Đất đai chưa bao giờ “nguội”

(PLVN) - Gõ cụm từ “Vi phạm luật pháp về đất đai” trên google, trong 0,42 giây được 61,4 triệu kết quả. Điều đó cho thấy, đất đai chưa bao giờ “nguội”. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các báo vừa đưa tin việc Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại “3 ông lớn” Nhà nước là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, hai Tổng công ty Lâm nghiệp và Chè Việt Nam.

Qua đó đã phát hiện hơn 180.000ha đất tại 30 tỉnh thành xảy ra sai phạm, tồn tại cần phải được xử lý. Trong đó, tổng diện tích đất bị lấn chiếm của 3 tập đoàn và tổng công ty nêu trên lên đến gần 20.000ha (thu hồi lại chưa đến 10%). Đặc biệt, hồ sơ 12 cơ sở nhà đất ở một số địa phương đã được chuyển sang Bộ Công an làm rõ. Đất đai luôn là vấn đề nóng bỏng. Bởi “ăn đất”, đầu cơ đất, nhà ở (nói chung là bất động sản) đang là một trong những con đường làm giàu nhanh nhất.

Câu chuyện một chủ đầu tư khu đất thuộc quận Ba Đình (Hà Nội) 9 năm, 3 lần nâng tầng, từ 9 tầng, cao 33 mét, lên 16 tầng, cao hơn 63 mét. Công trình mới khánh thành, đưa vào sử dụng. Đây là minh chứng mới nhất về vi phạm tầng không. Xin nhắc lại, năm 2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ban hành Quyết định số 11 về “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu vực nội đô lịch sử”. Theo quyết định này, thì dự án trên chỉ được xây dựng tối đa 9 tầng (tương đương 32m).

Có lẽ, mấy từ “công trình điểm nhấn” tại văn bản này đã bị lợi dụng. Điểm nhấn là công trình có giá trị văn hoá, giá thị thẩm mỹ kiến trúc tiêu biểu cho một giai đoạn, tiêu biểu cho một khu vực của đô thị. Việc cho phép điều chỉnh dự án, tạo tiền lệ “chạy” điểm nhấn, làm hư hỏng cán bộ, “xé rào” quy hoạch. Đây chính là “lỗ hổng” để “lợi ích nhóm” ẩn nấp, hoạt động.

Không chỉ các tập đoàn, tổng công ty tư nhân mà cũng ở Hà Nội đã có công trình nhà ở riêng lẻ làm tới 4 tầng hầm trong khu dân cư.

Hệ thống pháp luật đất đai tuy đã được điều chỉnh, bổ sung thường xuyên, cứ sau vài năm lại sửa đổi Luật Đất đai và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều bất cập. Thị trường bất động sản ngày càng phát triển, giá trị QSDĐ ngày càng cao nên tình trạng chung hiện nay là: vì lợi ích tư sẵn sàng vi phạm pháp luật. Đáng tiếc, khi được phát hiện cũng chưa được xử lý triệt để, thậm chí có hiện tượng phạt để cho tồn tại, câu kết “trong – ngoài” dẫn tới “nhờn” luật.

Đất đai chưa bao giờ “nguội”, trong đó có nguyên nhân từ việc luật pháp còn những kẽ hở nhất định, cần tiếp tục hoàn thiện.