trên người có nhiều nhà để nhằm ngăn ngừa đầu cơ trên thị trường BĐS. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng: Đề xuất của Bộ Tài chính dự kiến đánh thuế người có nhiều nhà, người bán nhà nhằm mục đích kinh doanh trong thời gian ngắn sau khi mua (trong vòng 01 năm) kể từ ngày tạo lập để chống đầu cơ, giúp làm tăng nguồn cung, tạo lập sự công bằng xã hội, tạo điều kiện cho người có nhu cầu thực có thể mua được nhà ở là điều nên làm.
“Tuy nhiên, hiện nay thị trường BĐS đang chững lại, Hiệp hội đề nghị nên có lộ trình đến khoảng năm 2020-2021 sẽ trình Quốc hội các đề xuất đánh thuế BĐS này thì sẽ phù hợp hơn” - Chủ tịch HoREA đề nghị.
Cần giám sát dòng tiền đầu tư
Về sử dụng nguồn tín dụng, theo tìm hiểu của Báo PLVN, quy định của Luật Kinh doanh BĐS, chủ đầu tư dự án phải có 15%, 20% vốn chủ sở hữu, còn lại đến 80%, 85% vốn đầu tư dự án của doanh nghiệp BĐS phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn huy động từ khách hàng và đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ngân hàng để thực hiện dự án.
Để khuyến khích thị trường tăng trưởng Nhà nước áp dụng chính sách tín dụng nới lỏng, lãi suất thấp, điều kiện thẩm định cho vay dễ dàng; Khi thị trường có dấu hiệu bong bóng thì áp dụng chính sách hạn chế tín dụng, kể cả áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng, lãi suất cao, điều kiện thẩm định cho vay khắt khe, khống chế tăng trưởng tín dụng.
Theo HoREA, trong những năm qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sử dụng công cụ tín dụng nhiều lần, có lúc thành công, cũng có lúc chưa thành công, như trong năm 2006, năm 2007, đã thực hiện chính sách tín dụng nới lỏng, thậm chí nhiều ngân hàng thương mại đã cho vay dễ dãi, dưới chuẩn đã dẫn đến bong bóng BĐS 2007.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho hay: Năm 2009, Chính phủ cấp nguồn tín dụng kích cầu đầu tư tương đương 1 tỷ USD, nhưng các ngân hàng lại không có biện pháp hiệu quả để kiểm soát việc sử dụng dòng tiền đúng mục đích, nên đã góp phần dẫn đến thị trường BĐS quay trở lại tình trạng bong bóng năm 2010.
Theo ông Châu, chính sách tín dụng thắt chặt tháng 3/2008, tháng 2/2011, lãi suất cho vay lên đến 21-25%/năm đã ngay lập tức làm thị trường BĐS bị đóng băng kéo dài mà hậu quả đến nay vẫn chưa khắc phục hết được. Năm 2013, Chính phủ triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng mà 2/3 dùng để kích cầu trực tiếp đến người tiêu dùng, đã góp phần giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu trên thị trường BĐS, hỗ trợ người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở và đã góp phần hỗ trợ thị trường BĐS phục hồi, tăng trưởng trở lại kể từ cuối năm 2013 cho đến nay. “Năm 2017, Chính phủ và NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% và đang nghiên cứu chính sách tín dụng nhà ở... Chính sách tín dụng đã và đang trở thành công cụ hiệu quả để điều chỉnh thị trường BĐS”- Chủ tịch Châu nhấn mạnh.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều bộ, ngành, HoREA đề nghị NHNN cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại xây dựng “Quy chế hoạt động nội bộ ngân hàng” theo hướng khuyến khích chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn, nhà cung cấp vật tư, thiết bị, khách hàng đều mở tài khoản giao dịch tại cùng ngân hàng, để tạo điều kiện cho ngân hàng giám sát dòng tiền được sử dụng đúng mục đích, giúp cho chủ đầu tư và các bên liên quan sử dụng vốn tín dụng hiệu quả, tiết kiệm, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.