“Đạo nhái” trong nghệ thuật, ở đâu lòng tự trọng?

(PLVN) - Từ tham khảo ý tưởng đến sao chép,“đạo nhái” dường như là ranh giới mong manh mà nhiều nghệ sĩ Việt "lỡ chân" bước qua, không chỉ một lần.
Denis Đặng nổi tiếng với nhiều sản phẩm nghệ thuật bị tố “đạo nhái” ý tưởng.
Denis Đặng nổi tiếng với nhiều sản phẩm nghệ thuật bị tố “đạo nhái” ý tưởng.

Những scandal "chôm chỉa" ý tưởng

Nguyễn Trần Trung Quân là ca sĩ nổi tiếng trong giới trẻ. Liên tục các MV của anh trong những năm qua đều lọt top trending, được đánh giá đầy sáng tạo, độc lạ. Cho đến khi nhiều sản phẩm nghệ thuật của nam ca sĩ này được phát hiện là "đạo nhái ý tưởng" từ nhiều tác phẩm âm nhạc, điện ảnh từ châu Á đến Tây Phương.

Liên tục nhiều sản phẩm của nam ca sĩ này hợp tác với Giám đốc sản xuất Dennis Đặng như Màu nước mắt, Tự tâm, Canh ba lần lượt gây tiếng vang và lần lượt bị tố "đạo nhái". Ở MV Màu nước mắt, 2 poster quảng bá được khán giả lấy ra để so sánh với 2 poster trong 2 phim Người hầu gái và The Haunting of Hill House, để thấy các poster của Màu nước mắt giống đến 80% về ý tưởng, bố cuc tạo dáng... với poster các bộ phim nói trên.

Cách đây vài tháng, MV Tự tâm xuất hiện như một "hiện tượng lạ" trong làng nhạc bởi nội dung đầy kì ảo, huyễn hoặc về một mối tình đồng tính trải qua nhiều kiếp số. Thế nhưng, chưa được bao lâu, người ta lại phát hiện ra MV đình đám này cóp nhặt ý tưởng sáng tạo từ hai bộ phim nổi tiếng Trung Quốc là Thập diện mai phục và Song hoa điếm.

Mới đây nhất, MV Canh ba, sự hợp tác mới của Nguyễn Trần Trung Quân và Denis Đặng lại tiếp tục bị chỉ rõ poster lấy ý tưởng từ phim Tam Quốc cơ mật, tạo hình của nhân vật nam chính trong cảnh chết đạo tạo hình của nhân vật Cung Vô Hậu trong vở kịch rối Phích Lịch Bố Đại Hí của Đài Loan. Khán giả Hoa ngữ chính là những người lên tiếng vạch ra và phản ứng về điều này.

Scandal "chôm chỉa" ý tưởng sáng tạo không chỉ dừng lại ở đó, khi mới đây, Dennis Đặng lại vướng tai tiếng “ăn cắp” ý tưởng trong MV mới ra mắt hợp tác với ca sĩ Orange kết hợp rapper Khói. MV mang tên Chân ái này bị tố đạo nhái ý tưởng từ phim kinh dị Hồng Kông - Malaysia sản xuất năm 2014 của đạo diễn Nick Cheung Hungry Ghost Ritual bởi rất nhiều điểm tương đồng trong cốt truyện.

Cạnh đó, tạo hình của các nhân vật cũng được phân tích rõ lấy ý tưởng từ nhiều nguồn khác nhau: kiểu tóc của một nhân vật là đặc trưng của nhân vật trong Kinh kịch Trung Quốc, kiểu mặt nạ vẽ lấy từ trong nghệ thuật kịch Kanbuki của Nhật Bản...

MV Chân ái của Orange bị tố vay mượn rất nhiều ý tưởng tạo hình từ văn hóa Trung Quốc, Nhật và một số bộ phim ngoại.
 MV Chân ái của Orange bị tố vay mượn rất nhiều ý tưởng tạo hình từ văn hóa Trung Quốc, Nhật và một số bộ phim ngoại.

Thậm chí, dù mang danh là người phụ trách sáng tạo nhưng đến cả ảnh đăng trên Instagram của Dennis Đặng cũng bị nghệ sĩ Nga phản ứng là ăn cắp từ tạo hình của anh.

Lòng tự trọng tạo nên nghệ sĩ chân chính

Trước hàng loạt tai tiếng, Denis Đặng đã đăng đàn giải thích rằng anh "lấy chỗ này một ít, lấy chỗ kia một ít" để trộn lẫn thành một "tổng thể hài hòa", tạo ra một sản phẩm sáng tạo mới thì không thể gọi là “đạo nhái” được. Tất nhiên, lời giải thích này không thuyết phục được phần đông công chúng. Khó có thể coi là "trùng hợp ý tưởng", là "học hỏi sáng tạo" khi một giám đốc sáng tạo liên tục trong nhiều MV bị vạch mặt mượn hết ý tưởng này đến ý tưởng khác.

