Câu chuyện “tại chức” bị từ chối trong tuyển dụng ở một số tỉnh và câu chuyện “nồi cơm” của các trường dường như luôn là đề tài không bao giờ cũ. GS Lâm Quang Thiệp (nguyên Vụ trưởng Vụ GD ĐH- Bộ GD&ĐT), người đã và đang có những nghiên cứu và khảo sát thực tiễn về đào tạo tại chức qua 70 trường ĐH, trao đổi xung quanh vấn đề gây nhiều tranh cãi này…
|
Chất lượng hệ tại chức đang ở mức báo động |
- Thưa GS, trước nay vẫn có câu “chính quy còn chẳng ăn ai…”, nghĩa là ai cũng hiểu rõ chất lượng của hệ đào tạo này. Nhưng “ câu chuyện” vẫn không có gì cải thiện?
- Trong một thời gian dài, việc giao nhiều chỉ tiêu, việc nhiều trường được mở “tại chức”, quan điểm chỉ coi tại chức là “nồi cơm” của các trường và việc kiểm soát không chặt, không nghiêm của cơ quan quản lý đã càng khiến chất lượng tại chức càng bi đát.
Bộ GD thả nổi coi như không quản nổi, càng ngày người ta càng chối bỏ hệ đó thì tính chất đã ngày càng nghiêm trọng. Vấn đề này hàng thập niên không đưa ra giải pháp. Có nhiều ý kiến đóng góp nhưng Bộ không có cơ chế nghe ý kiến chuyên gia. Nói mạnh nhưng vẫn vậy mà thôi.
- Giống như một biểu hiện của “phép vua, thua lệ làng” khi mà pháp luật không cho phép phân biệt bằng cấp và việc “từ chối tại chức” đã đẩy ngành GD&ĐT vào thế bí, càng làm suy giảm niềm tin vào một hình thức đào tạo chưa bao giờ giảm nhu cầu này?.
- Chúng ta không nên lên án người tuyển dụng. Bởi trên thực tế, việc tổ chức một hình thức để có thể tuyển chọn chính xác người có năng lực, đúng yêu cầu công việc là việc không dễ và rất tốn kém. Bởi vậy, ở nhiều nơi người ta phải chọn cách ít tốn kém hơn là “lọc” trên hồ sơ và “tại chức” ai cũng nhìn thấy chất lượng thấp hơn chính quy thì lọc trước.
Chẳng hạn khi lọc hồ sơ sẽ thấy trong 100 hồ sơ thì 99 là chính quy, 1 là tại chức nên rất dễ bị loại ngay từ sơ tuyển. Tuy nhiên không nên coi đây là chủ trương chính sách thông báo như vậy… Đành rằng doanh nghiệp tuyển dụng lao động có thể làm thế, còn riêng với cơ quan nhà nước khi tuyển dụng nhân lực thì không nên công khai “từ chối tại chức” như một chính sách, một chủ trương.
- Vậy vấn đề là ở đâu, thưa GS?
- Vấn đề cốt lõi là đào tạo tại chức ở Việt Nam đã đi sai đường. Lẽ ra, cần phải áp dụng một công nghệ khác thì lại dùng công nghệ đào tạo của chính quy, nhưng làm nhẹ đi, dễ dãi đi. Công nghệ đào tạo đối với hình thức không chính quy không có gì bí hiểm, nhưng nó đặc biệt bởi nó dùng cho đối tượng tự học là chính. Bởi vậy, cần có hệ thống học liệu tốt, chương trình, tài liệu phù hợp cho đối tượng tự học.
Việc đánh giá người học ở hình thức đào tạo này cũng phải khác hệ chính quy, tức là đánh giá đầu ra của từng môn học một cách chặt chẽ.
Do công nghệ giáo dục tương ứng với nó hoàn toàn trống không. Kiểm tra đánh gia cuối mỗi môn học cần nghiêm túc như kỳ thi tuyển sinh nhưng trường tổ chức như vậy sẽ tốn kém. Vì thế, các trường mở và không quan tâm đến chất lượng vì đây là “nồi cơm” và thu nhập của họ.
- Chúng ta cần làm gì để hết cảnh thả nổi hệ đào tạo này, thưa GS?
- Thứ nhất, chúng ta cần đầu tư công nghệ cho trường có chức năng đào tạo phi chính quy để phát triển đúng cách hình thức đào tạo này. Phải đầu tư ĐH mở rất nhiều để làm chuyện đó, tôi đề xuất 2 ĐH Mở từ năm 1993 để GD mở từ xa nhưng sau này họ biến thành “ĐH khép” không cấp tiền đầu tư. Đó là khuyết điểm của Bộ GD&ĐT chứ thả nổi cho trường làm sao kiểm soát được chất lượng.
Học theo phương thức mặt sát mặt thầy thì thầy trò phải gặp nhau còn giáo dục mở và từ xa thì công nghệ phải khác nhau… Gốc ở cái đó nên không phải từng trường làm được mà cả hệ thống giáo dục phải được đầu tư.
Thứ 2 phải có hệ thống đánh giá bởi vì với hệ thống sát mặt đánh giá thường xuyên trong khi hệ thống này không gặp thường xuyên để đánh giá được. Cuối môn học phải đánh gia nghiêm túc. Đây là xu thế của thế giới đang co hẹp chính quy và mở rộng tại chức.
Ở nước khác cho đại học mở như Trung Quốc, Thái Lan để xây dựng hệ thống tài liệu học tập, hệ thống đánh giá cho chương trình nên mỗi ĐH Mở có thể tập trung mấy trăm ngàn sinh viên không có vấn đề gì. Trường ĐH nào đào tạo không chính quy có thể sử dụng công nghệ của trường đó.
- Xin cảm ơn GS!
Uyên Na (thực hiện)