Đất đai - chuyện không bao giờ cũ

(PLO) - “Câu chuyện Đà Nẵng” đang nóng ran, dẫu mùa hè mới chớm. Hàng loạt cán bộ cao cấp, từng đứng đầu thành phố, vốn là “chủ thể” của quản lý đã trở thành “khách thể” của tố tụng. “Câu chuyện Đà Nẵng” một lần nữa cho thấy, đất đai và quản lý nó ở Việt Nam nói mãi không bao giờ cũ.

Thưa vâng, đất đai tài nguyên đặc biệt, tư liệu sản xuất đặc biệt đã và đang trở thành “miếng mồi” béo bở của tham nhũng, lĩnh vực hoạt động sôi động của các “nhóm lợi ích” - thực chất là các tổ chức “tiền mafia”.

Cái gốc của vấn đề đất đai là chưa thể giải quyết được mối quan hệ lợi ích của người dân trong thuật ngữ “sở hữu toàn dân”. Hay nói cách khác, đất đai đang bị một bộ phận cán bộ lạm dụng trong khái niệm “sở hữu toàn dân” - đó là lợi ích nhóm. Nhiều vấn đề bức xúc từ đất đai, đất đai trở thành vấn đề xã hội - khiếu kiện kéo dài, tù tội, oan ức; không gian sống, văn hóa sống của người dân bản địa bị thu hẹp, đẩy lùi nếu ở đâu có “nhóm lợi ích” hoạt động.

Hiện nay, khi giải quyết các vấn đề đất đai, các địa phương vẫn nặng giải quyết nhiệm vụ của nhà đầu tư để thực hiện dự án lớn. Hầu như chưa quan tâm tới giải quyết quyền lợi cho người dân. Theo nhiều chuyên gia phân tích chính sách công của Liên Hợp quốc, khi nghiên cứu về phòng chống tham nhũng trong đất đai cho thấy hiện tượng tham nhũng trong đấu thầu dự án, xin cấp đất thực hiện dự án là vô cùng lớn. Nhà đầu tư sẵn sàng “chung chi” với lãnh đạo có thẩm quyền.

Thu hồi đất, vấn đề gây bức xúc nhất cho dân là không thỏa đáng trong bồi thường diện tích đất bị thu hồi. Báo Pháp luật Việt Nam vừa đăng loạt bài 10 kỳ phản ánh hệ lụy dự án “xóa trắng” xã Long Hưng, TP Biên Hòa, TP Đồng Nai lập “Khu đô thị sinh thái kinh tế mới Long Hưng” cho thấy nỗi đau của những người bị “thu hồi đất” thực chất là bị “cướp trắng” đau đớn đến như thế nào?.

Một quyết định hành chính về đất đai “đẻ” ra tiền có thể “đẻ” ra rất, rất nhiều tiền bên cạnh nỗi đau (ví dụ chuyển mục đích sử dụng đất). Đó là nguồn cơn của rủi ro tham nhũng. Một quyết định hành chính chỉ là tạo thuận lợi cho thực hiện pháp lý. Ngược lại, quyết định hành chính “đẻ” ra tiền sẽ tạo ra cơ chế không có lợi cho quản lý. 

Trong khi luật pháp đang tạo ra những “lỗ hổng” lớn, chúng ta lại thiếu cơ chế giải trình và giám sát từ cộng đồng. Người dân không thể giám sát các dự án phát triển kinh tế - đô thị. Thứ hai, thiếu minh bạch về thông tin. Theo luật, lẽ ra người dân có thể dễ dàng tiếp cận chính sách quy hoạch tại địa phương nhưng thực tế rất khó - mở cửa cho vấn nạn “đi đêm” giữa nhà đầu tư với một bộ phận cán bộ.

Rõ ràng, luật pháp và chính sách đất đai, quản lý, sử dụng và giám sát về sử dụng đất đai đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn. “Đích của quản lý đất đai phải là tạo điều kiện cho người dân sử dụng đất đai hiệu quả nhất”, chứ không phải lợi nhuận chui vào túi các nhà đầu tư.