Không ít ca sĩ, nghệ sĩ trẻ hiện nay, sự nổi danh cũng đi kèm với tai tiếng bởi sản phẩm luôn gắn liền mới một scandal về "đạo", từ ý tưởng đến phần hòa âm phối khí...

Như ca khúc Cần xa của Hiền Hồ giữa năm 2019, khán giả nhanh chóng phát hiện ra có phần nhạc giống bản hit Gashina ra mắt cách đây 2 năm của nữ ca sĩ Sunmi, thậm chí có thể coi là "bản Việt hóa" của Gashina. Trong khi đó, tác giả bài hát lại là nhạc sĩ Phúc Bồ, gắn liền với việc thường xuyên mượn beat nhạc Hàn trong các sản phẩm của mình.

Mới đây, nam ca sĩ tên K-ICM ra mắt MV mới, nhận lượt "dislike" nhiều, bị khán giả nhận định MV sử dụng không ít ý tưởng từ các MV của Sơn Tùng MTV. Quản lý của nam ca sĩ này đáp trả là "ngày trước Sơn Tùng ra mắt MV cũng bị cho là “đạo nhái” Hàn Quốc và kết quả là Sơn Tùng ngày một thành công hơn".

Chuyện thành công hay nổi tiếng khoan bàn đến, nhưng có một sự thật cần thừa nhận rằng giờ đây, nhiều nghệ sĩ quá thản nhiên với chuyện “đạo nhái” ý tưởng. Sơn Tùng M-TP cho dù đến nay đã rất nổi tiếng, nhưng việc nam ca sĩ này từng vay mượn nhiều ý tưởng, bị cả ca sĩ nước ngoài "vạch mặt" không phải chuyện vẻ vang gì, đó vẫn là một vết đen trong sự nghiệp của anh. Thế mà một nam ca sĩ trẻ mới “ra ràng” lại coi là điều đáng học hỏi.

Hay như Denis Đặng, người chuyên phụ trách sáng tạo có tiếng trong nước, lại đi cóp nhặt đủ các ý tưởng Đông Tây kim cổ đưa vào sản phẩm của mình, như một nồi lẩu thập cẩm, nhưng vẫn tự nhận là mình chỉ "học hỏi và sáng tạo".

Quả là đáng buồn cho một bộ phận nghệ sĩ trẻ hiện nay. Mà với tư duy như thế, khó lòng có thể coi họ là những "nghệ sĩ chân chính". Bởi một nghệ sĩ chân chính, điều quan trọng nhất không chỉ là tài năng mà là lòng tự trọng nghề nghiệp. Vay mượn, cóp nhặt, đạo nhái thì dù làm ra sản phẩm nổi tiếng thế nào, người tạo ra nó cũng chỉ là một người "thợ" giỏi nghề bắt chước mà thôi. 

Denis Đặng: "Khi MV lên, khán giả lại bảo, sao sản phẩm này "đạo" Kinh Kịch của Trung Quốc, "đạo" Kịch của Nhật Bản, "đạo" chỗ này, chỗ kia? Thực ra đối với Denis thì những yếu tố Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam ngay từ ban đầu khi lên ý tưởng nó đã là như thế.

Tôi cũng chia sẻ trước đó khá nhiều lần rằng tôi muốn sáng tạo một thế giới riêng, ở đó, tôi có thể "mix", "trộn lẫn" các nền văn hóa lại với nhau, nhưng nhìn ở đâu đấy thì vẫn thấy được sự tách biệt. Mọi người cũng đừng nghĩ rằng lấy chỗ này một ít, lấy chỗ kia một ít nó sẽ trở thành "đạo", vì bản thân tôi, lấy chỗ này một ít, lấy chỗ kia một ít, để đắp vào với nhau thành một tổng thể hài hòa, cân đối và thu hút, đấy là một sự lao động. Nó không chỉ đơn thuần là đặt mọi thứ lại cạnh nhau".

Nhạc sĩ Đức Trí: "Người ta vẫn thường hay tranh cãi như thế nào là học hỏi, thế nào là vay mượn, là "ăn cắp". Việc này không thể nào nói ra rõ trắng đen được vì nó rất mơ hồ. Bản thân âm nhạc cũng là một thứ rất trừu tượng mà không chuẩn mực nào có thể phán xét hoặc quy chụp cho những trường hợp như thế. Điều chúng ta nên bàn luận là đạo đức nghề nghiệp cũng như là ý thức cá nhân của người làm nhạc".